Trời đã sang thu, thời tiết như cô nàng đỏng đảnh, sớm nắng, chiều mưa, trưa thời giông gió. Sau những cơn mưa đầu mùa, cái không khí âm ẩm, lẫn chút oi nóng bao trùm không gian, cảm giác hơi ngột ngạt… Vài ba bữa như vậy, thể nào tôi cũng hắt hơi, nhức đầu, sổ mũi. Cái bệnh của tôi có thể so sánh khập khiểng, tựa như nhà đài khí tượng thủy văn dự báo thời tiết. Cứ mỗi khi trời chuyển mùa, tôi chắc mình sẽ không tránh khỏi vật vờ vài cơn ấm đầu, nóng lạnh.
Mỗi bận như vậy, lười đi bác sĩ, tôi lại ra tiệm thuốc Tây mua vài ba liều thuốc về trị cảm… riết rồi thành thói quen.
...Và năm nay cũng vậy, mới vào đầu thu, tôi đã sụt sịt cảm mạo, nhức đầu, sổ mũi. Lần này cẩn thận hơn, tôi đi khám bác sĩ. Vẫn những viên thuốc xanh vàng tím đỏ, uống đắng đến tận lòng… Đêm, sấm chớp đùng đoàng, qua loa lưng chén cơm, tôi uống thuốc xong và đắp mền nằm, bỗng nghe người thấm lạnh. Tôi lơ mơ chìm vào giấc ngủ. Thiếp đi trong cơn ngủ mệt... tôi chợt nghe rất rõ, cái mùi hương ấm nồng bốc lên từ nồi nước lá xông ngày nào của mẹ, cay cay nơi sống mũi… mặc dù ngày ấy đã xa lắm rồi...
...Ngày còn bé, tôi là một đứa trẻ yếu đuối, hay bệnh vặt. Chỉ có mỗi việc ăn học, vậy mà tôi vẫn cứ ốm đau hoài. Thời đó, bà con ở xóm tôi, không sử dụng thuốc Tây phổ biến như bây giờ. Tôi còn nhớ, mỗi lần tôi bị cảm sốt, đầu nặng như chì, mũi nghẹt cứng khó thở, mẹ lại cặm cụi, tất tả đi hái đầy một rổ thật to, nào là lá sả, lá chanh, lá bưởi, lá tía tô, lá ngải cứu, lá hương nhu, lá tre, lá bạc hà, xắt mấy lát gừng tươi… Mẹ rửa mọi thứ thật sạch, rồi cho vào một chiếc nồi đồng lớn, đổ xâm xấp nước, bắc lên bếp. Mẹ ngồi chăm chú đẩy từng que củi tre vào bếp cho đỏ đều ánh lửa. Mẹ nóng ruột chờ cho đến khi nồi nước lá sôi lên sùng sục. Mẹ khệ nệ bê nồi nước lá vào giường, bảo tôi ngồi ngay ngắn rồi trùm mền kín mít cho tôi.
Khói nóng nghi ngút tỏa hương thơm ngát từ nồi nước lá bốc lên, thấm dịu nhẹ vào da thịt, vào mắt, vào mũi. Xông được một lát, mẹ bảo tôi mở mền khe khẽ từng chút một cho cơ thể thích nghi. Mẹ rót một tô nước còn ấm và thơm ngát mùi lá xông cho tôi uống. Tô nước sánh quyện vị cay cay của gừng, nồng nồng tinh dầu của các loại lá. Và trong đó, tôi vẫn còn nghe lẫn mùi đất ngai ngái sau cơn mưa đầu mùa, nước thấm vào đầu lưỡi the the, ngon ngót đắng. Tiếp ngay sau đó, mẹ lấy nước xông đã nguội bảo tôi tắm nhanh rồi lau thật khô. Người tôi đã vơi đi nhiều phần mệt mỏi, cảm thấy nhẹ hẫng, đầu hết nặng như chì, mũi như thông thoáng hơn. Một lát sau, mẹ nấu cho tôi một tô cháo trứng gà ta cùng với một ít củ hành tăm giã dập, cay nồng, ngan ngát. Mẹ lại ngồi bên cạnh nhìn tôi nhón nhém ăn từng chút một, cho đến khi hết sạch tô cháo… Tối hôm đó tôi ngủ một giấc thật sâu, sáng dậy cơ thể nhẹ như ru, tinh thần phấn chấn như hôm qua tôi không hề bị một cơn cảm cúm nào…
Ký ức với những sự chăm bẵm, dưỡng nuôi của mẹ đã xa, thật xa. Đã bao nhiêu năm qua rồi, mỗi lần bị cảm, tôi vẫn thấy phảng phất đâu đó hương thơm của nồi nước lá xông. Nhớ dáng mẹ tôi tất tả, cặm cụi hái lá quanh vườn. Tôi nhớ tô cháo trứng gà, cùng với một ít củ hành tăm giã dập mẹ nấu. Và tôi nhớ tô nước lá xông sánh đặc, ngon ngót đắng bởi tinh dầu của các loại lá, nhưng không đắng ngắt đến tận lòng như thuốc Tây tôi uống bây giờ…
...Sáng mai, tôi sẽ tự đi tìm và nấu cho mình một nồi lá xông… rồi tôi chìm vào giấc ngủ mộng mị với hương lá vẫn thoang thoảng trong tôi diệu kỳ...
GIANG CHÂU