Thứ Tư, 20/11/2024 12:44 CH
Người tình của anh – truyện ngắn của THẢO MỘC
Chủ Nhật, 27/11/2016 08:51 SA

Minh họa: PV

Sáng nay, tôi phát hiện mất cái ví lúc nào không hay.

 

Thường lệ, sáng nào tôi cũng tranh thủ ra chợ mua ít thức ăn. Sau khi mua rau và thịt xong, tôi ghé mua vài ký gạo rồi ra lấy xe về. Về phòng, tôi vội vàng ăn sáng và thay quần áo để đi làm.

 

Tùng… tùng... tùng. Trống điểm ba tiếng, tôi xách cặp vào lớp. Tiết học của lớp tôi diễn ra như mọi ngày. Tôi đang hướng dẫn học sinh phần bài tập về nhà thì nghe tiếng ù, ù… phát ra từ chiếc cặp, đó là tin nhắn từ điện thoại của tôi. Tôi liếc cái tin vừa đến thì hiện ra dòng chữ: “Em nhắn cho chị số card mobifone 50k nhé”. Tin nhắn từ chị đồng nghiệp trong trường. Hết giờ, tôi lục cặp tìm cái ví để chuyển số card cho chị ấy nhưng không thấy đâu cả. Tôi vội chạy về phòng tìm nhưng không thấy, mở cốp xe vẫn không có. Đầu óc choáng váng. Tại sao tôi có thể lú lẫn thế này được. Ví rớt lúc nào sao tôi không biết. Tôi thẫn thờ nhớ lại, vội gọi cho nhân viên ngân hàng báo mất thẻ ATM. Vậy là tiền lương dành dụm trong mấy tháng nay sẽ không cánh mà bay, rồi giấy tờ tùy thân nữa.

 

Dù tiếc cái ví đứt ruột nhưng tôi vẫn phải lên lớp dạy. Chỉ còn vài phút nữa là hết tiết dạy thì thấy có một người đàn ông lấp ló ngoài cửa sổ. Tôi đoán là phụ huynh học sinh. Nghĩ vậy, tôi cố gắng xong phần việc của mình. Ra khỏi lớp học thì tôi nhìn thấy cái ví để trên thành hành lang nhưng người đàn ông mà tôi tưởng phụ huynh lúc nãy thì không thấy đâu nữa. Tôi vội chộp lấy cái ví và may mắn thay mọi thứ vẫn còn nguyên, trừ tiền là không còn nữa. Mọi người biết đều bảo “Của đi thay người em ạ”. Tôi ậm ừ và rơm rớm nước mắt. Tôi trở về phòng vùi đầu trên gối cả buổi chiều hôm đó.

 

Như mọi hôm, tôi loay hoay trong phòng để chấm bài kiểm tra, soạn giáo án. Nhưng tối nay tôi không tài nào tập trung được. Số tiền tôi dành để nộp học phí cho kỳ tới thế là đi tong. Giận tôi vô cùng.

 

Nghe tiếng gõ cửa, tôi uể oải ra. Tin bước vào phòng. Anh là người yêu cũ của tôi. Chúng tôi chia tay nhau cách đây bốn năm. Tôi và Tin yêu nhau khi cả hai bước vào năm hai đại học. Cả hai không cưới nhau vì gia đình anh chê tôi không biết dệt thổ cẩm như bao cô gái trong làng. Tôi xa nhà từ bé nên không có dịp để học dệt. Lý do đó làm tôi tự ái và xa nhau từ đó. Nhưng anh vẫn thường xuyên đến thăm tôi. Thật ra tôi biết dệt chứ không như mọi người nghĩ. Có điều tôi không thích cách nghĩ của gia đình anh nên buông xuôi mọi thứ. Anh đến đưa cho tôi mấy cuốn sách và rủ đi ăn nhưng tôi từ chối. Anh bưng thẩu rượu ngâm sáp ong ra và uống một mình.

 

Tôi cố soi mình trong gương để ngắm nghía nhưng nỗi buồn vẫn không vơi đi tí nào. Tôi quyết định ra ngoài. Tối nay, bầu trời đầy sao và gió nhẹ, phảng phất mái tóc tôi. Tôi tạt vào một quán ốc bên đường. Tôi có một cái thú khi buồn là hay lang thang và ăn vặt. Bạn bè tôi vẫn hay đùa: “Nó còn ăn được tức là chưa sao cả. Yên tâm đi”. Chín giờ, tôi về phòng.

 

Trời bỗng nhiên đổ mưa, sấm sét đùng đoàng. Tôi co ro trong chăn như muốn trốn khỏi tiếng chớp, gió, mưa nhưng không thể. Cơn mưa kéo dài suốt đêm. Điện cúp. Tôi trằn trọc mãi. Đưa tay tìm điện thoại thì có tin lạ hoắc: “Tôi có thể gặp cô vào chiều mai lúc hết tiết được không?”. Không nói rõ là ai mà sao lại muốn gặp tôi nhỉ? Mặc kệ, tôi không quan tâm. Chỉ thêm nhức đầu. Tôi phải ngủ đây.

 

Tan giờ, tôi lững thững đi và đưa mắt nhìn các em vui đùa trên sân bóng. Bỗng tôi khựng lại. Người đàn ông đứng trước hành lang vào trưa hôm qua đang chặn lối đi. Tôi lách người rồi bỏ đi. Anh ta lẽo đẽo theo sau tôi và nói:

 

- Cô có thể cho tôi gặp một lát được không?

 

- Ngay bây giờ à?

 

- Đúng vậy.

 

- Vậy anh nói đi. Tôi nghe đây.

 

- Ở đây không tiện đâu cô giáo ạ.

 

Tôi quay người và bước vào căn tin của trường. Ở đó, tôi được biết anh chính là người tối hôm qua đã nhắn tin hẹn gặp tôi. Anh là Lim, giáo viên về đây dự Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện. Một tháng nữa thôi anh sẽ chuyển đến trường tôi công tác. Anh nhặt được ví ở trên đường và đến trả lại. Chúng tôi quen nhau từ đó.

 

Rồi, bỗng nhiên một em học sinh lớp anh lại nhớ nhà, nhớ ba mẹ mà bỏ về lúc nào không hay. Vì anh là thầy giáo chủ nhiệm nên phải lên nhà để động viên em đến trường đi học trở lại. Còn tôi là dân bản địa nên được phân công đi cùng với anh để có thể giao tiếp tiếng Ba Na với phụ huynh học sinh. Làng em cách trường mấy chục kilômet tính theo đường chim bay. Sau khi được phân công, chúng tôi thu xếp công việc và đi ngay vào chiều hôm đó. Những con đường đi đến làng ở vùng sâu không giống như đường về phố của anh. Nó gập ghềnh, ngoằn ngoèo, dốc đứng, có những con suối quanh co bên những sườn núi. Có nằm mơ anh cũng không thể tưởng tượng được lại có những con đường khúc khuỷu thế này. Tôi ngồi sau lưng anh mà tim thấp thỏm vì sợ sẽ bị ngã bởi con đường quá khó đi. Có lúc tôi phải đi bộ vì trời mới mưa cách đây vài ngày và đường rất trơn. Sau mấy giờ đồng hồ, vừa đi bộ vừa đẩy xe giúp anh và cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi. Ở đây mưa phùn nên đã nhập nhoạng tối. Đã thế, gia đình em học sinh lại không có ở nhà. Cả gia đình em đi làm rẫy và ngủ lại ở chòi trên rẫy.

 

Anh nhìn tôi ái ngại. Tôi lặng lẽ thở dài. Rồi cả anh và tôi đến gặp trưởng thôn, bí thư chi bộ cũng như già làng để trình bày sự việc về em học sinh trường tôi. Cuối cùng chúng tôi cùng thống nhất sẽ đi vào rẫy nhà em vào sáng ngày mai để nói chuyện. Đêm hôm đó, anh và tôi ngủ lại ở nhà anh trưởng thôn.

 

Đêm vùng sâu, mưa rả rích, từng hạt mưa rơi trên mái nhà tranh nghe não nề, cơn gió rít qua từng hồi lạnh buốt, nối tiếp đó là tiếng kêu của con tắc kè. Tôi giật mình, run cầm cập nhìn vào vách nứa, co người vào trong mền. Chừng này tuổi rồi nhưng tôi rất sợ tiếng kêu của tắc kè và bao nhiêu chuyện khác nữa làm tôi không tài nào chợp mắt được, mong trời mau sáng. Nhà sàn nên không có ngăn phòng riêng như nhà ngói. Anh và tôi cách nhau khoảng hai mét được ngăn cách bởi góc mùng. Và dường như anh nghe được cái xoay người của tôi ở trên nền chiếu cứng. Tôi mông lung nghĩ về điều anh làm cho tôi: nhặt cái ví và đến trả lại… thật khó nói thành lời. Tôi chỉ mong sao anh đừng nhìn thấy tôi trong lúc này. Tôi cố chợp mắt nhưng không được vì cơn gió cứ rít lên len qua vách nứa và cái lạnh ùa về trong tôi. Anh như hiểu được cái mà tôi đang phải chịu đựng. Rồi anh nhẹ nhàng hỏi:

 

- Em có ngủ được không?

 

- Dạ không ạ.

 

- Ở đây vắng vẻ quá em nhỉ?

 

- Dạ. Chẳng giống ở phố quá nhộn nhịp hả anh?

 

- Ừ. Hôm nay anh biết thêm nhiều điều về miền núi đó em.

 

- Anh đầu tiên lên miền núi phải không?

 

- Em có thể kể chuyện cho anh nghe được không?

 

- Nhưng mà em kể chuyện không được hay anh à.

 

- Em kể đi, anh lắng nghe nè.

 

- Anh thích em kể về chuyện gì? Tôi hỏi và dường như không để anh trả lời. Tôi nói: Em sẽ kể cho anh nghe về phong tục, món ăn của người đồng bào em anh nhé. Rồi tôi tiếp tục kể. Ngày xưa, người đồng bào em không có Tết Nguyên đán như ngày nay anh ạ. Mà cái tết của người đồng bào em được đánh dấu bởi mùa lúa rẫy chín. Khi gặt hái xong, mọi người gùi lúa về nhà để vào trong những cái bồ lúa trong một cái nhà sàn riêng biệt. Mùa thu hoạch lúa rẫy là mùa đông nên không thể phơi lúa được. Vì vậy, người dân quê em thường trảo lúa trong một cái chảo to. Rồi mới gùi lúa đi xuống chợ xay lấy gạo. Tiếp đó sẽ ấn định vào một ngày đẹp trời rồi ăn mừng lúa mới. Vui lắm anh ạ. Tôi ngừng lại đôi phút và kể tiếp: Có lẽ anh chưa biết và chưa từng được ăn canh bồi nấu đậu phộng đúng không? Món canh bồi mẹ em nấu rất ngon, dù có đi đâu xa em vẫn nhớ về nó như nhớ về quê hương mình vậy. Nếu anh được ăn, anh cũng sẽ có cảm giác rất ngon đấy. Tôi kể với giọng khe khẽ đủ để cho anh nghe về việc mừng lúa mới, món canh bồi và anh thì chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết.

 

Trời chưa sáng rõ, sương còn đọng trên lá, chúng tôi lầm lũi đi vào rẫy. Mãi đến gần trưa mới tìm được rẫy của em học sinh. Sau mấy giờ đồng hồ động viên, thuyết phục, em mới chịu về trường tiếp tục đi học. Đến lúc này, anh và tôi mới đưa mắt nhìn nhau và thở phào nhẹ nhõm. Và lúc này, những trái bắp to bằng cổ tay thơm lừng ở căn chòi như tiếp thêm sức sống cho tôi. Chúng tôi như gần nhau hơn sau chuyến đi về làng hôm đó. Chúng tôi bắt đầu hẹn hò rồi yêu nhau như những cặp đôi khác.

 

Tôi đưa Lim về nhà ra mắt với gia đình. Ba mẹ tôi đồng ý cho chúng tôi quen và tìm hiểu nhau. Còn Lim cũng đưa tôi về nhà nhân dịp giỗ bà nội anh. Mọi người ở nhà anh không phân biệt người miền núi hay đồng bằng. Mẹ anh rất quý tôi. Tôi bên anh thực sự rất hạnh phúc.

 

Tấm lòng của mẹ anh sẽ giúp tôi dệt được những tấm thổ cẩm với mẫu hoa văn đẹp, chưng diện nó trong ngày vui của chúng tôi. Bởi vì có làm nghề gì, đi đâu xa hay ở đâu chăng nữa, tôi vẫn muốn mặc những bộ trang phục thổ cẩm. Đó chính là điều mà tôi phải làm và chắc chắn sẽ làm được.

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lời khen của thầy
Thứ Bảy, 26/11/2016 11:00 SA
Ký ức về biển
Thứ Bảy, 26/11/2016 09:53 SA
Hòn Yến – thơ ĐÀO TẤN VINH
Thứ Bảy, 26/11/2016 09:53 SA
Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa
Chủ Nhật, 20/11/2016 13:00 CH
Cô là mẹ
Chủ Nhật, 20/11/2016 11:34 SA
Ký ức làm thầy – thơ XUÂN SINH
Chủ Nhật, 20/11/2016 11:01 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek