Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng đã được Hội Nông dân huyện Đồng Xuân quan tâm và triển khai mạnh mẽ. Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Nông dân tham gia mô hình sản xuất bắp lai vụ hè thu của Hội Nông dân huyện Đồng Xuân - Ảnh: T.TIÊN
Để phong trào nông dân thi đua SXKDG tiếp tục lan tỏa sâu rộng và phát triển bền vững, trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp hội huyện Đồng Xuân đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai tốt công tác khuyến nông, lâm, ngư với nhiều hình thức phong phú như: Hội thảo đầu bờ, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, trình diễn mô hình mẫu, có chính sách hỗ trợ cây, con, giống mới để phục vụ cho sản xuất; hướng dẫn hội viên, nông dân phương pháp quản lý và hoạch toán sản xuất; công tác thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, Hội Nông dân huyện đã chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hàng ngàn lượt hội viên, nông dân về sạ hàng, sạ thưa, thực hiện chương trình “3 giảm, 3 tăng”, chương trình quản lý dịch bệnh tổng hợp IPM, ICM, chương trình sản xuất lúa giống nông hộ, giống lúa lai; thâm canh giống mía, sắn mới; trồng cỏ thâm canh, chăn nuôi bò vỗ béo… để giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phù hợp với điều kiện ở địa phương góp phần ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho gia đình. Tiêu biểu như mô hình luân canh cây trồng giữa cây sắn, đậu phộng, bắp đã được Hội Nông dân huyện và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF-SGP) triển khai tại xã Xuân Quang 2; mô hình sản xuất lúa giống nông hộ tại HTX Long Thăng, thị trấn La Hai và HTX Phước Lộc, xã Xuân Quang 3; mô hình sản xuất lúa lai do Công ty Boseed Việt Nam và Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện triển khai tại HTX Long Hà, thị trấn La Hai… đều đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Trần Trung Chính, ở thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2 (Đồng Xuân) cho biết: “Gia đình tôi có 5 sào (500m2/sào) đất ven sông Kỳ Lộ, trước đây trồng sắn hoặc mía, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi Hội Nông dân huyện triển khai mô hình trồng xen canh giữa cây sắn với đậu phộng và bắp, tôi đã làm theo, cho năng suất tăng gấp đôi so với trước”. Theo ông Nguyễn Văn Tịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Quang 2, năm 2011, khi mới triển khai thí điểm mô hình xen canh cây sắn, đậu phộng và bắp, cả xã chỉ có 21 hộ đăng ký tham gia với diện tích 3,5ha. Sau một thời gian thực hiện, nhận thấy hiệu quả của mô hình, nhiều nông dân của xã đã chủ động học tập và làm theo. Đến nay toàn xã đã có 84 hộ tham gia mô hình trồng sắn, bắp và đậu phộng với diện tích trên 13ha.
Ngoài ra, Hội Nông dân huyện Đồng Xuân còn làm tốt vai trò cầu nối giữa ngân hàng với hội viên, nông dân địa phương, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện vốn ủy thác cho hơn 3.100 hộ nông dân vay với tổng dư nợ 37,5 tỉ đồng và có gần 2.600 hộ thực hiện vốn tín chấp qua Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT huyện với tổng dư nợ 54,5 tỉ đồng. Từ đó nhiều hội viên, nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên khá giả. Điển hình như hộ ông Lê Ngọc Nuôi ở thị trấn La Hai, thực hiện mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp và dịch vụ, mỗi năm lãi hơn 300 triệu đồng; gia đình ông Tạ Thế Dũng ở xã Xuân Quang 2 với mô hình trồng dưa hấu, bắp, lúa nước cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm hay ông Nguyễn Trọng Nghị xã Đa Lộc với mô hình mía, sắn, dưa, cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi, thu nhập 150 triệu đồng/năm.
Ông Huỳnh Văn Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân cho biết: “Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, bảo quản, nâng cao năng suất, chất lượng để cuộc sống của hội viên, nông dân ngày càng được nâng cao hơn nữa. Chúng tôi tập trung chú trọng nhân rộng các mô hình hiệu quả kinh tế cao để nhiều hội viên, nông dân biết, tham quan học hỏi”.
NGUYỄN CHƯƠNG