Thứ Sáu, 11/10/2024 09:18 SA
Giáo dục thể chất cho học sinh:
Cần phát triển đúng tầm
Chủ Nhật, 27/12/2015 08:00 SA

Học sinh Trường THPT Lê Lợi thi đấu chung kết môn đá cầu tại Giải Thể thao học đường cấp tỉnh năm học 2014-2015 - Ảnh: K.HÀ

Những năm qua, ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong trường học, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh. Song, để bộ môn này phát triển đúng tầm, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác huy động xã hội hóa, từng bước xây dựng sân bãi luyện tập và bồi dưỡng, nâng chất giáo viên chuyên trách. 

 

ĐIỂM SÁNG TRONG XÂY DỰNG SÂN THỂ CHẤT

 

Không chỉ nổi bật với thành tích dạy tốt, học tốt, Trường THPT Lê Lợi còn được biết đến như một điểm sáng trong phong trào TDTT của huyện Đồng Xuân. Hàng năm, bên cạnh việc thực hiện tốt chương trình giảng dạy Giáo dục thể chất đảm bảo theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động TDTT ngoài trời, tham gia hai giải thể thao quan trọng: Thể thao học đường và Hội khỏe Phù Đổng. Theo thầy Hoàng Xuân Lượng, Hiệu trưởng nhà trường, trường có 7 giáo viên Thể dục, ngoài giảng dạy, mỗi giáo viên được phân công phụ trách huấn luyện cho ít nhất một đội tuyển như: bóng đá, đẩy gậy, cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ… Đặc biệt, nhà trường luôn ưu tiên đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, trang bị sân bãi cho các em tập luyện. Năm 2013, nhà trường vận động các nguồn xã hội hóa được 120 triệu đồng xây dựng sân bóng rổ, cầu lông và bóng chuyền bằng bê tông đúng theo quy chuẩn. Năm 2014, nhà trường tiếp tục đầu tư thêm 50 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc tập luyện TDTT. Mới đây, nhà trường đã huy động được 100 triệu đồng để tiếp tục đầu tư xây dựng sân thể chất. Mục tiêu của trường là đến năm 2020 sẽ có một khu giáo dục thể chất đúng chuẩn để đáp ứng nhu cầu giảng dạy và luyện tập TDTT của thầy trò nhà trường.

 

Nhờ đầu tư có trọng điểm, những năm qua, Trường THPT Lê Lợi luôn nằm trong top đầu các đơn vị có phong trào TDTT phát triển mạnh, đoạt nhiều huy chương tại các giải thể thao học đường của tỉnh. Đây chính là cơ sở và động lực để thầy trò nhà trường tiếp tục vượt khó, huy động các nguồn lực hoàn thiện cơ sở vật chất, sân bãi luyện tập, đưa phong trào TDTT của trường đi lên.

 

Theo ông Dương Văn Danh, cán bộ Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT Phú Yên), ở nông thôn và miền núi, để có thể huy động tốt các nguồn xã hội hóa đầu tư xây dựng sân giáo dục thể chất như Trường THPT Lê Lợi là một việc làm không dễ. “Để làm được điều này đòi hỏi tập thể sư phạm nhà trường, nhất là ban giám hiệu, cần có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của môn Giáo dục thể chất. Bên cạnh đó, các trường cần nâng cao chất lượng giáo dục để tạo uy tín cho phụ huynh và các đơn vị, cá nhân, từ đó việc huy động các nguồn lực xã hội sẽ thuận lợi hơn”, ông Danh bộc bạch.

 

ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ NHÂN LỰC

 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Phú Yên, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 430 trường học, tuy nhiên, mới chỉ có 5 trường học có nhà tập đa năng, 143 trường có sân tập TDTT ngoài trời, 65 trường có sân vận động. Phần lớn các trường học chỉ có một sân trường chung, không đúng quy cách để triển khai dạy và học Giáo dục thể chất.

 

Mới đây, tại hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Thể dục; xây dựng phong trào TDTT trong trường học” do Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hòa), giáo viên Thể dục cốt cán của các trường đã chỉ ra những thuận lợi và khó khăn hiện nay của bộ môn Giáo dục thể chất tại các trường học trong tỉnh; từ đó, đề ra nhiều giải pháp phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị. Đa số ý kiến đều cho rằng, để phát triển các hoạt động TDTT trong trường học, vấn đề cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện, cần phải được ưu tiên hàng đầu. Thay vì chờ đợi nguồn kinh phí Nhà nước, các trường nên chủ động tìm nguồn để tham mưu, xây dựng, từng bước chuẩn hóa các điều kiện trang thiết bị, dụng cụ TDTT phục vụ công tác giảng dạy và các hoạt động ngoại khóa. Song, việc xây dựng sân thể chất cần có quy hoạch, chiến lược, tránh lãng phí.

 

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, ngành Giáo dục cần phải quan tâm hơn tới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy Giáo dục thể chất. Thầy Trần Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ Thể dục - Giáo dục quốc phòng - an ninh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho rằng: “Mục tiêu của Bộ GD-ĐT là cuối năm 2015 phải chuẩn hóa giáo viên dạy Giáo dục thể chất và đến năm 2020, đảm bảo 100% các trường phổ thông có giáo viên chuyên trách tốt nghiệp đúng chuyên ngành. Cho nên, thời gian tới, ngành Giáo dục cần chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ này thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên ở trung ương và địa phương”.

 

Theo ông Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, để Giáo dục thể chất trong trường học đáp ứng được nhu cầu của học sinh, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các trường cần nhận thức rõ tầm quan trọng của môn học này, từ đó, xây dựng kế hoạch, đầu tư đổi mới phương pháp giảng dạy để thu hút học sinh. Đặc biệt, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học nhằm đáp ứng được yêu cầu mục tiêu của môn học.

 

KHÁNH HÀ

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chứng minh đi Van Gaal!
Thứ Sáu, 25/12/2015 11:31 SA
Tạp chí bơi của Mỹ vinh danh Ánh Viên
Thứ Năm, 24/12/2015 11:34 SA
“Tìm bột để gột nên hồ”
Thứ Năm, 24/12/2015 08:27 SA
Tăng chất lượng hay làm khó CLB?
Thứ Năm, 24/12/2015 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek