Thứ Năm, 21/11/2024 00:38 SA
Cô giáo và lớp trưởng – truyện ngắn của Y NGUYÊN
Thứ Hai, 03/10/2016 07:00 SA

1. Tôi bước vào lớp, bụng thấp thỏm. Buổi “tác nghiệp” đầu tiên, cô giáo mới ra trường, lần đầu lên lớp quả có hơi run. Định bụng sẽ làm nghiêm, “ra oai” ngay từ đầu để dằn mặt đám học trò bò bướu lớp 7B - lớp có tiếng “đại hội võ lâm” mà tôi vừa nhận chủ nhiệm. Tiếng đồn không hổ, cô vào lớp kệ, vài đứa vẫn đùng đùng chạy lại chạy đi, giỡn cười chí chóe…

 

Tôi đứng giữa bục giảng, khoanh tay, nghiêm mặt.

 

Ảnh minh họa: PV

 

Ánh mắt sắc lạnh của tôi khiến trật tự được vãn hồi đôi chút. Dù gì cũng chỉ mới lũ nhóc lớp 7, tôi tin mình sẽ đủ mưu cơ, dũng lược để “cầm quân”. “Chào các em”, tôi nói, khá bình thản khi lũ nhỏ lục tục đứng lên. “Chúng em chào cô”, câu đáp đồng thanh, thường lệ. Vẫy tay cho học trò ngồi xuống, tôi đưa mắt quét thêm một lượt từ đầu đến cuối lớp để yên chí rằng mọi sự đã “vào khuôn vào phép”. Trời ạ, không tin nổi nơi mắt, lù lù ngồi hàng cuối lớp là một cậu học trò, không, một… thanh niên thì đúng hơn. To cộ, tướng như lực điền, da đen nhẻm. Còn nữa, râu quai nón kéo vệt cùng đôi mắt đen, sâu thăm thẳm đang “chiếu tướng” thẳng vào tôi. Dũng khí rớt sạch, tôi cố giấu đôi chân run, tiến lại bàn giáo viên, ngồi phịch xuống ghế. Chờ cho trống ngực bớt đánh, tôi mới dám bắt đầu bài tự giới thiệu bản thân, làm quen, giao lưu với lớp. Vòng vèo chê chán, làm gan, tôi gọi “chàng thanh niên” đứng dậy. Em tên gì? Dân tộc? Quê? Dạ, em tên Mông Văn Sử, dân tộc Nùng, quê thôn S, xã… Hiểu rồi, thôn S, vùng sâu, nơi có đến 80% đồng bào dân tộc thiểu số - cả bản địa lẫn di cư. Huyện tôi công tác vốn huyện miền núi, học trò phổ thông gồm đủ các sắc dân và các học sinh thuộc cộng đồng thiểu số luôn được đặc cách “miễn trừ” tuổi tác. Chịu đi học là quý rồi…

 

2. Cái “đại hội võ lâm” 7B hóa ra khó nhằn hơn tôi tưởng.

 

“Gờm” cô chủ nhiệm được vài ngày đầu, quen mặt xong là bắt đầu… lờn mặt. Mới lớp 7 mà bợm, nghịch hơn quỷ sứ. Thêm cái lỳ và táo tợn. Nguyên một băng “đại ca” bò bướu tên nào cũng kèm theo “hỗn danh” nghe rất ớn: Bảo đầu bò, Tùng lé, Lanh đại ca, Duy chúa tể..., thay phiên nhau mà “đại náo” không thôi. Sự việc còn tệ hơn khi chúng phát hiện ra bà cô chủ nhiệm cao thước bốn chín (là tôi) chỉ tài món… khóc. Chọc cho cô khóc trở thành trò vui tai ác mà băng “đại ca” rất khoái. Hôm thì cô giáo dạy xong ra xe tìm mãi không thấy chìa khóa. Hôm thì con sâu xanh bò lổm ngổm trên bàn (cô giáo vốn sợ sâu!). Hôm thì giữa tiết dạy của cô, thằng Tùng lé bỗng dưng… nằm lăn, giãy đành đạch miệng trào bọt mép! Đợi cô giáo phát hoảng khóc mếu, chạy kêu người cấp cứu xong nó mới bật dậy cười ha ha! Nghìn lẻ một chuyện điên đầu vậy nhưng tôi vẫn bấm bụng chịu đựng, cố nghĩ cách hàng phục đám “ngựa chứng”. Chịu thua, báo lên ban giám hiệu thì dễ; nhưng tự ái, tự trọng nghề nghiệp không cho phép tôi chưa chi đã đầu hàng, buông xuôi…

 

Con bé Thùy, lớp phó học tập, mách nước: Cô ơi, cô cho anh Sử (Sử lớn quá, không đứa nào dám kêu “bạn”) làm lớp trưởng đi cô. Chi vậy em? Để ảnh trị mấy thằng “đại ca”. Trong lớp này tụi nó không sợ ai - trừ anh Sử…

 

Ý hay. Cứ thử xem. Thật tình, trông bộ dạng Sử cũng đáng sợ thật: cao to dềnh dàng, cơ bắp lực lưỡng, lại còn râu quai nón rậm rì. Nói vụng, cô giáo như tôi đây thấy Sử còn… sợ nói chi đến lũ học trò. Có “đại ca” thì cũng vẫn là nhóc!

 

3. Sáng kiến hay. Con bé Thùy quả xứng đáng được cấp “bằng sáng chế”!

 

Từ hôm Sử chính thức nhận chân lớp trưởng thay thằng Huy “thỏ đế”, trật tự lớp 7B lập tức được “vãn hồi”. Băng “đại ca” đúng là hết dám ho he mỗi khi thấy Sử trừng mắt. Học không giỏi, nhưng Sử có tài tổ chức. Chỉ cần tôi giao việc đại cương, Sử sẽ lập tức sắp xếp, cắt đặt, điều hành đâu ra đó. Con Hiền, lớp phó văn - thể - mỹ, luôn mồm khen: Anh Sử làm “thủ lĩnh” hay ghê… Đâu phải “thủ lĩnh” cứ ỷ lớn hét hô nạt nộ mà xong việc đâu (mà để ý thấy Sử cũng chưa bao giờ hét hô nạt nộ). “Hung” cùng mấy đứa bợm, chứ với các bạn khác - đặc biệt bọn con gái - thì Sử rất hiền. Vậy mà, lạ chưa, Sử bảo gì chúng cũng nghe, nói gì chúng cũng tin - răm rắp! Tiết sinh hoạt lớp đầu tiên có Sử làm lớp trưởng, tôi thật sự nhẹ mình khi không phải chứng kiến cảnh “đại hội võ lâm” nháo nhào như thường lệ…

 

Duy nhất một lần thấy Sử nổi cộc.

 

Lần ấy lại một trò bổn cũ soạn lại. Đám “đại ca” bị kiềm chế lâu ngày chắc ngứa tay sinh quái. Tôi bước vào lớp, vừa vén áo dài sửa đặt mông xuống ghế bỗng thấy cái gì ngọ nguậy. Nhìn kỹ, cha mẹ ơi, là một con… sâu róm to đùng! Tôi hét lớn, mặt tái dại, chân run bắn, nước mắt lưng tròng. Từ cuối lớp, Sử đứng bật dậy, chạy… - không, không phải chạy mà là lao - thẳng lên bàn giáo viên. Lượm con sâu róm lên tay, Sử vất mạnh xuống sàn, đưa chân dẫm đánh “rầm”, giận dữ chà mạnh kỳ cho đến lúc con sâu nát bét! Quét mắt xuống đám “đại ca” mặt mày cũng đang tái dại, Sử trừng trừng như muốn tìm cho ra đứa đã dám bày trò để ăn tươi nuốt sống. Mắt Sử vằn đỏ, răng nghiến kèn kẹt…

 

Hôm sau, con Thùy hớn hở chạy báo cáo: Anh Sử nói rồi. Anh tuyên bố từ nay đứa nào làm cô khóc thêm lần nữa là… nát xương với ảnh! Cô yên tâm nha cô…

 

Yên tâm. Thoát được chuyện bị đám “nhất quỷ nhì ma” làm tình làm tội là một thắng lợi không nhỏ với tôi. Mọi chuyện dần vào khuôn phép. 7B từ chỗ thứ hạng thi đua xếp bét trường giờ đầu tuần liên tục giựt cờ luân lưu. Sự nghiệp “bình định đại hội võ lâm” của tôi coi như mỹ mãn thành công. Nhờ Sử…

 

4. Lần nào tôi lên lớp bàn cũng có hoa tươi. Hoa dại thôi. Cắm, trang trí giản đơn nhưng khá bắt mắt. Hoa khiến tôi thấy ấm lòng, hưng phấn; tiết dạy cũng trở nên sinh động, cuốn hút hơn. Một sự quan tâm lặng thầm. Ai là người biết tôi thích hoa? Con bé Hà, lớp phó lao động, bật mí: Là… anh Sử đó cô. Ảnh mang hoa tới, bảo tụi em tỉa, cắm, đặt lên bàn…

 

Không chỉ hoa trên lớp. Hoa còn theo chân tôi về tận… nội trú. Buổi sáng thức dậy, thấy có hoa tươi đặt trước cửa phòng. Mà không chỉ hoa, có lúc còn thêm khúc mía xanh chà rửa sạch sẽ, nải chuối, trái đu đủ vàng ươm hoặc bó rau rừng tươi. Gặp tôi, Sử cười bẽn lẽn: Không có gì đâu cô, của nhà trồng, em mang ít cho cô… Chị đồng nghiệp cùng khu nội trú cười, trêu: Hình như lớp trưởng “để ý” cô giáo bay ơi. Chết mày rồi… Tôi đỏ mặt, lườm chị: Nói bậy bạ không hà, lỡ học trò em nghe…

 

Mẹ Sử gặp tôi ngoài chợ, vồn vã: Trời, cô chủ nhiệm thằng Sử đây hả? Nó mê cô lắm. Nhắc cô hoài. Bảo thích cô. Bảo ngày nào không thấy cô cười thì ăn cơm không ngon. Mấy rồi tôi đang nghĩ: Có khi nào nó “iu” cô giáo không trời?

 

Câu nói vô tư của người phụ nữ “dân tộc” khiến tôi thiếu chút nhảy dựng!

 

May, tôi kịp nhớ ra: người dân tộc thiểu số vốn có cách nói thẳng đuột, hồn nhiên, không nhiều hàm ý giống người Kinh. Trấn tĩnh, tôi mỉm cười, mế về nói với Sử, muốn thấy cô giáo cười nhiều thì phải cố mà học giỏi…

 

5. 26/3, trường tổ chức hội trại.

 

Năm đầu tiên chủ nhiệm. Tôi vốn tính hậu đậu, rất dở làm công tác tổ chức. Nghĩ tới chuyện trại trùng, uống ăn, chơi nhởi cho mấy mươi nhân sự kéo dài gần 3 ngày, tưởng tượng thôi đã… hoa mắt bùng tai, muốn khóc!

 

Lại phải nhờ sự hỗ trợ của Sử.

 

Không, không phải hỗ trợ, chính xác là Sử làm thay tôi, thay từ A tới… gần Z! Sắp xếp, cắt đặt mọi thứ đâu ra đó: từ khâu dựng, trang trí trại trùng tới chợ búa nấu nướng. Tôi mó vào việc gì cũng bị Sử gạt: Cô cứ để tụi em lo! Lo thật. Chưa bao giờ năng khiếu “thủ lĩnh” của Sử phát sáng như lần hội trại ấy. “Điều binh khiển tướng” răm rắp, việc chạy rần rần. Nhờ sức khỏe cộng óc thẩm mỹ của Sử mà cổng trại 7B được dựng hoành tráng: đẹp, to hơn hẳn các trại khác. Chợ búa nấu nướng Sử giao con Hà, lớp phó lao động, cộng “chuyên gia ẩm thực”. Chưa yên tâm, Sử còn về nhà bắt đem “hỗ trợ” thêm con gà…

 

Kết thúc hội trại, 7B lại về nhất. Giải gì cũng có, từ cổng trại đẹp, nấu ăn ngon tới các tiết mục giao lưu, văn nghệ, thể thao… Công bình, chuyện này thì “công quả” của cô giáo tôi cũng không phải xoàng. Tôi vốn là “vua” thiết kế, dàn dựng kiêm đạo diễn món văn nghệ văn gừng cũng như các sân chơi trí tuệ!

 

Bế mạc. Dỡ trại. Loay hoay thế nào cây tre trụ cổng to đùng, dài nghêu bỗng… sút dây, lừng lững đổ xuống ngay nơi cô giáo đứng! Lũ nhỏ kêu thét, chạy túa. Tích tắc ấy, Sử đã lao vào, đưa nguyên phía vai “đỡ đạn” cho tôi. Tôi vô sự, nhưng vai Sử thì bầm đen, sưng to; may chưa bị gãy xương đòn…

 

6. Kết thúc năm học, tôi có quyết định chuyển trường.

 

Ngày chia tay lũ nhỏ 7B, cô trò đều khóc. Đám “đại ca” lừng lẫy một thời cũng khóc. Duy nhất một người không. Là Sử. Mắt Sử ráo hoảnh, nhưng đôi tròng đen sâu hút cứ trộm nhìn tôi, ướt rượi nỗi buồn…

 

Bịn rịn, tôi tiễn chân từng đứa học trò ra cửa. Sử ra sau cùng. Tôi không dám cầm tay Sử (tiếng cô - trò nhưng tôi chưa bao giờ dám cầm tay Sử. Hồ sơ học sinh của Sử ghi rõ: Sử sinh năm 1982, tức chỉ nhỏ hơn tôi đúng… một tuổi, không hơn!). Nhưng đây buổi gặp cuối cùng, tự nhiên tôi cứ bần dùn, không muốn vội rời xa Sử…

 

Thả bộ bên nhau, giọng Sử trầm trầm:

 

- Năm tới, chắc em thôi học…

 

Tôi giật nảy:

 

- Sao thôi?

 

- Nhà em khó lắm. Lâu nay em ráng học là vì…

 

- …?

 

- Là vì… cô! Giờ cô đi…

 

Tôi chết lặng. Cảm nhận mơ hồ đã hóa thật.

 

*

 

Hít một hơi dài lấy bình tĩnh, chờ ngực bớt đập, tôi cất tiếng, hơi run:

 

- Em có biết… em vừa làm gì với cô không?

 

- …?

 

- Em vừa làm cô khóc đó!

 

- …?!

 

- Đời cô sợ nhiều thứ nhưng không nỗi sợ nào lớn bằng sợ học sinh bỏ học. Nếu em thật sự “vì cô” thì phải cố học. Cố vượt lên nghịch cảnh để khẳng định mình. Em nghe chưa???

 

Tôi nói như quát, nước mắt bắt đầu ứa ra. Mình khóc thật sao trời. Thật tình, tôi chỉ muốn “hù” Sử chút thôi, ai ngờ khóc thật!

 

Thường ngày, tôi biết, Sử rất sợ nhìn tôi chảy nước mắt.

 

7. Phòng đợi tòa án. Người đàn ông cao lớn, da ngăm đang ngồi một mình trên băng ghế. Dáng dấp trông quen, rất quen. Ý thức như đang trôi tuột vào vùng ký ức rất xa. Tôi thấp thỏm, chờ…

 

Không sai. Là Sử.

 

Mười năm tôi vẫn nhận ngay ra Sử. Phong trần hơn nhưng vẫn đẹp, manly như trước; duy đôi mắt đen sâu hút cứ mênh mông buồn! Nghe nói Sử tốt nghiệp đại học ra trường, lấy vợ, sinh con. Công việc ổn định, gia đình hạnh phúc. Mừng cho em…

 

- Em đến tòa làm gì?

 

- Em đi… nộp đơn.

 

- …?

 

- Đơn… ly hôn. Vợ chồng em tan rồi!

 

- Không cứu vãn được?

 

- Dạ không…

 

Sử nói, dửng dưng.

 

Lại phải cố trấn tĩnh. Sao oái oăm vậy trời. Mười năm. Nằm mơ tôi cũng không nghĩ sẽ gặp lại Sử trong tình huống trớ trêu kiểu này. Ngồi bên nhau, im lặng. Cái im lặng ngổn ngang, chứa chất đủ điều. Phòng tiếp công dân mở cửa.

 

Đứng lên. Khẽ cầm tay Sử. Tôi nói - đúng hơn là thì thào:

 

- Cố lên em. Ráng vượt nghịch cảnh…

 

- …để khẳng định mình! Sử tiếp giọng, cười buồn.

 

Đến phiên Sử cầm tay tôi, chặt hơn.

 

*

 

Sử đi, còn mình tôi trong phòng đợi. Giờ thì tôi không còn đủ sức cho cả những giọt nước mắt. Tôi đã cố tình quanh co, không cho Sử biết chuyện tôi cũng đến tòa để nộp đơn ly hôn. 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tháng chín cùng em – thơ THỤY BÌNH
Chủ Nhật, 02/10/2016 13:00 CH
Nồi lá xông của mẹ
Chủ Nhật, 02/10/2016 10:07 SA
Xin đời – thơ VŨ HOÀNG GIANG
Chủ Nhật, 02/10/2016 08:00 SA
Mùa thu qua một nửa
Thứ Bảy, 01/10/2016 11:00 SA
Biển và em – thơ HUỲNH DUY HIẾU
Thứ Bảy, 01/10/2016 10:30 SA
Mặn
Thứ Bảy, 01/10/2016 10:27 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek