Cuộc sống của phần lớn nông dân ở huyện Đồng Xuân dựa vào kinh tế rừng, nương rẫy sắn, mía. Tuy nhiên, do người dân không có nghề “tay trái” để kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn nên đời sống còn nhiều khó khăn. Từ khi thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiều người dân ở huyện miền núi này đã có nghề để góp phần cải thiện cuộc sống.
Thời gian qua, nông dân huyện Đồng Xuân được Trung tâm Dạy nghề huyện mở lớp dạy kỹ thuật trồng rừng bài bản. Trong ảnh: Nông dân xã Xuân Sơn Nam chọn keo giống để trồng rừng - Ảnh: N.CHƯƠNG
Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân được theo học nghề tại chỗ, hằng năm, Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Xuân đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở các xã tổ chức các lớp học ngay tại cơ sở. Nhờ đó, nhiều người dân đã đăng ký tham gia học nghề ngày một đông. Trong năm 2012, trung tâm đã tổ chức được 6 nghề đào tạo tại các xã, thị trấn trong huyện gồm: may công nghiệp; kỹ thuật chế biến món ăn; điện dân dụng; cơ khí hàn; kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm, sản xuất hàng mây tre đan và đã cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp cho 512 người. Trong đó, trình độ sơ cấp nghề là 128 người và dạy nghề thường xuyên là 384 người.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, từ nguồn vốn dự án đào tạo nghề lao động nông thôn của Trung ương, Trung tâm Dạy nghề huyện cũng đã tổ chức được 6 lớp nghề với 289 học viên. Nghề đào tạo gồm sản xuất hàng mây tre đan; kỹ thuật chế biến món ăn; kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm; kỹ thuật trồng rừng; trồng lúa nước; may công nghiệp; điện dân dụng… cho nông dân các xã Phú Mỡ, Xuân Phước, Xuân Quang 1, Xuân Long và Xuân Sơn Nam.
Nhờ công tác đào tạo nghề miễn phí mà người dân tham gia theo học đông; sau kết thúc khóa học nhiều người đã có thêm việc làm, tăng thu nhập. Chị Trần Thị Hà ở xã Xuân Sơn Nam, tâm sự: “Tôi lập gia đình gần 10 năm, mỗi ngày chỉ biết đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Năm 2012, nhờ theo học nghề sản xuất hàng tre đan do Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức, tôi nhận hàng về nhà đan, mỗi tháng cũng kiếm được gần 2 triệu đồng, có trang trải thêm cho cuộc sống”.
Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Xuân Trương Hoài Nam cho biết, thời gian qua, trong các nghề được dạy cho nông dân thì nghề sản xuất hàng mây tre đan được bà con tham gia nhiều nhất. Sau khi kết thúc khóa học, các học viên đều có việc làm tại địa phương mình, có thu nhập nên cuộc sống dần được cải thiện”.
Để giải quyết “đầu ra” khi kết thúc các khóa học, Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Xuân phối hợp với các doanh nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn tổ chức dạy nghề. Sau khi đào tạo xong, các học viên được nhận vào làm ngay tại doanh nghiệp này. Ông Đặng Lộc, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Lộc Thu cho biết: “Hiện doanh nghiệp có 5 cơ sở sản xuất trên địa bàn các xã trong huyện, đòi hỏi cần lượng công nhân nhiều để sản xuất kịp giao đối tác. Hàng năm chúng tôi phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện đào tạo nghề cho nông dân. Trung tâm phụ trách khâu tổ chức lớp học, chi phí, còn chúng tôi thì hỗ trợ dạy nghề. Nhờ đó mà đến nay doanh nghiệp tôi đã có trên 170 công nhân, trong đó, đa số được đào tạo từ Trung tâm Dạy nghề của huyện”.
Ông Trương Hoài Nam còn cho biết, trung tâm còn đào tạo nhiều lớp nghề cho lao động nông thôn về may công nghiệp, cơ khí hàn, nhiều học viên đến nay đã có việc làm và sống được với nghề. Những nghề như chăn nuôi thú y và sản xuất hàng mây tre đan góp phần tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, cũng còn nhiều học viên nắm bắt kỹ năng nghề còn hạn chế, sau học nghề chưa có việc làm hoặc không làm nghề đã học do thu nhập thấp.
“Trong 6 tháng cuối năm 2013, trung tâm tiếp tục triển khai tuyển sinh, tổ chức giảng dạy cho 6 lớp nữa tại các xã và dự kiến đào tạo cho gần 290 học viên. Trong đó, có 141 người dân tộc thiểu số, 106 người nghèo”, ông Trương Hoài Nam nói.
NGUYỄN CHƯƠNG