Lúc Mai đang bặm môi nắn nót từng nét chữ trên dòng kẻ ô ly thì cơn đau tim ập đến. Mai ôm ngực, gục mặt lên bàn, tiếng cô giáo vẫn văng vẳng bên tai: “Con bướm trắng/ Lượn vườn hồng/ Gặp con ong/ Đang bay vội/ Bướm liền gọi. Rủ đi chơi…”(*). Cơn đau tim đi kèm với cơn khó thở khiến Mai hoảng sợ. Nhưng cơn đau sẽ qua mau, cô giáo và bạn bè xung quanh không biết. Chỉ có chữ trên dòng kẻ ô ly bỗng nhiên nguệch ngoạc. Về nhà, Mai giở vở ra chỉ vào dòng chữ ấy để tả lại cơn đau: “Mẹ thấy không, chữ con lúc ấy giống như điện tâm đồ”.
Nhìn theo dáng con gái chạy nhảy ngoài sân, lòng Sương thắt lại. Tuổi chị nuôi con khó, hai đứa nhỏ thường xuyên đau ốm. Trong nhà không có gì nhiều bằng thuốc. Hết cúm sốt đến viêm phổi, thuốc ngoài không khỏi thì vợ chồng con cái bồng bế nhau vào viện. Nhưng điều trị rồi sẽ khỏi. Nó không đáng sợ bằng một trái tim yếu ớt. Đêm nằm, Mai hay nhấc tay mẹ đặt lên ngực mình, thủ thỉ:
- Mẹ có thấy tiếng tim con đập không? Uỵch! Uỵch! Uỵch! Mỗi một phút bao nhiêu tiếng uỳnh uỵch thì là một trái tim khỏe mạnh ạ?
- Khoảng 70-110 lần một phút con à. Khi con lớn lên, nhịp tim sẽ giảm.
- Khi bị đau tim, mọi thứ xung quanh vẫn diễn ra, chỉ có con bất động. Cơn khó thở rất đáng sợ. Mẹ từng kể với bố, lúc vào phòng mổ sinh, tiêm xong mũi gây tê tủy sống, mẹ cũng từng hoảng sợ vì khó thở. Con cũng hoảng sợ như mẹ ấy.
Sương ôm con vào lòng, vỗ về tấm lưng bé nhỏ, an ủi:
- Sẽ không sao đâu con. Chỉ là cơ thể gặp trục trặc chút thôi. Để sang tuần bố mẹ sẽ đưa con đi khám.
Nhưng ngay sáng hôm sau, lúc đang vội vàng cúi xuống xỏ dép để tới trường thì cơn đau tim lại ập đến. Mai ôm ngực, vừa kịp lúc mẹ Sương chạy đến. Dù sau đó cơn đau đã hết nhưng Mai vẫn được bố chở đến phòng cấp cứu bệnh viện đa khoa thị xã. Mai được các bác sĩ nghe nhịp tim, chụp CT tim nhưng không phát hiện bất cứ điều gì. Trước một cơn đau tim tức ngực, mọi thứ vẫn luôn bình thường. Nhưng Mai đã trở nên rón rén mỗi khi định ùa vào chúng bạn vui đùa. Rón rén lúc đạp xe trên vỉa hè mỗi buổi chiều. Rón rén lúc cô giáo hỏi những bạn nào sẽ đi trải nghiệm ở trại dê trắng cách xa gần trăm cây số. Mai sợ một cơn đau ập đến sẽ làm mình trở nên yếu đuối, đáng thương trước mặt bạn bè. Có đêm Mai không dám nhắm mắt ngủ vì sợ cơn đau tim ập đến chẳng ai biết, ngày mai không thể nào thức dậy. Như hiểu được nỗi lo sợ của con, bố vỗ về:
- Tuần sau bố xin nghỉ phép, đưa con xuống viện nhi trung ương khám. Kiểu gì cũng sẽ tìm ra bệnh và chữa khỏi cho con.
- Thế nhỡ các bác sĩ vẫn không tìm ra bệnh của con?
- Làm gì có chuyện đó. Bệnh viện dưới thành phố máy móc hiện đại, các bác sĩ rất giỏi. Mỗi ngày các bác sĩ thăm khám cho vài trăm bệnh nhi. Em bé nào có bệnh cũng tìm ra.
Bẵng đi vài ngày, trái tim yên ổn trong lồng ngực, có lúc Mai quên nó đi. Nhưng trưa đó, lúc đang cùng các bạn nhận phần cơm ở lớp thì cơn đau lại một lần nữa ập đến. Khay cơm rơi tung tóe dưới đất, Mai một tay ôm ngực, một tay bấu vào bàn. Cô giáo đang chia cơm vội buông thìa chạy đến, các bạn cũng xúm lại xung quanh. Cậu sao thế? Sao thế? Cậu đau ở ngực à? Cô giáo đỡ Mai ngồi xuống, lấy tay xoa ngực học trò. Nhớ lời nhờ cậy của phụ huynh, cô giáo bảo một bạn lấy thuốc trong ngăn cặp của Mai. Một bạn khác vội chạy đi lấy nước. Mai thấy dễ thở hơn, cơn đau tim cũng dần hết, thuốc cũng đã uống rồi. Nhìn khuôn mặt lo sợ của các bạn xung quanh, Mai cười bảo:
- Trái tim tớ chỉ chập chờn một lúc thôi mà.
Cô giáo đổi chỗ Mai lên bàn đầu để tiện theo dõi. Cô cũng nhắc cả lớp luôn để mắt đến Mai để có thể giúp bạn kịp thời. Mai e dè ngồi giữa bạn bè, thấy sau gáy mình nóng lên bởi biết bao ánh mắt. Giờ ra chơi sau đó không bạn nào còn nô đùa xô đẩy Mai như mọi khi nữa. Thậm chí các bạn còn chú ý tránh xa một chút để chạy nhảy không va đập vào Mai. Có vài bạn lỡ va phải Mai liền quay lại hỏi han, xin lỗi. Những tiếng cười vang xa, Mai thấy mình lạc lõng giữa bạn bè, trường lớp. Gục mặt xuống bàn, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt nhỏ. Mai đâu biết lúc đó có một ánh mắt đang trìu mến nhìn mình từ trên bục giảng.
Hôm ấy, nắng đẹp. Đến giờ hoạt động ngoài trời, học sinh ùa ra từ khắp các lớp, áo trắng khăn quàng đỏ cùng nụ cười tươi rói trên môi. Những đôi chân reo vui trên từng bậc cầu thang rồi hòa vào sân trường ríu rít tiếng chim. Sam ghé tai Mai bảo:
- Cậu biết không? Đi học tớ khoái nhất là giờ hoạt động ngoài trời đấy. Cậu biết sao không?
- Thì được tập thể dục, chơi trò chơi, khỏi bị cô kiểm tra bài tập chứ sao.
- Những phép toán như bay hết lên trời. Đầu óc nhẹ tênh, chẳng phải nghĩ ngợi gì. Sướng!
Mai nghe bạn nói, bật cười hở cả hàm răng sún. Bỗng tiếng cô hiệu trưởng vang lên thông báo về hoạt động kéo co giữa các khối, kết hợp việc chụp ảnh tham dự cuộc thi “Nét đẹp học đường” chào mừng 120 năm ngày thành lập thị xã. Khỏi phải nói các bạn học sinh háo hức biết chừng nào. Rất nhanh, thầy tổng phụ trách đội đã phân chia từng khu vực riêng cho các khối. Không khí vui nhộn chưa từng thấy, góc nào cũng vang tiếng hò reo cổ vũ. Cố lên! Cố lên! Khối lớp một bé nhất trường nhưng tiếng hò reo lớn nhất. Cứ một lượt mười bạn lên thi kéo. Mai khản cổ hò reo mà vẫn chưa thấy đến lượt mình. Thời gian sắp kết thúc, Mai tiu nghỉu khi nghĩ rằng cô giáo và các bạn đã quên mất mình rồi. Buồn tủi vì có một trái tim yếu ớt nên chẳng thể vui chơi, hòa cùng các bạn, nước mắt Mai chực trào. Đúng lúc ấy, cô giáo ra hiệu cho các bạn chạy ra kéo tay Mai vào hàng. Mai được xếp đứng cuối cùng dang hai chân ra trụ vững. Tiếng hò reo lại vang lên. 1C cố lên! Mai ơi cố lên! Trong khoảnh khắc ấy, tiếng của bè bạn, thầy cô ngân lên trong tim Mai hạnh phúc. Ngay cả lúc sợi dây thừng bị tuột, cả nhóm ngã chổng quèo dưới sân trường đau điếng nhưng Mai chỉ thấy nắng sao mà vàng thơm như hũ mật ong. Lá lá reo vui, những tiếng cười trong veo bay lên những đám mây trắng xốp.
Mấy ngày sau đó, Mai cùng bố đón chuyến xe sớm nhất xuống thủ đô. Đây là chuyến đi xa đầu đời của Mai, thành phố dần hiện ra qua cửa kính xe hào nhoáng và đồ sộ. Bố cứ lo cô con gái nhỏ say xe, nhưng suốt chuyến đi Mai không hề tỏ ra mệt mỏi chút nào. Thích thú ngắm nhìn những tòa nhà cao tầng, cầu bắc qua sông, tàu điện chạy trên cao, Mai quên cả lời mẹ dặn: “Lên xe nhớ ngủ một giấc cho khỏe”. Bệnh viện nhi đông quá, có những em bé tận miền Trung ra từ ngày hôm trước cũng đang xếp hàng chờ. Trong lúc ngồi chờ trước khoa tim mạch, Mai thấy những bạn nhỏ trạc tuổi mình. Đằng sau lồng ngực kia hẳn cũng có trái tim trục trặc giống như Mai. Ý nghĩ ấy khiến Mai vừa thương cảm vừa thấy mình không lạc lõng. Bác sĩ gọi tên, Mai và bố bước vào phòng khám. Nhưng sau khi thăm khám, siêu âm tim, siêu âm phổi, bác sĩ nói Mai không gặp vấn đề gì về tim phổi. Các triệu chứng cho thấy Mai có thể bị bệnh về đường tiêu hóa nên bác sĩ đã chỉ định nội soi dạ dày. Trước lúc chìm vào giấc ngủ do tác dụng của thuốc gây mê, Mai còn hỏi bố: “Khi nào bố con mình sẽ được về nhà?”.
Tỉnh dậy, mở mắt ra, Mai đã thấy khuôn mặt bố tươi cười. Bác sĩ nói Mai bị trào ngược dạ dày nên thỉnh thoảng bị đau ngực gần giống với một cơn đau tim. Chỉ cần điều trị theo đơn thuốc và chịu khó kiêng khem đồ chua, cay, nước có ga là sẽ ổn. Bố gọi về nhà, Mai dường như nghe thấy cả tiếng thở phào của mẹ qua điện thoại: “Tim, phổi con không vấn đề gì là may mắn lắm rồi”. Suốt chặng đường về, Mai cười nói líu lo, viên kẹo ngọt ngậm trong miệng tan hết lúc nào không biết.
Sáng hôm sau Mai tới lớp, cô giáo và bạn bè liên tục hỏi thăm. Bạn Đạt thường ngày vốn nghịch ngợm, hay chọc ghẹo Mai mà hôm nay cũng tỏ ra quan tâm lắm:
- Cậu đã đi khám chưa? Bác sĩ bảo tim cậu thế nào?
- Tớ đã đi khám rồi. Hóa ra tim tớ không trục trặc mà hoàn toàn khỏe mạnh. Bác sĩ bảo là do các axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản nên gây tức ngực. Từ giờ tớ không cần phải lo lắng nữa. Tớ có thể chơi đùa thoải mái cùng các cậu rồi.
Các bạn reo vui, kéo tay Mai hòa vào giữa sân trường. Mai xoay người quanh chúng bạn, đặt tay lên ngực mình nghe trái tim đập những lời yêu thương dịu ngọt. Bầu trời trong xanh quá…
----------------------
(*) Trích bài thơ “Ong và bướm” của tác giả Nhược Thủy