Mùa mưa kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12, người dân ở vùng quê thức đêm đi dọc bờ sông đứng nhá (nhấc vó). Có người bơi sõng câu thả lưới, người thì đơm cá. Khá nhiều điều thú vị, dù cuộc mưu sinh của người dân ở gần sông nước lắm nỗi nhọc nhằn.
“BÍ QUYẾT” ĐỨNG NHÁ, THẢ LƯỚI
Khuya, trời mưa như trút, nước từ cái trổ máng đổ xuống bậc thềm ầm ào, ông Nguyễn Ngọc Hoàng ở xã An Định (huyện Tuy An) vác bộ gọng nhá ra sông Cái đứng nhá. Đến bờ sông, ông tìm chỗ nước ăn sâu vào triền soi cạnh lùm lau sậy. Mắc hai chiếc gọng vào tấm nhá, ông thả nhá xuống dòng sông.
Cứ 5, 10 phút, ông Hoàng từ từ nhấc nhá lên. Mấy con cá trôi, cá diếc, cá lúi giãy đành đạch. Nhẹ nhàng kéo nhá vào, tay giữ gọng còn tay kia nắm tấm nhá vừa rảy rảy vừa thu lại cho cá dồn vào rốn nhá, ông tóm lấy bỏ vào cái đục. Ông Hoàng xởi lởi: “Cá trôi sống ở đầu nguồn sông Cái. Từ vực Ông (xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân) đến suối Cà Tơn (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) mới có loại cá này. Mùa mưa, cá theo nước lũ xuống dưới này đẻ trứng rồi về lại thượng nguồn. Vì vậy, chỉ mùa mưa ở dưới này đi đứng nhá mới bắt, ăn được cá trôi”.
Tính đến nay, ông Hoàng có trên 30 năm đứng nhá. Theo ông, thường thì nước sông đang lớn, đứng nhá là “trúng” nhất do cá theo dòng nước đi tìm chỗ đẻ trứng. Mà, có khi nước lớn vào ban ngày, có khi vào ban đêm nên người đứng nhá phải chịu khổ. Ngoài việc thức đêm, đôi tay người đứng nhá phải kiên trì kéo nhá, trung bình một đêm nhấc lên thả xuống hàng ngàn lần. Chưa hết, gặp chỗ “trúng” cá nhưng dưới chân kiến lửa bò đỏ bờ cỏ, cắn sưng chân cũng ráng chịu vì di chuyển chỗ khác thì không có cá. Theo kinh nghiệm của ông Hoàng, khi kéo nhá thấy số lượng cá trong rốn nhá tăng dần là chỗ đó trúng luồng cá, còn nếu số lượng cá trong rốn nhá giảm hoặc không có là phải di chuyển đến chỗ khác, nếu đứng “niêm” một chỗ thì chỉ uổng công.
Ông Hoàng còn kể, bây giờ những người đi đứng nhá ban đêm sử dụng đèn pin (loại pin sạc), còn trước đây đèn pin khan hiếm nên họ cầm theo đèn lon (đèn làm từ lon sữa bò, đốt bằng dầu lửa). Có những đêm trời mưa dai dẳng, đèn dầu tắt, nước mưa thấm vào áo mưa choàng vai ướt bã người nhưng “trúng” cá nên ông cứ miệt mài kéo nhá, không muốn về. Sáng, vợ ông nấu mấy củ sắn, khoai lang đem cho chồng ăn ấm bụng.
Theo nghề này có khi còn phải “chạy lụt”. Có ngày mưa to, nước từ đầu nguồn sông Cái đổ về mạnh, mới thấy ngập mắt cá chân, loay hoay một chặp đã lên đến đầu gối. Không kịp rã nhá, ông hối hả vác nguyên cả chà, cả gọng băng qua cánh đồng về nhà.
Gần 15 năm qua, đến mùa mưa, nước ngập trắng cánh đồng trước nhà, ông Nguyễn Long ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) bơi sõng câu (một loại xuồng nhỏ) đi thả lưới. Ông Long cho hay: “Khoảng 5 năm trở lại đây, đến mùa lũ thả lưới mới bắt được con cá rô đồng, cá trắng. Cá rô đồng ngày trước róc đầy trong ruộng lúa, mùa lũ thả lưới bắt gần cả rổ. Loại cá này nướng dầm với nước mắm rồi luộc đọt rau lang chấm nước mắm dầm cá rô, ăn ngon tuyệt. Ngày thường thì hiếm, chỉ có cá rô phi đầy mương rạch, bán ế nhẫy chợ. Còn cá trắng chỉ (vệt nhỏ như sợi chỉ màu đen chạy dọc theo hông cá), kho với lá gừng ngon hết sẩy, ngày thường đỏ mắt tìm không ra”.
Ông Long nhớ lại, ngày trước, trong xã chỉ một vài nhà có chiếc sõng câu. Thời ấy, nhà nào kinh tế khá giả mới mua nổi tấm tôn lận sõng. Nhà ông thuộc diện nghèo khó nhưng vì mê nghề thả lưới nên ông “nhắm mắt” bán con nghé mục (con nghé đực cao gần 1m) mua tấm tôn về lận sõng. Giờ đây, chỉ cần bỏ ra trên 100.000 đồng thì mua dư sức, tuy nhiên cũng không mấy ai lận sõng vì cá tôm khan hiếm dần.
Ngày trước, người ta bơi sõng thì mang theo 3 tấm lưới, đó là lưới 1 dít, loại này thả bắt được cá rô hột mít, cá trắng chỉ; lưới 2 nhặt bắt được con cá lúi, cá ngựa to bằng 3 ngón tay; còn lưới 3 rảng thì bắt cá to bằng bàn tay người lớn. Và phải biết loại lưới nào thả chỗ nước cạn, lưới lớn thả chỗ nước sâu, đồng thời phải chọn hướng cá đi. Người ta cũng thường thả lưới cạnh bờ cỏ, lau sậy - nơi cá thường đẻ trứng. “Những năm gần đây lưới 3 màng ra đời, chỉ cần 1 tấm bắt được nhiều cỡ cá. Tuy vậy, có người thiếu kinh nghiệm, mờ sáng mang tấm lưới xuống đồng thả cá, gần trưa ra gỡ chỉ được ít cá bống, vài con cá lá tre, nấu nồi canh không ngọt, phải ráng “ngâm” lưới tới chiều tối, may đâu có con nào dính lưới thêm”, ông Long nói
Người dân ở xã An Định (huyện Tuy An) thả lưới bắt cá trong mùa mưa - Ảnh: H.NAM |
ĐƠM CÁ VÀ GIỮ NGHỀ ĐAN ĐÓ
Ông Trần Văn Cư ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) - người nối nghề đơm cá của cha suốt gần 20 năm nay, cho biết, đơm cá có 2 cách: đơm cá ra và đơm cá vô. Đơm cá vô là ngăn chỗ dòng suối hay con rạch bàu, đặt miệng đó ngược dòng chảy. Đó là khi nước đang lớn, cá theo nước róc lên vào các cánh đồng tìm chỗ đẻ trứng. Còn đơm cá ra là đặt miệng đó thuận theo dòng nước chảy, lúc đó cá theo dòng nước đang rút về lại sông. Dùng đó, đơm bắt được các loại, từ cá tràu, cá trê, cá nhét đến cua, ốc…
Ông Cư tiếc rẻ: Cách đây trên 10 năm, cá cua nhiều, dọc theo con rạch Bàu Cụt chạy xuyên qua cánh đồng Trường trước nhà ông, người trong xóm đóng cọc tre ngăn trên 10 bờ đơm, phía dưới dừng tấm mành tre cho cá khỏi lọt. Hằng ngày, phụ nữ trong xóm đi cấy lúa bên kia cánh đồng Núi Một chuyền qua bờ đơm. Nay dọc theo con rạch bàu trống không, chẳng ai đắp bờ đơm cá; trong mùa mưa muốn qua lại thì phải lội bùn.
Ông Cư nhớ như in hồi ba ông còn sống, mùa mưa đến, ông theo ba đi đơm cá. Thời ấy họ cất chòi giữ đó. Đêm tịch mịch, ông nằm thu mình trong chòi, nghe tiếng nước chảy qua họng cống vọng lại đều đều từ phía con đường nội đồng thật êm tai. Khuya, cha ông lội xuống thăm đó; trời mưa quần áo ướt nhũng. Tờ mờ sáng, hai cha con xách đục cá về. Má ông ra sau hè lấy quần áo khô cho ba thay rồi thêm khúc củi gộc vào bếp lửa cho ba ngồi ấm, sau đó bưng cá đi bán khắp xóm, nhờ đó mà có tiền nuôi con ăn học.
“Ba tôi theo ông theo bà đã 12 năm, từ đó đến nay, đến mùa mưa lũ tôi vẫn đi đơm cá. Trước đây, mùa đơm cá đồng kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12 qua tiết Đông Chí mới thôi. Mấy năm nay, hết đợt lũ thì con rạch Bàu Cụt trước nhà cạn dòng vì rừng ở đầu nguồn bị tàn phá. Bây giờ, mỗi mùa lũ tôi đi đơm cá không quá 10 ngày”, ông Cư buồn rầu.
Giờ đây, cá đơm được chỉ đủ ăn trong nhà nhưng do đam mê nên ông Cư không thể bỏ nghề. Và ông Cư tự hào rằng cũng từ nghề này mà ông được cha bày cho cách đan đó, đục, lờ, dẹp…, hiện nay mấy ai làm được. Đan lờ, đan dẹp thì đơn giản nhưng đan đó, đan đục đòi hỏi công phu, tinh xảo, nhất là khâu léo viền. Ngay cả khi vót nan cũng phải chuốc thẳng đều… Đặc biệt là cái đục hình thù giống con vịt, nhỏ bé nhưng đan nhọc công vì rất công phu, cả xã này hiếm có người đan được.
Cái đó do cha ông đan khi truyền nghề cho con, đến nay vẫn còn chắc nụi. Cha ông lựa cây tre già vót nan, léo viền bằng dây mây. Khi hết mùa đơm cá, ông làm theo cách ba ông, gác đó lên chái bếp cho khỏi mối mọt. “Hôm rồi có người bạn cũ của ba nài nỉ hỏi mua lại cặp đó. Tôi đem chuyện này thưa với má. Im lặng hồi lâu, má bảo: Đây là vật dụng của ba truyền nghề cho con, bắt con tôm, con cá. Con cất giữ làm kỷ niệm. Giàu có gì mà bán” - ông Cư nói.
MẠNH HOÀI NAM