Qua hơn 1 năm thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh, bước đầu ở Phú Yên đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Các chợ đã chuyển đổi hoạt động khá ổn định, thực hiện tốt văn minh thương mại và có đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Chợ Ea Ly (huyện Sông Hinh) sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, hàng hóa phong phú - Ảnh: N.XUÂN
KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU
Sau hơn 1 năm triển khai Quyết định số 1779/2011 của UBND tỉnh, đến nay đã có 8 trong tổng số 146 chợ trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ từ ban, tổ quản lý do cơ quan Nhà nước quản lý sang doanh nghiệp, HTX quản lý, kinh doanh, khai thác, bước đầu đã có những kết quả tích cực. Các chợ đã chuyển đổi hoạt động khá ổn định; chợ được bố trí lại theo các ngành hàng hợp lý hơn; các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại… cũng được đảm bảo. Việc kiểm soát thu, chi chặt chẽ, hiệu quả đã giúp ban quản lý các chợ không những chấm dứt tình trạng bù lỗ triền miên mà còn đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Sông Hinh là địa phương đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ ở Phú Yên. Đến nay, huyện này đã chuyển đổi thành công 3 chợ gồm: thị trấn Hai Riêng, Ea Ly và Sơn Giang. Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Để chuyển đổi thành công mô hình quản lý chợ trong điều kiện không có kinh nghiệm thực tế, thiếu nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành cụ thể, UBND huyện phải vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. Huyện không đặt nặng
việc xây dựng mức đấu thầu cao để tăng thu ngân sách, mà chủ yếu nhằm ổn định hoạt động của chợ để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, mô hình chợ do tư nhân, HTX quản lý còn quá mới mẻ, nên trong quá trình triển khai thực hiện có nhiều ý kiến phản đổi từ các tiểu thương. Lãnh đạo UBND huyện phải thường xuyên giải quyết các vấn đề nổi cộm trong quản lý chợ mỗi khi doanh nghiệp cần sự hỗ trợ; trực tiếp điều hành, chỉ đạo công tác quản lý chợ; gặp gỡ, đối thoại, giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của bà con tiểu thương. Sự lãnh đạo sát sao của UBND huyện là yếu tố quyết định sự thành công trong công tác tuyên truyền chuyển đổi mô hình quản lý chợ thị trấn Hai Riêng và đã thu về cho ngân sách hơn 305 triệu đồng mỗi năm.
Ông Đặng Ngọc Diệu, Chủ nhiệm HTX Tiền Hải, Trưởng ban Quản lý chợ thị trấn Hai Riêng cho biết: Trong thời gian đầu khi mới tiếp nhận chợ, ban quản lý gặp rất nhiều khó khăn, như cán bộ chưa có kinh nghiệm quản lý chợ; cơ sở vật chất xuống cấp, tiểu thương chưa tin tưởng vào ban quản lý nên thường xuyên có những hành vi chống đối. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ tận tình của chính quyền địa phương nên đến nay hoạt động của chợ đã ổn định, nề nếp; các điều kiện hoạt động của chợ như an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy… được đáp ứng đầy đủ; tiểu thương cũng đã hiểu và đồng tình với mô hình quản lý chợ mới.
Chợ Ea Ly (Sông Hinh) sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, hoạt động có hiệu quả - Ảnh: N.TRƯỜNG
ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ
Mặc dù, chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được những kết quả, nhưng một số địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo UBND các huyện trong tỉnh, hiện nay việc thực hiện mô hình này gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, như việc xác định mức chi lương cho cán bộ, nhân viên quản lý chợ mới cũng như giải quyết số lao động mất việc làm từ mô hình quản lý cũ; thiếu đơn vị có đủ năng lực tiếp nhận quản lý chợ; nhiều xã chưa muốn chuyển đổi mô hình quản lý chợ; các địa phương chưa xác định được chức năng, nhiệm vụ của từng thành phần trong việc chuyển đổi mô hình quản lý… dẫn đến quá trình chuyển đổi còn chậm so với kế hoạch đề ra.
Chính sách chuyển đổi mô hình quản lý chợ là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện để các chợ truyền thống từng bước nâng cao văn minh thương mại, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Tuy nhiên, hiện công tác này ở Phú Yên vẫn còn chậm. Sở Công thương đã đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mô hình quản lý chợ, như tăng cường sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp; các hội đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tiểu thương hiểu và ủng hộ chủ trương mới; lựa chọn doanh nghiệp, HTX có năng lực về tài chính, quản lý để chuyển giao chợ; các sở, ban ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi chợ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển và quản lý chợ tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn cho biết: Hiện trên cả nước có 595 trong tổng số 8.547 chợ đã thực hiện xong việc chuyển đổi mô hình quản lý. Một số tỉnh, thành thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ khá tốt, gồm: TP Hồ Chí Minh, đạt gần 30% trong tổng số chợ trên địa bàn; Hà Nội đạt 23% và Đồng Nai đạt 18%. Riêng Phú Yên, số chợ được chuyển đổi là 8 trong tổng số 146 chợ, chỉ đạt 5,4% là quá ít. Từ nay đến cuối năm, các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mô hình quản lý các chợ; phấn đấu trong năm 2013 phải hoàn thành việc chuyển đổi mô hình quản lý cho 32 chợ theo kế hoạch đã đề ra.
8 chợ đã chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác và quản lý gồm chợ trung tâm thị trấn Hai Riêng, chợ Ea Ly, chợ Sơn Giang (Sông Hinh); chợ Phước Lộc ở xã Xuân Quang 3, chợ Xuân Lãnh (Đồng Xuân); chợ Phú Nhiêu ở xã Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa), chợ Hạnh Lâm ở xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa) và chợ cá Triều Sơn (TX Sông Cầu). TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và các huyện Đông Hòa, Sơn Hòa, Tuy An đã xây dựng dự thảo phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ thí điểm, đang tiến hành thẩm định và trình UBND cùng cấp phê duyệt.
NGÔ XUÂN