Thứ Sáu, 29/11/2024 09:35 SA
Có một miền quê đáng sống
Chủ Nhật, 09/10/2022 09:00 SA

Cổng chào xóm Ao Giữa, thôn Phụng Tường 1, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Đến thôn Phụng Tường 1, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, cảnh quan, môi trường thoáng đãng; ban đêm điện sáng đến tận ngõ xóm. Làng quê càng đẹp hơn khi từng ngõ xóm, đường làng đều có bảng tên.

 

Trên tuyến đường liên xã, từ ngã ba UBND xã Hòa Trị qua thôn Phụng Tường 1 đến xã Hòa Thắng, đường bê tông nông thôn trải dài dọc theo cánh đồng lúa. Cứ đến mỗi xóm nhỏ lại có bảng tên chỉ đường chẳng khác gì ở đô thị. Nào là xóm Gò Ổi, xóm Ao Ngoài, xóm Ao Giữa, xóm Ao Trong...

 

Không sợ lạc đường

 

Trong ba xóm Ao của thôn Phụng Tường 1, chúng tôi vào xóm Ao Giữa. Đang ngồi nghỉ mát dưới tán cây xanh cạnh đường bê tông bên cánh đồng lúa đang vào mùa gặt, ông Phạm Văn Tám xởi lởi: Xóm làng ở đây là anh em với nhau. Trước kia chung một xóm Ao, nay có Ao Trong, Ao Ngoài và Ao Giữa. Sỡ dĩ có tên xóm Ao là vì cánh đồng chạy dọc theo xóm nhà ở đây là ruộng rộc, mùa mưa nước lênh láng như cái ao làng. Về sau có hệ thống thủy lợi và mương rút, cánh đồng này không còn như cái ao nhưng địa danh xóm Ao vẫn còn nguyên. “Hồi đó dây ruộng này chia ra mỗi gia đình nửa sào trồng chòm rau muống, xung quanh bờ trồng bụi môn nuôi heo, phát triển kinh tế gia đình. Sau đó dân cư đông dần, giãn dân nên chia ra ba xóm Ao… Xóm nào cũng có bảng tên ở đầu đường vì từ đường liên xã qua cánh đồng dẫn vào các xóm đều là đường bê tông na ná nhau. Nếu không có bảng tên đường thì người ở xa đến đây sẽ bị lạc trên biển lúa”, ông Tám lý giải.

 

Vòng qua xóm Ao Trong, ông Nguyễn Văn Chính, người dân xóm này cho biết, ở đây 100 nhà thì 99 nhà làm nông, trồng lúa, chỉ còn một nhà là trường hợp già cả neo đơn. Nhà nào cũng quan tâm đến trồng lúa năng suất, chất lượng cao. Như ông đã gần 70 tuổi nhưng cũng phải đi học cách làm ruộng năng suất cao, giảm phun thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường. Cứ có lớp tập huấn sạ thưa, sạ hàng và hội thảo đầu bờ mô hình sản xuất lúa chất lượng cao là ông đi học. Giảng viên đứng lớp là cán bộ nông nghiệp chỉ trên dưới 30 tuổi.

 

Cũng theo ông Chính, lúa ở đây năng suất cao, khi trổ đòng, phơi gié lúa dài gà tha không nổi. Nhưng làm nông khó tránh được mất mùa do thiên tai, mưa bão. Như vụ đông xuân vừa qua, thời tiết bất thường, lúa chín đỏ đuôi gặp mưa bão đổ ngã, nước nằm trên lúa. “Thường một sào thu 10 bao may miệng, nhưng vụ đông xuân do mưa bão làm đổ ngã, lúa giảm năng suất, đám ruộng nhà tôi thu hoạch còn năm bao. Nhờ kiến thức từ các lớp tập huấn, đến vụ hè thu, tôi đầu tư phân thuốc quyết tâm đòi lại đúng 10 bao lúa”, ông Chính nói.

 

Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Trị 2, cho biết: Những năm qua, HTX thực hiện mô hình áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa chất lượng. Năng suất đạt bình quân từ 76-80 tạ/ha, cao hơn gần 10 tạ/ha so với nơi khác.

 

Rời cảnh nhà ba xóm Ao, chúng tôi vào xóm Gò Ông Ngải. Xóm nhà ở đây như mắc cạn trên cánh đồng lúa chín với những hàng cau, bụi chuối, hàng rào cây xanh… rất đỗi thân thương. Đường bê tông lúc chặt góc qua góc ruộng, khi ôm cua qua bàu rau muống. Bà Nguyễn Thị Linh đang bó rau muống cho hay, hằng ngày gia đình bà thu nhập từ nửa bàu rau muống này đủ tiền chợ. Sở dĩ có nửa bàu là vì hồi trước đường vào xóm này nhà men theo bờ ruộng cong qua quẹo lại, khi làm đường bê tông phóng tuyến đâm thẳng qua cánh đồng trúng một nửa đám rau. Hưởng ứng phong trào làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới, bà con tự nguyện hiến đất ruộng. Bàu rau muống nhà bà cũng trúng đường bê tông và bà hiến một nửa. Từ ngày làm đường bê tông mùa mưa không phải đi trên bờ ruộng, lội bùn như trước.

 

Bà Linh cầm bó rau muống lên khoe: Ngày nào tôi cũng chở rau đến chợ bán, cứ hai bó mười ngàn. Nhưng rau muống là phụ, lúa mới là cây trồng chính. Ở đây hầu hết nhà nhà lấy nông thôn nuôi đô thị, nghĩa là chồng ở nhà làm nông, vợ làm công ty may, con làm dưới thành phố, cuối tuần về chở gạo…

 

Nhìn qua bên kia đường bê tông, cánh đồng lúa trải dài, bà Linh nói tiếp: Cánh đồng này làm một năm dư một vụ. Nghĩa là, ruộng ở đây làm hai vụ chính là hè thu, đông xuân rồi bỏ hoang qua những tháng mưa lụt. Thời gian bỏ hoang, ruộng lên lúa chét. Ruộng rộc đất tốt, có năm được mùa lúa chét thu hoạch cũng kha khá. Lúa chét có người gặt, có người bán lại cho chủ vịt chạy đồng để họ bừa qua cho lúa nằm rạp xuống nước rồi thả vịt vào rúc…

 

Đường hoa xã Hòa Trị. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

 

Hoa nở ven bờ ruộng lúa

 

Đến xóm Gò Bé, xóm nhà nằm giữa cánh đồng lúa với mái ngói, mái tôn hiện lên đủ sắc màu. Ngồi bên hông nhà nhâm nhi ly rượu với món cá tràu ám đặc sản từ ruộng đồng, ông Nguyễn Văn Cường thủ thỉ: Làng quê có cái được cái mất. Cái mất là theo quy luật phát triển xã hội, như trước đây chiều chiều nghe tiếng bằm rau heo, nay nuôi heo hoàn toàn bằng cám công nghiệp. Mất cái này còn cái kia, khách ở xa đến, chiều nghe tiếng xì xèo, tiếng kêu dầu mỡ, bánh xèo dọn lên mâm.

 

Ông Cường kể, ở xóm Gò Bé, đường đi đến đâu điện đến đó. Mùa lúa chín, ban đêm đi trên đường nội đồng nhìn lúa phơi gié dưới ánh điện trải dài mát mắt. Tối, nhờ có điện sáng, người lớn tuổi ra ruộng ngắm cảnh, tập dưỡng sinh. Vùng nông thôn Hòa Trị có làng đô thị, nhà lầu san sát nhau. Người dân quê quý trọng cuộc sống thật thà, chan hòa tình cảm, hiếm có xích mích, gây gổ. Gần đây người dân trong xóm làm đẹp bờ mương, trang trí bờ ruộng bằng cách trồng, đơm lên chậu bông chiều tím, hoàng yến, ngọc lan, kèn hồng… tạo nên sắc màu rực rỡ. Nói về phong trào trồng hoa ở đây, bà Phạm Thị Thùy chia sẻ: Hội phụ nữ thôn phát động phong trào Đường hoa Hòa Trị. Không chỉ ở thôn Phụng Tường 1, mà Phụng Tường 2 hay Phước Khánh cũng vậy, phụ nữ trong xóm giao bờ ruộng cạnh đường bê tông trước nhà ai người ấy trồng hoa, từ đó bờ ruộng... ngàn bông hoa đua nở. Người ở xa đến đây thỏa thích ngắm hoa khoe sắc bên bờ ruộng lúa.

 

Thong dong ra đường bê tông ngắm hoa, ngắm đồng lúa, ông Bùi Văn Tiến chia sẻ: Đợt nắng nóng vừa qua, nhiều nơi như sống trong chảo lửa, thì ở đây vẫn mát mẻ vì hơi nước từ đồng lúa bốc lên, bờ ruộng, bờ mương hoa đua nhau nở nhìn đã con mắt. Đi làm mệt nhoài, chiều về nhìn cảnh đồng quê được vỗ về ngàn lời an ủi…

 

Theo ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Trị, UBND xã đã đầu tư kinh phí, vận động các doanh nghiệp, cá nhân mua hàng trăm chậu hoa, cây cảnh để trồng khuôn viên trụ sở UBND xã, các nhà văn hóa thôn, các tuyến đường chính của thôn. Riêng về trồng hoa ven đường, hội LHPN xã đã tuyên truyền, vận động người dân trồng 17 tuyến đường hoa, chiều dài 2.710m. Trong đó, thôn Phụng Tường 1 là ba tuyến dài 200m, thôn Phụng Tường 2 là hai tuyến dài 510m… Cùng với đó, mặt trận và các đoàn thể, các thôn đã vận động đoàn viên, hội viên và 926 hộ dân tham gia thắp sáng đường quê 66 tuyến, dài trên 23,3km, với 1.000 bóng đèn tiết kiệm điện, tổng kinh phí trên 300 triệu đồng, góp phần rất lớn vào thành tựu xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. 

 

Không chỉ ở thôn Phụng Tường 1 mà Phụng Tường 2 hay Phước Khánh cũng vậy, phụ nữ trong xóm giao bờ ruộng cạnh đường bê tông trước nhà ai người ấy trồng hoa, từ đó bờ ruộng... ngàn bông hoa đua nở. Người ở xa đến đây thỏa thích ngắm hoa khoe sắc bên bờ ruộng lúa.

 

Bà Phạm Thị Thùy ở xóm Gò Bé, thôn Phụng Tường 1,

xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek