Gió nam còn gọi là gió Lào, vì gió thổi từ Lào qua phía tây dãy Trường Sơn, đổ sang các tỉnh miền Trung. Gió khô khốc tràn vào quê tôi, người dân gọi là nam cồ, nam mái. Mùa gió nam bắt đầu từ tháng tư, thổi mạnh nhất từ tháng tám. Gió nam cồ bắt đầu thổi cũng là lúc người làm nghề biển quê tôi vào mùa đánh bắt cá ồ.
Nghĩ cũng lạ, gió nam cồ càng thổi mạnh, biển càng êm, con sóng chỉ dợn dợn nhấp nhô rồi xô vào bờ nhẹ nhàng. Mặt biển phẳng lặng trong xanh rất thuận tiện cho ngư dân đẩy ghe xuống nước bủa lưới đánh bắt cá ồ.
Đến mùa, những dàn lưới quát (lưới chuyên đánh bắt cá ồ) được đưa ra biển. Ngư dân dựng chòi trại bắt đầu vào mùa đánh bắt cá ồ.
Ngày xưa ở quê tôi, khi đến mùa thì đâu đâu cũng thấy bày bán cá ồ. Nhất là những ngày đánh bắt được nhiều, không kể trưa chiều, các bà, các cô quẩy cá đi quanh xóm bán dạo, lên chợ thì thấy cá ồ bán ngay từ cổng chợ, đôi lúc còn xen vào trong hàng rau...
Cá ồ ăn ngon nhất là đầu mùa, bởi thịt cá săn chắc, vị ngọt, tươi ngon. Có vô vàn món ăn được chế biến từ cá ồ như: cá ồ hấp, cá ồ nấu ngọt, cá ồ nướng… nhưng có lẽ cá ồ kho măng là món ưa thích của nhiều người. Cách chế biến món cá ồ kho măng rất nhanh tiện. Mẹ cắt cá thành khứa (lát) cho vào nồi ướp với đường, muối, hành củ. Ướp cá xong, mẹ bóc vỏ mụt măng già bên ngoài, giữ lại phần non bên trong, đem luộc rồi băm thành sợi, ngâm nước, để ráo. Mẹ sắp một lớp măng xen với vài khứa cá ồ, đậy nắp kín và kho trên lửa riu riu... Ấy thế là món ăn dân dã đã đi sâu vào ký ức, để đến bây giờ, mỗi khi đến mùa gió nam cồ, bỗng nhớ món cá ồ kho măng của mẹ ngày xưa sao ngon đến thế.
Quê tôi ngày nay được đô thị hóa, bờ biển được xây kè chắn sóng. Nghề lưới quát đánh bắt cá ồ gần bờ không còn mà đã chuyển sang đánh bắt cá ồ bằng lưới cảng xa khơi. Những bữa cơm gia đình hiện nay, món cá ồ kho măng không còn nhiều. Đôi lúc thèm món cá ồ kho măng, tôi và vợ cùng vào bếp, nhưng khi ăn cứ thấy thiếu thiếu điều gì đó khó nói nên lời.
Một mùa nam cồ lại về, ngọn gió thổi lộng lên bao lớp ký ức nồng nã mùi vị món cá ồ kho măng ngày xưa của mẹ, nằng nặng cõi lòng và cay cay nơi khóe mắt...
HOÀNG HÀ THẾ