Chủ Nhật, 06/10/2024 05:43 SA
Đồng Xuân: Tập trung chuyển đổi cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế
Thứ Năm, 13/06/2013 11:00 SA

Trong cơ cấu phát triển kinh tế của huyện Đồng Xuân, mía và sắn là những cây trồng chủ lực. Thế nhưng, thời gian qua, nông dân vẫn còn sản xuất giống cũ, hiệu quả kinh tế thấp, vì thế ngành nông nghiệp địa phương này chú trọng du nhập những giống mới nhằm tăng hiệu quả kinh tế.

 

san130613.jpg

Mô hình trồng sắn xen đậu phộng trên đồi dốc ở xã Xuân Phước (Đồng Xuân) - Ảnh: H.NAM

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, hiện toàn huyện trồng khoảng 3.000 ha mía và 4.700ha sắn. Giống sắn trồng chủ yếu là KM94, chiếm 98% diện tích, nhưng đang bị thoái hóa, nhiễm bệnh chổi rồng. Trước tình hình này, từ năm 2010 đến nay, tại các xã Xuân Phước, Xuân Quang 2, Xuân Long từ nguồn vốn nghiên cứu Khoa học công nghệtỉnh và Quỹ Môi trường toàn cầu… huyện đã xây dựng mô hình trồng đậu phộng xen sắn trên đất dốc và mô hình trồng đậu phộng xen sắn thích ứng với ngập lụt. Các mô hình này mang lại thu nhập cao cho nông dân, đồng thời góp phần cải tạo đất.

 

Tại xã Xuân Phước, mô hình trồng đậu phộng xen sắn trên đất đồi dốc bằng giống đậu phộng LDH.01 và đậu Lỳ (một giống đậu địa phương) được trồng xen với giống sắn SM 2075-18, KM 98-5, NA1 và BKA 900. Kết quả, mô hình cho thu nhập 67,3 triệu đồng/ha, so với trồng sắn thuần chỉ đạt 30,5 triệu đồng/ha; lãi ròng của mô hình trên là 50 triệu đồng/ha. Năng suất của giống đậu phộng LDH.01 đạt 17,2 tạ/ha, trong khi đó giống đậu thuần chỉ gần 11 tạ/ha. Cũng qua mô hình này, năng suất sắn của các giống mới trồng khảo nghiệm dao động từ 27,2 đến 40,5 tấn/ha, trong khi đó năng suất sắn giống KM94 (đối chứng) chỉ đạt từ 25 đến 30 tấn/ha. Điều đáng quan tâm là hàm lượng tinh bột sắn đạt từ 25,2 đến 26,5%, còn giống sắn KM94 chỉ đạt 23% độ bột. Cũng qua công tác khảo nghiệm, Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân đã chọn các giống sắn SM 2075-18, KM 98-5,NA1 và BKA 900 thay thế giống KM94 bị bệnh chổi rồng. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phước giãi bày: “Trồng đậu phộng xen sắn trên đất gò đồi cho năng suất, chất lượng cao. Mô hình này làm thay đổi tập quán trồng trọt của bà con nông dân, hạn chế trồng sắn thuần vì có chi phí cao do bón nhiều phân”.

 

Còn mô hình trồng đậu phộng xen sắn thích ứng với ngập lụt tại xã Xuân Quang 2, với việc trồng sắn hom đôi năng suất đạt trên 42 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng 162%, lãi ròng thu được gần 30 triệu đồng/ha. Mô hình trồng sắn hom đơn năng suất đạt trên 30 tấn/ha, cao hơn so với đối chứng 20%, lãi ròng thu được gần 18 triệu đồng/ha. Trong khi đó sắn hom đơn ngoài mô hình (đối chứng) năng suất chỉ đạt 25,5 tấn/ha, lãi ròng 14 triệu đồng/ha. Mô hình này giúp nông dân canh tác sắn tăng khả năng thích ứng với vùng ngập lụt. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ cho rằng: “Trồng đậu phộng xen sắn, trước mắt tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác, về lâu dài là hướng đến sản xuất bền vững. Vì thế, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên đưa vào cơ cấu giống cây trồng, nhân rộng mô hình để nông dân canh tác bền vững”. Tuy nhiên, qua 2 vụ, diện tích này vẫn còn ít, chỉ khoảng 30/4.700 ha (tỉ lệ0,75%). Giải pháp trong thời gian đến là đưa bộ giống sắn trung ngắn ngày: SM937-26, KM 419, KM98-5, KM98-1, KM140 trồng rải vụ đáp ứng nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu.

 

Đối với cây mía, bộ giống R579, R570, MY55-14, F156 trồng tại huyện Đồng Xuân từ năm 2004 đến nay chưa được thay thế. Diện tích trồng trên các đồi núi, độ dốc cao, nằm rải rác, manh mún vì thế khó áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Trong thời gian đến, huyện Đồng Xuân tiếp tục nghiên cứu và trồng khảo nghiệm các loại giống mía cao sản như SM 937-26, KM 98-1, KM140. Tuy nhiên mô hình trồng các loại giống mới đòi hỏi có nước tưới mới đạt hiệu quả kinh tế cao. Vừa qua, xã Xuân Quang 3 đã đầu tư kiên cố hóa mương bê tông nông thôn đoạn qua soi đội 8, đội 9 nhằm chuyển đổi mô hình trồng mía có nước tưới cho 8ha ở vùng soi này. Ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3 cho hay: “Năm nay người dân trong xã trồng thử nghiệm mô hình 1,7ha, sau đó là tưới toàn bộ diện tích còn lại”.

 

Ngoài xã Xuân Quang 3, các xã Xuân Quang 1, Xuân Phước cũng đầu tư cơ sở hạ tầng mở rộng diện tích trồng mía có nước tưới, tuy nhiên tỉ lệ vẫn còn thấp, chiếm khoảng 1,2%. Để việc chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả, giải pháp liên kết 4 nhà (Nhà nước – Nhà khoa học- Nhà doanh nghiệp – Nhà nông) trong việc xác định phương pháp xây dựng, phát triển và quản lý vùng nguyên liệu mía, sắn theo quy hoạch được triển khai thực hiện. Đồng thời các nhà máy đường, tinh bột sắn cần tăng cường đầu tư để người dân đủ vốn để tái đầu tư và thực hiện đúng các quy trình canh tác mang lại hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho hay: “Huyện đã giao trách nhiệm Phòng NN- PTNT chủ động tuyển chọn các giống sắn, mía và kỹ thuật canh tác phù hợp với chân đất. Địa phương cũng kêu gọi các nhà máy đóng trên địa bàn đầu tư cơ sở hạ tầng không ngừng mở rộng diện tích, nâng cao năng suất cây trồng, trong đó công tác giống và biện pháp canh tác phải được quan tâm đúng mức”.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek