Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa
(Ca dao)
Thời nào, nơi nào cũng vậy, không học làm sao nên người. Muốn tốt, gì cũng phải học, không riêng chữ nghĩa. Ông bà ta vốn đã có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Đã nói học, tức phải cần thầy (cũng có cái học “vô sư”, không có thầy nhưng đó chỉ là thiểu số. Vả lại, tự học không thầy chắn chắn sẽ vừa cực, vừa kém hiệu quả hơn khi có thầy). Vậy nên mới nói: “Không thầy đố mày làm nên”. Tuổi ấu thơ, cha mẹ anh chị chính là thầy. Lớn lên cắp sách đến trường lại được thầy giáo cầm tay, dắt chập chững từng bước chân trên con đường đi kiếm tìm tri thức. Bao thế hệ người thầy thay nhau mà đỡ mà nâng, mà chèo đò đưa ta qua sông, truyền lửa, tiếp sức cho đến ngày ta đậu đạt nên người, làm rạng rỡ tông môn, thành người hữu dụng cho xã hội, quốc gia. “Công thành danh toại” luôn là giấc mơ của kẻ sĩ không chỉ ngày xưa mà còn cả ngày nay. Danh vọng đến từ tri thức. Tri thức đến từ ông thầy. Làm người phải luôn nhớ điều ấy không được phép quên. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là đạo lý chung về lòng biết ơn đối với người có công khai phá, vun trồng. Quả nào cũng ngọt, cũng quý nhưng “quả tri thức” lại là một thứ quả đặc biệt: không chỉ ngọt thơm mà còn “ăn” hoài không hết, cho đi vẫn còn, sở hữu được rồi thì không lo bị trộm cắp, tước đoạt hay… giữa đường đánh rơi. Tóm lại đó là thứ tài sản không chỉ có giá trị cao mà còn vĩnh viễn trường tồn suốt kiếp nhân sinh; vì vậy, trở nên vô giá! Tri thức vô giá thì người mang tri thức đến cho ta hẳn cũng là vô giá. Không phải vô cớ mà “Tam cương” của Nho giáo lại xếp theo thứ tự Quân - Sư - Phụ; tức ông thầy còn đứng trên ông cha, chỉ dưới vua! Còn nữa, tinh thần “tôn sư trọng… chữ” của đạo Nho còn thể hiện ngay trong câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (dạy cho một chữ cũng là thầy, dạy nửa chữ cũng là thầy). Chao ôi là cái thâm thúy của người xưa, minh triết của Thánh nhân, kiệm lời chỉ bấy nhiêu mà gói ghém được cả một chân lý muốn thấm ra có khi mất trọn đời người...
Nay, có những giá trị truyền thống giờ không còn tương thích, nhưng chuyện “có danh có vọng nhớ thầy khi xưa” vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa nhân văn mà đạo làm người không thể quên. Lòng biết ơn không cứ gì phải mâm cao cỗ đầy hay quà cáp nặng tay. Nhớ đến thầy cô, một lời chúc nhân ngày lễ tết, 20/11 kèm theo bó hoa tươi. Hay không đủ điều kiện thì cũng có thể chỉ cần một cuộc điện thoại hỏi thăm chắc chắn sẽ khiến người thầy cũ của ta cảm thấy ấm lòng, thêm tin yêu cuộc sống, nhiệt tâm hơn với sự nghiệp “trồng người” mà thầy đang theo đuổi, bởi thầy tin những “đứa con” bao thế hệ - dù đang ở đâu, dù danh phận thế nào - vẫn luôn nhớ đến thầy…
Y NGUYÊN