Mùa đông năm nay tiết trời ấm áp hơn mọi năm; ngồi bên hàng ba nhìn mấy đứa cháu vui đùa ngoài sân nắng, mẹ tôi thì thào: “Ông Trời năm nay không cho ăn lúa nước giai, không biết bây giờ có ai còn làm như thời còn ông nội…, miếng đất nào ông cũng gieo”.
Vụ lúa nước giai nằm gọn trong mùa đông, lúc gieo sạ xê dịch trong khoảng thời gian cuối tháng chín đầu tháng mười (âm lịch). Lúa được nước mưa tưới tắm trực tiếp không cần đến hệ thống kênh mương thủy lợi nào nên người làm ruộng phải tính toán thời gian sao cho hạt giống từ lúc bám rễ vào đất đến khi gié lúa ngậm sữa căng tròn gói gọn trong mùa đông. Vụ này còn được gọi là lúa nước trời, lúa một vụ hay vụ mười hai.
Để có đất ải cho kịp gieo sạ, qua rằm tháng tám, khi nắng không còn gắt gỏng, lún phún mưa đầu mùa là bà con bắt đầu cày vỡ. Từng vạt thổ trải dài, mặc kệ chỗ cao chỗ thấp cứ việc cày sâu cho cỏ úp mặt, đường cày như những máng nhỏ đựng nước. Đến khi vào vụ, nhìn những trũng nước mưa sẽ định được độ bằng phẳng mà đắp lại bờ để giữ nước cho phù hợp; bờ ruộng nước giai cứ cong queo uốn lượn ngăn thành từng thửa to nhỏ không đồng đều, cao thấp khác nhau...
Sạ lúa nước giai thường phải dầm mình trong mưa vì chân đất có kết cấu không chặt chẽ như ruộng hai vụ nên khó giữ nước, nếu không cày bừa kỹ kịp thời sẽ không đủ nước để sạ. Đã vậy, hầu hết ruộng đều gần rừng xa xóm; cách trở sông, bàu nên công việc càng vất vả hơn. Nhưng với bà con quê tôi ngày ấy, khi máy móc chưa phổ biến, sản lượng lúa vụ ba và vụ tám chưa cao như bây giờ thì vụ mùa nước giai có ý nghĩa vô cùng quan trọng với từng gia đình mỗi khi xuân về tết đến.
Làm lúa nước giai để giáp hạt cho người và nối tiếp rơm rạ cho bò trâu. Nếu những cơn mưa đầu mùa đúng hẹn vào cuối mùa thu, thời tiết thuận lợi; ruộng được sạ sớm sẽ có bát cơm lúa mới dẻo thơm cho ngày tết và lũ trẻ cũng an tâm đi chơi vì bò nghé đã có rơm tươi giòn rụm.
Có năm, vừa gieo xong thửa ruộng là nước lũ bắt đầu ngấp nghé tràn lên những vạt đất cao; nông dân vội vã quang gánh, cày bừa, lùa bò về chuồng cho kịp, ngoái nhìn phía sau, một vùng trắng xóa… Vậy mà khi lũ rút, con nước hiền hòa mấp mé dưới bờ sông, chỉ vài hôm sau nhìn từ xa đã thấy một màu xanh trải rộng.
Nhà tôi có vùng thổ làm lúa nước giai cách cái bàu Quay; có lần, sau khi nước lũ rút xuống đứng bên này nhìn sang bên kia chỉ thấy lêu bêu một vài đọt lúa chênh chao trên mặt nước; cha tôi thì thầm: “Ước chi có cái cầu, qua xả trổ…”. Sau vài giây suy nghĩ, tôi nhảy ùm bơi qua bên kia, lên bờ nhìn lại, ánh mắt lo âu, căng thẳng của cha đọng mãi trong tôi tận đến bây giờ… Vì cha tôi không biết bơi và cũng chưa biết tôi đã bơi giỏi từ khi nào. Xả trổ nước xong, tôi bơi trở lại gọn khô, tưởng được khen nên báo cáo thành tích: “Đi chăn bò trong đồng Lạc Chỉ, trưa nào con chẳng bơi sải trên sông Bánh Lái mấy tiếng đồng hồ, bơi ngược dòng từ bến dưới đến bến trên còn được, bao nhiêu đây nhằm nhò gì. Kết quả, tôi nhận một cú đau điếng…
Đa phần lúa nước giai được thu hoạch sau tết. Bao nhiêu bánh mứt, món ngon ngày tết còn lại được cho vào thúng mủng cùng với quang gánh, cào cỏ, lưỡi liềm… Lúa được cắt tay, đạp chân ngay trên khoảnh ruộng mới gặt xong. Bên này bên kia mấy đám ruộng, bà con râm ran kể chuyện; lúc nghỉ tay, bánh cốm trao qua, mứt rim mời lại, cảm giác như những ngày tết được tái hiện giữa thiên nhiên trong lành.
Tuy sản lượng không cao, năm được năm mất nhưng chất lượng hạt gạo nước giai là số một; trắng trong, căng tròn bóng mượt, phải chăng vì được tưới tắm bằng nước mưa từ đầu đến cuối vụ.
NGÔ TRỌNG CƯ