Chuông điện thoại gióng giả trong đêm thanh vắng. Tôi ngồi dậy, vuốt màn hình. Phía đầu dây: “Xin lỗi! Có phải cậu Đạt không ạ?”. Chững lại vài giây, tiếng con gái nghẹn ngào: “Cậu Đạt ơi! Cháu báo cho cậu tin buồn…”. Nắm chặt chiếc điện thoại trong tay, tôi cứ tưởng nó vỡ vụn đến từng ốc vít. Nước mắt tôi lăn dài trên nếp nhăn của tuổi tác. Vậy là chị Lụa đã ra đi. Trong tình hình COVID-19 đang bùng phát, mọi ngả đường đang lập chốt kiểm soát người qua lại. Tôi chỉ biết thắp nén hương, thầm khấn chị.
*
Máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nơi chỗ làm việc, mẹ đưa tôi về ngoại. Quê ngoại tôi nằm bên dòng sông Rào Nậy trong xanh. Nơi có những nếp nhà thấp thoáng dưới lũy tre làng. Phía sau nhà ngoại là đồi sim. Chớm hạ, hoa sim nở tím ngát cả một góc trời. Cạnh nhà ngoại là nhà bác họ xa. Nhà chỉ còn bác gái và chị Lụa. Ngày tôi về, bác sang chơi. Chị Lụa thập thò nơi chái nhà, đôi mắt hun hút, ngơ ngác nhìn tôi lạ lẫm. Chị gầy tong teo trong chiếc áo nâu bạc màu, tóc hoe vàng. Tôi đến trường mới, bà nhờ chị dẫn tôi đi học. Chị học trên tôi một lớp. Tôi đi theo chị không nói câu nào, còn chị cứ huyên thuyên kể chuyện. Không hiểu sao, lâu dần cái duyên ngầm ở chị làm cho tôi ngày càng muốn gần gũi chị. Những đêm tôi sang học bài với chị, bên ngọn đèn dầu tù mù, hai cái đầu chúi vào sách vở. Khói đèn lay lắt bám đầy lỗ mũi đen sì, chị đi rửa xong thường lấy khăn lau giùm tôi.
Mưa to. Căn hầm nhà ngoại nước tràn vào ngập cả chỗ nằm. Tôi sang ngủ nhờ hầm nhà bác cùng chị Lụa. Chị nhỏ nhẹ kể chuyện cho tôi nghe. Đó là chuyện đi hái sim bị rắn cắn phải đi bệnh viện mấy tuần mới khỏi. Là chuyện đi hái củi một mình bị lạc. Chuyện chị nhịn đói đi học ngất xỉu, may có thầy cô cho bát cháo mới tỉnh lại… Giọng chị buồn như sương sớm vương vấn nơi vạt cỏ của thôn quê nghèo khó. Tiếng chị nhỏ dần, chìm vào giấc ngủ. Nửa đêm tỉnh dậy, tôi ngồi ngắm chị qua ánh trăng mờ mờ từ cửa hầm. Đôi môi hồng của chị chúm chím như đang mỉm cười trong mơ.
Chị không học lên, ở nhà đỡ đần việc cho bác. Chị càng lớn càng phổng phao, thân hình thắt đáy lưng ong, cân đối. Thời gian sau, tôi không còn qua nhà chị ngủ nhờ nữa. Chỉ nhớ chị nói: “Lớn rồi, không ngủ chung hầm nữa”. Có tấm quà, chị gọi sang cho rồi bảo tôi về để chị còn làm việc.
Nghe tin bác ốm, tôi sang thăm. Tiếng máy bay gầm rú ngày một gần. Chị giục tôi xuống hầm. Tôi nấn ná, định chạy ra xem máy bay bay về hướng nào. Chị quay người giật mạnh làm tôi ngã nhào. Kéo tôi ngồi dậy, mắt chị ghé sát lại nhìn cho rõ xem có chỗ nào trên cơ thể tôi bị sưng không. Trong ánh sáng mờ mờ của căn hầm, tôi thấy khuôn mặt chị đẹp hơn thường ngày. Cái cằm chẻ đôi, má lúm đồng tiền duyên dáng như ma lực cuốn hút cặp mắt tôi. Bàn tay êm dịu với làn da mịn màng của chị xoa nhẹ lên chỗ bị đau của tôi. Rồi chị cúi xuống hôn nhẹ lên má tôi: “Đền cho cậu đó”. Tôi quàng tay ôm chị thật chặt như sợ bị ai cướp mất. Nắm chặt tay tôi, chị nói: “Vài ngày nữa chị đi thanh niên xung phong. Chị sẽ nhớ cậu lắm!”.
* * *
Xa chị, tôi chỉ còn hình bóng chị trong lòng, như mất một thứ gì quý giá mà tôi chưa nghĩ ra. Chị đều đặn thư cho tôi, kể về những chuyến gùi hàng leo qua những con dốc cao như quả đồi bên nhà ngoại. Những gánh hàng đè nặng lên đôi vai, vượt qua chiếc cầu khỉ đung đưa như chiếc cầu tre bắc qua con kênh nơi đầu ngõ. Rồi những cơn sốt rừng, những đêm thiếu ngủ, những trận bom vùi lấp cơ thể. Tôi cứ hình dung mái tóc thoảng mùi hương bưởi mà tôi thường hái cho chị gội đầu giờ xơ cứng. Đôi môi hồng như đóa sen, nước da như trứng gà bóc giờ thâm sì sau mỗi cơn sốt. Tôi thương chị lắm! Thư cho chị, tôi luôn động viên: “Một ngày nào đó chị em mình sẽ gặp nhau nơi tuyến đầu đánh Mỹ”.
Mỹ đã cút nhưng ngụy chưa nhào. Tôi khoác ba lô lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Đơn vị ngày đêm hành quân, tìm đường mà đi, tìm địch mà diệt. Khí thế tiến công của quân ta ào ào như vũ bão. Trên đường hành quân, qua chỗ nào có đơn vị thanh niên xung phong tôi đều ghé tìm chị. Nhưng giữa núi rừng Trường Sơn bao la chẳng khác gì tìm kim đáy bể. Chuyển đơn vị này sang đơn vị khác, những lá thư cho chị thưa dần, rồi bặt tin.
Tôi ra quân trong niềm vui đại thắng của đất nước thống nhất. Chị theo chồng đến miền quê nào không ai biết. Ngoại tôi đã già. Chuyện câu được câu mất nên bà không nhớ chị về định cư ở đâu. Bác gái cũng đã thành người thiên cổ. Tôi đi thăm dò tìm chị. Nghe đâu chị cùng chồng vào vùng kinh tế mới Tây Nguyên. Năm tháng cứ dần trôi và cuốn hút tôi vào cuộc sống mưu sinh hiện tại.
*
Tôi gặp chị trong một chuyến công tác ở Tây Nguyên. Hai chị em gặp nhau vui mừng không nói nên lời. Dưới ánh trăng, ngồi bên chị tôi thấy mái tóc chị vương vít sợi đen, sợi bạc. Khuôn mặt trái xoan ngày nào đã duỗi ra như quả xoài méo mó. Đôi môi trái tim như đóa sen, nước da trắng hồng chị đã gửi lại chiến trường Trường Sơn. Chị bảo: “U60, được thế này là quý lắm rồi cậu!”. Rồi chị kể chuyện: Ra quân, những nét duyên xưa chị đã gửi lại cho những con đường huyền thoại. Không có chàng trai nào lui tới, chị đành ở vậy. Mẹ đau ốm thường xuyên. Hôm sắp qua đời, mẹ nói với chị qua hơi thở thoi thóp: “Con có một tấm chồng, mẹ mới yên lòng nhắm mắt”. Nghe lời mẹ, chị lấy chồng. Chồng chị là một chàng trai mồ côi làm thợ mộc, nhà ở sau con hẻm cuối đồi. Anh khỏe mạnh, làm ra tiền. Nhưng khi có tiền anh ta sa vào cờ bạc, rượu chè. Bao nhiêu của cải làm ra không cánh mà bay. Chị có khuyên thì bị anh thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Rồi trở thành con nợ đành bỏ trốn vào Tây Nguyên lập nghiệp. Khi hiểu ra lẽ phải sự đời thì bệnh ung thư gan đã cướp anh đi. Rồi chị nhìn tôi với nụ cười duyên dáng như vừa được ai trả lại: “Cậu biết không, giờ chị hạnh phúc lắm. Chị có cả chục đứa con. Mai chị dẫn cậu đến gặp chúng”.
Tôi theo chị đến trại trẻ mồ côi. Một chục đứa trẻ mặt mũi sáng sủa ùa ra chào. Chị cho tôi hay, thấy mấy đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa chị đưa chúng về. Chị xin phép thành lập “Trại trẻ mồ côi”. Những ngày đầu trại mới thành lập thiếu thốn trăm thứ, rau cháo qua ngày. Rồi chị xin trợ cấp của tỉnh, kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp dang tay giúp đỡ. Trại trẻ được xây dựng kiên cố, tiện nghi sinh hoạt tạm ổn. Các con được chăm sóc, ăn học khá đầy đủ. Tiếng lành đồn xa, các cháu không nơi nương tựa về với tổ ấm của chị đông hơn. Tôi nhìn các chị trong trại với sự cảm phục. Sau hội nghị, tôi kêu gọi bạn bè quyên góp được một ít kinh phí gửi cho chị. Chị vui lắm.
* * *
Cơn mưa đầu mùa thỉnh thoảng ào xuống làm cho con đường đến mộ chị Lụa như xa hơn. Người dẫn đường cho tôi là cháu Lài, đứa con trong số ba mươi của trại trẻ mồ côi. Lài là một cô bé được chị Lụa nhặt về từ trong bãi rác khi còn đỏ hỏn. Có thể vì thế, tốt nghiệp đại học, Lài không lên thành phố làm việc mà về mở công ty thu mua, chế biến cà phê để được gần nhà, có điều kiện chăm sóc mẹ. Đặt bó hoa, đĩa quả lên mộ, hai cậu cháu thắp hương, chắp tay cúi đầu vái lạy chị. Ra ngồi vạt cỏ bên mộ, Lài kể cho tôi nghe về chị: Trong những ngày chống dịch COVID-19, mẹ là người thường xuyên đi về, tiếp tế lương thực phẩm cho những gia đình mắc bệnh. Cùng với mọi người, mẹ ở phường phục vụ cơm miễn phí cho cán bộ y tế, cho bệnh nhân. Rồi mẹ bị lây bệnh COVID-19. Mặc dù được các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc chu đáo, nhưng sức yếu, mẹ không chống chọi nổi.
Lài đưa cho tôi gói quà và nói: “Mẹ bảo khi nào cậu vào thì đưa cho cậu”. Tay tôi run run mở gói quà. Đó là chiếc lược máy bay làm bằng mảnh nhôm pháo sáng, chiếc cặp ba lá làm từ vòng khóa bom bi mà tôi đã gửi tặng chị khi tôi còn trong quân ngũ. Một bông hoa lan, một con bướm vàng chị ép khô. Tôi ôm kỷ vật vào lòng, nghẹn ngào, như thấy bóng hình chị hiện về. Tôi bỗng thốt lên: “Chị Lụa ơi! Dù chị ở nơi nào thì hình bóng chị vẫn luôn ấp iu trong trái tim em!”.