Cách đây 4 năm, thầy trò HLV Calisto đã giúp cho bóng đá Việt Nam giải được cơn khát thành tích khi lần đầu tiên vô địch sân chơi khu vực sau gần nửa thế kỷ chờ đợi. Khỏi phải nói về niềm vui và hy vọng của những người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Trên nhiều tuyến đường ở các thành phố lớn nhỏ trên dải đất hình chữ S, đâu đâu người ta cũng bắt gặp hình ảnh cờ đỏ sao vàng bay phấp phới; băng rôn “Việt Nam vô địch” có thể nhìn thấy bất cứ nơi đâu trong cái đêm 28/12 lịch sử ấy.
Nhưng rồi 4 năm sau, đội tuyển Việt Nam rời giải đấu khu vực trong nỗi buồn. Với các chuyên gia, họ chẳng còn gì để nói, vì những gì có thể làm họ đã gởi đến thầy trò HLV Phan Thanh Hùng qua hai trận đấu với Myanmar. Với người hâm mộ, họ bàng quan đến mức xem việc bị loại khỏi vòng bảng AFF Cup 2012 là điều tất - lẽ - dĩ - ngẫu, sau những gì mà Tấn Tài và các đồng đội đã thể hiện.
Ở đây chúng tôi không đề cập đến vấn đề chuyên môn, bởi nói thẳng ra bất cứ người hâm mộ nào cũng có thể nói được vì sao đội tuyển thất bại. Điều mà rất nhiều người quan tâm lúc này là chúng ta sẽ làm lại và làm từ đâu để bóng đá Việt Nam trở lại với quỹ đạo của chiến thắng. Chờ đợi “phục thù” tại AFF Cup 2014, khi Việt Nam (nhiều khả năng) là đội chủ nhà của vòng bảng như lời Trưởng đoàn bóng đá Ngô Lê Bằng phát biểu trong cuộc họp báo sau khi Việt Nam thất bại trước Thái Lan. Nhưng lấy gì để đảm bảo khả năng thành công? Chính ông Bằng, người đang giữ vai trò Tổng thư ký VFF cũng không có cơ sở để khẳng định.
Cứ sau mỗi thất bại, bóng đá Việt Nam thường hay nhắm đến những cá nhân, những nhân vật đóng vai trò quan trọng để xoa dịu người hâm mộ. Tuy khẳng định sẽ tín nhiệm HLV Phan Thanh Hùng, nhưng mọi quyết định vẫn thuộc về ông thầy người Đà Nẵng. Nói thẳng ra, nếu ông Hùng từ chức trong những ngày sắp tới sẽ không làm nhiều người bất ngờ. Nhưng ông Hùng ra đi thì bóng đá Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt nào trong thời gian sắp tới? Trở về với việc dùng HLV ngoại hay tiếp tục với chính sách HLV nội? Khổ nỗi vấn đề của bóng đá Việt Nam không chỉ nằm ở vị trí HLV, mà mang tính hệ thống. Sự bất ổn đang diễn ra trên diện rộng, trong khi những người có trách nhiệm lại giải quyết theo kiểu “chữa cháy” và chính sách “vụ mùa” tại các sân chơi khu vực.
Có ai tin chắc rằng những cầu thủ U22 Việt Nam sẽ là những người chơi tốt trên đất Myanmar trong năm tới? Có ai tin chắc rằng bóng đá Việt Nam sẽ lấy lại hình ảnh và vị thế của “ông lớn” tương lai? Với người hâm mộ, họ không muốn nghe nói nữa mà muốn nhìn thấy hành động. Để có được điều đó, VFF phải bắt đúng bệnh, chữa đúng người, chứ không phải theo kiểu mơ hồ như hiện nay.
NGÔ NHẬT