Tôi dạy học và sinh sống cách xa nhà của ba má, mỗi lần gọi điện về hỏi thăm và được nghe giọng má quen thuộc: “Ời con, bình thường, ba má vẫn bình thường nghen…” là lòng vui đến rưng rưng. Trời đất đã sang thu, mùa Vu lan nữa lại đến, lòng những đứa con xa càng bồi hồi nhớ nhà, nhớ má…
Trước 1975, má tôi học nghề y tá hộ sinh. Thời bao cấp, vùng thôn quê còn thiếu thốn trăm bề, hầu như các mẹ trong xóm khi sinh đều nhờ đến má. Nhiều lúc mưa gió, bất kể sớm khuya, từ làng trên xóm dưới, hễ ai đến gọi có người nhà chuyển dạ là má ẵm con nhỏ chạy về gửi ông bà ngoại, rồi tức tốc đi. Lúc ấy, ba tôi là bộ đội đóng quân ở Pleiku, đến năm 1982 mới phục viên trở về.
Thế hệ 7X, 8X sinh ra ở làng cũ, phần nhiều đều có bàn tay của má tôi nâng đỡ, tắm rửa từ những ngày đầu. Má cầu mong cho mẹ tròn con vuông, được nghe tiếng trẻ khóc chào đời, được nhìn thấy chúng từng ngày lớn khôn nơi xóm nhỏ bình yên là mừng vui lắm. Niềm hạnh phúc của một bà đỡ chỉ đơn giản thế thôi! Sau này, các mẹ khi sinh con đều đến trạm y tế xã, bởi ở đó đảm bảo an toàn hơn cho cả mẹ và bé. Dù không trực tiếp đỡ đẻ nữa nhưng má vẫn phụ giúp các cô, dì nếu họ còn bỡ ngỡ, lúng túng sau sinh.
Cũng như bao người mẹ quê khác, má tôi đầu tắt mặt tối với ruộng đồng, bếp núc, gà heo, vườn tược… Chẳng mấy khi thấy má hết việc, từ lúc tinh mơ đến xẩm tối, quanh năm suốt tháng. Hình ảnh má ngồi bên ngọn đèn dầu leo lét để chẻ nan, đan rổ hoặc bước thấp bước cao liêu xiêu nơi ruộng gò, ruộng rộc vẫn còn mãi trong tôi. Cả đời má tảo tần lam lũ, chưa biết đến sinh nhật, nghỉ lễ, nói gì chuyện đi tham quan, du lịch. Thế nhưng tôi chưa bao giờ nghe má than vãn khó khăn. Má lặng lẽ, âm thầm, chịu đựng, hy sinh cả đời để lo cho con cái. Má muốn con mình sẽ có đứa theo nghề y, vậy mà anh em tôi chẳng ai thực hiện được. Má có tiếc nhưng không quá buồn vì tôn trọng sự lựa chọn nghề nghiệp của các con.
Nay má tôi gần 80 tuổi, lưng còng, tóc bạc, gương mặt in hằn những nếp nhăn. Mỗi lần về thăm nhà, nhìn dáng đi của má như song song với mặt đất khiến lòng tôi nhói lên những nỗi niềm. Chiếc xe đạp cũ kỹ thay thế cho cây gậy, má không đạp xe được nữa nhưng nhờ nó làm điểm tựa để giúp má lên chùa, ra chợ, hoặc đi loanh quanh trong xóm.
Tuổi thơ trôi nhanh quá, anh em tôi lớn lên mỗi người một ngả mưu sinh, nhà chỉ còn ba má vào ra sớm tối. Mỗi lần về thăm là má mừng rỡ, hỏi han đủ chuyện và luôn nhắc nhở tôi phải biết yêu thương gia đình, khắc phục khó khăn, đối đãi tốt với vợ con, sống thuận hòa cùng bà con lối xóm…
Mỗi khi giảng dạy đến các tác phẩm viết về hình tượng người mẹ là lòng tôi dâng tràn cảm xúc. Bởi, trong từng nhân vật đều phảng phất bóng dáng của má tôi, tảo tần, vất vả...
PHAN HUY THÙY