Đó là năm 1991, tôi là học sinh duy nhất của trường Gò Ổi (phân trường tiểu học trong làng, nằm trên gò đất nhỏ, xung quanh toàn cây ổi) vinh dự có mặt trong lớp chọn của ngôi trường bề thế của huyện bên cạnh. Tôi cứ hất mặt lên vì thấy mình danh giá quá thể.
Biểu hiện của nỗi kiêu hãnh “ếch ngồi đáy giếng” là tôi học hành có phần tắt nháy. Bị “báo ứng” liền. Cuối năm lớp 6, tôi là học sinh duy nhất của lớp ngôi sao có học lực trung bình. Đã vậy còn phải thi lại môn Toán nữa chớ. “Thấy muối mặt chưa?” - chị Hai càm ràm rồi kết luận, đã dốt còn ham chơi. Tôi gióng mỏ thanh minh thanh nga, thì cũng có ham chơi tí đỉnh nhưng không đến nỗi bỏ bê việc học. Bằng chứng là mấy môn Văn, Sử tôi hàng tám phảy mà. Không phải “hát dở chê rạp chật” đâu, đổ thừa đổ dĩa không phải tính cách tôi nhưng thực sự môn Toán nó làm tôi… ngán. Tôi đặc biệt ghét những con số, đã khô như ngói lại cứ khiến người khác đau não. Ghét thì không học, không học thì đương nhiên… dốt.
Rồi tôi cũng ngoi lên lớp 7 - thầy Trần Hoàng Phong chủ nhiệm, kiêm dạy Toán. Chết chửa??? Thầy được học sinh gọi là “Ông thầy không biết cười”. Trời ơi! Cái tin “Ông thầy không biết cười” sẽ chủ nhiệm lớp làm tôi… xây xẩm toàn tập luôn. Đã sợ môn Toán, giờ cộng thêm bi kịch - “ngán” ông thầy chủ nhiệm dạy Toán, tôi khủng hoảng trầm trọng. Nhìn thời khóa biểu, tôi duy nhất có một ước mơ to bự là, giá như trường học đừng có môn Toán.
Môn Toán trở thành nỗi ám ảnh thường trực, cứ đến tiết Toán thì y như rằng tôi chỉ muốn đất nứt ra một lỗ lớn rồi chui ào xuống cho xong. Thảm lắm, vì không thể chui xuống đất nên tôi ngồi bằng tư thế lo âu, chăm chú nhìn… nhưng là nhìn xuống đất. Tôi lý lẽ thế này, nếu nhìn lên bảng, thầy sẽ hiểu lầm, tưởng mình hứng thú với Toán, rồi gọi đứng dậy trả bài là chết. Hồi ấy, tôi không thấy có điều hãi hùng nào lớn hơn việc bị “triệu” lên bảng làm Toán đâu.
Hôm đó, cũng như thường lệ, tới tiết luyện tập, mấy đứa nhao nhao xung phong lên bảng. Tôi thì lịt mặt xuống đất, lớp đang im phăng phắc, bỗng tên tôi được xướng to, rõ. Đang gằm mặt, tôi giật thót, thiếu điều nhảy bồng lên khỏi ghế, cứ như bị ai đó bất ngờ cầm tóc mai xách ngược vậy. Nhưng khi hoàn hồn, tôi mừng vấp té vì nó là bài toán dễ. Thế là bình tĩnh bước lên “đoạn đầu đài”. Làm xong thở phào, cười thầm trong bụng, cảm ơn trời phật.
Hôm ấy tôi nhận được điểm 10 và lời khen: “Làm đúng, trình bày tốt! Hôm nay em khá lắm!”. Tôi mừng đỏ mặt. Dù tôi đủ thông minh để hiểu, với bài toán tầm trung thì lời khen như thế là “hào phóng”, nhưng tôi vẫn phấn khởi tưng bừng. Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ mình sẽ được khen nức nở như thế trong giờ Toán đâu. Kể đến đây chắc bạn đã hình dung được sức mạnh của lời khen ấy rồi chứ gì? Còn phải nói, nó y như một liều doping học tập. Tôi không còn sợ, không ghét những con số nữa mà chí thú học Toán để tri ân lời khen của thầy.
Tin không, tôi đã ẵm nguyên si một em… 10 môn Toán trong kỳ thi Tú Tài đấy.
* * *
Tôi trở thành sinh viên Trường Sư phạm tỉnh, đầu tuần đạp xe đi, cuối tuần đạp về. Hành trình ấy có đi qua ngõ nhà thầy, mỗi lần qua, tôi đều đưa mắt kiếm bóng dáng thầy xưa nhưng nhà thầy thường đóng cửa. Tôi định sẽ vào lúc nhà mở cửa, nhưng cứ hẹn lần hẹn lựa mãi…
Rồi một đợt đi cà phê với lũ bạn cũ, chúng nó kể rằng, thầy đang bị một căn bệnh lạ kỳ nào đó. À, nhớ ra rồi, hình như là u trong tĩnh mạch thì phải. Thầy bệnh, Duyên lớp trưởng kể, nhưng mỗi lần đến nhà, thầy rất vui vẻ với học trò cũ, chuyện bệnh đau không có cơ hội cho học trò mở lời thăm hỏi. Mấy đứa hỏi tôi có ghé nhà thầy chưa, tôi im thin thít, vì thật xấu hổ, lớp chắc chỉ mình tôi chưa đến thăm thầy.
Hôm ấy, tôi tình cờ gặp Dư chỗ cây xăng, bèn ngỏ lời rủ cô bạn học cũ đi thăm thầy. Nhỏ riềng tôi:
- Thầy nhắc mày miết!
- Hơn mười năm, tưởng thầy quên tui rồi?
- Mày quên thầy thì có!
Lời nói nhẹ nhàng mà tôi nghe ra lời chì chiết. Không đến thăm thầy, đành rằng tôi mang tội “vong ân” nhưng đâu có nghĩa là tôi quên thầy. Làm sao quên được lời khen có sức mạnh của liều thuốc thần ngày ấy.
Hai đứa đang say sưa nói bỗng nhìn thấy thầy, chúng tôi vội cúi chào. Vừa thấy tôi, thầy sốt sắng nói:
- N đây hả em? Gặp em thầy mừng quá! Em bây giờ đã thực sự bình phục chưa?
Thì ra thầy đã biết tất cả những chuyện từng xảy ra với tôi. Tôi xúc động thực sự, nghèn nghẹn nói:
- Dạ, em cảm ơn, em vẫn khỏe thầy ạ!
- Khâm phục nghị lực của em!
- Dạ, thầy lại “hào phóng” lời khen với em rồi! Còn bệnh của thầy?
- Không sao, chỉ có tâm bệnh mới nan y, thầy đang điều trị, có chuyển biến tích cực.
Nghe thầy nói, tôi thấy những căn bệnh mình đang mang - bấy lâu vẫn làm tôi đau khổ - tự dưng trở - thành - vặt - vãnh…
* * *
Bây giờ, mỗi lần lên lớp, tôi vẫn luôn tìm “cớ” để khen ngợi học trò. Vì hơn ai hết, tôi biết giá trị của một lời khen khi nó được đặt đúng chỗ.
BÍCH NHÀN