Thứ Ba, 26/11/2024 00:25 SA
Phòng trừ nhện đỏ hại sắn:
Kết hợp các biện pháp tổng hợp
Thứ Năm, 30/05/2013 10:44 SA

Từ năm 2012 đến nay, nhện đỏ xuất hiện tại nhiều vùng trồng sắn trong tỉnh. Đây là loại bệnh nguy hiểm, làm giảm năng suất cây sắn. Ông Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên trả lời Báo Phú Yên về cách phòng trừ nhện đỏ.

 

san130530.jpg

Ngành chức năng kiểm tra sắn bị nhện đỏ ở huyện Sông Hinh - Ảnh: N.CƯỜNG

* Nông dân Phú Yên đang lo lắng vì thời gian qua nhện đỏ xuất hiện gây hại nhiều diện tích sắn, làm lá úa rụng, giảm năng suất. Ông cho biết đây là loại côn trùng gì, cách phát hiện và nhận dạng như thế nào?

 

- Các nghiên cứu gần đây cho thấy, nhện đỏ là dịch hại nguy hiểm của cây sắn làm năng suất giảm đáng kể trong suốt mùa khô khi mà quần thể nhện đỏ có xu hướng tăng. Các loài thuộc chi Tetranychus được gọi là “nhện đỏ” (dù không phải tất cả chúng có màu đỏ). Nhện đỏ có mặt ở tất cả các vùng trồng sắn trên thế giới. Nhện đỏ khác với côn trùng. Côn trùng trưởng thành có 1 cặp râu đầu, có 1 đến 2 cặp cánh, 3 cặp chân và cơ thể được phân chia thành 3 phần rõ ràng: đầu, ngực và bụng. Nhện đỏ trưởng thành không có râu đầu, có 4 cặp chân, cơ thể chia làm 3 phần không rõ ràng, sống trong điều kiện thời tiết nóng và khô của mùa hè và có thể phát triển quanh năm. Con cái nghỉ qua đông ở dưới mặt đất hay dưới gốc bụi cây.

 

* Yếu tố nào làm cho nhện đỏ lây lan gây hại nhanh trên cây sắn?

 

- Nhện đỏ có miệng chích hút như mũi kim. Chúng đâm miệng vào thân cây, đầu tiên ở mặt dưới lá. Hầu hết các loài nhện đều tạo màng tơ trên cây ký chủ.

 

Nhện chích hút làm cho lá chuyển màu vàng xám. Các đốm hoại tử xuất hiện khi lá bị nặng. Khi nhện đỏ dời lớp sáp, lớp mô thịt lá xẹp xuống và tạo thành các đốm màu nơi nó chích hút. Quá trình chích hút tạo thành các vết chấm trắng và về sau lá trở nên vàng xám hay có màu đồng. Việc rụng lá hoàn toàn có thể xảy ra nếu nhện đỏ không được phòng trừ.

 

Khi quần thể tăng trưởng, tức là mật độ cao, nhện đỏ phân bố khắp bề mặt lá, bao gồm cả mặt trên lá và những đốm vàng bao trùm cả lá làm chuyển sang màu đỏ hay gỉ sắt. Nếu bị nặng, phần lá giữa và dưới có biểu hiện tiến trình rụng lá hướng về ngọn, chồi bị teo tóp, cây có thể bị chết. Sắn bị nhện đỏ tấn công sẽ giảm 90% hoạt động quang tổng hợp của cây, 78% tuổi thọ lá và 65% kích thước lá, là những phần quan trọng trong đời sống của cây sắn. Vì vậy, năng suất củ có thể giảm đến 80%, phụ thuộc vào giống, tuổi cây và thời gian bị hại. Mặt khác, số lượng và chất lượng của thân cây để làm giống cũng bị ảnh hưởng.

 

Ban đầu nhện đỏ tấn công những cây cục bộ, sau đó lan ra một nhóm cây trong vùng và lan tỏa ra khắp vùng. Chúng phân bố nhanh chóng do gió mang các mạng nhện treo vào các cây khác, tốc độ phân bố càng nhanh khi nhiệt độ từ 24 đến 290C. Việc vận chuyển các cây bị hại làm nhện đỏ phân bố xa hơn và lý giải tại sao chúng có thể phân bố khắp nơi trên thế giới.

 

Nhện đỏ họ Tetranychidae có tốc độ sinh sản cao suốt mùa khô (ẩm độ thấp và nhiệt độ cao). Hơn nữa khả năng sinh sản của nhện nhỏ thay đổi tùy theo cây ký chủ, dinh dưỡng và sự hiện diện của thiên địch.

 

Nhiệt độ là yếu tố chính tác động đến quần thể nhện đỏ. Nhiệt độ thay đổi nhanh hay chậm làm giảm số lượng của chúng. Độ ẩm tăng cao liên tục sẽ làm giảm sự tăng trưởng quần thể vì nó ảnh hưởng đến việc đẻ trứng, nở trứng và sự sống của sâu non. Mưa cũng giúp giảm quần thể nhện đỏ. Mưa to không chỉ làm tăng ẩm độ, vì thế làm giảm tốc độ sinh sản, mà còn làm rửa trôi nhện nhỏ.

 

* Biện pháp phòng trừ nhện đỏ như thế nào cho hiệu quả, thưa ông?

 

- Sự kết hợp các biện pháp phòng trừ tổng hợp được khuyến cáo là tốt nhất cho quản lý nhện đỏ hại sắn. Đó là sử dụng giống kháng bệnh, biện pháp sinh học, kỹ thuật canh tác và thuốc hóa học. Một số giống sắn kháng nhện đỏ đã được chọn như: M Bra 12, M Ven 125, M Col 282, M Col 1434… Biện pháp sinh học là sự quản lý dịch hại thông qua việc sử dụng có hệ thống hay chọn lựa các thiên địch của chúng. Hiện 32 loài ăn mồi được ghi nhận tấn công nhện đỏ. Ngoài ra, nhện đỏ cũng bị tấn công bởi nhện ăn thịt. Kỹ thuật canh tác làm giảm quần thể nhện đỏ như luân canh; tiêu hủy cây có nhện đỏ; chọn cây giống sạch, không mang nhện và sâu bệnh, đồng thời trồng thưa để giảm sự lan truyền nhện.

 

Việc dùng thuốc hóa học trừ nhện là phần quan trọng trong chương trình phòng trừ tổng hợp nhện hại sắn, nhưng chỉ áp dụng khi những biện pháp khác thất bại. Mặc dù thuốc hóa học trừ nhện có hiệu quả nhưng không nên trừ nhện chỉ dựa hoàn toàn vào thuốc hóa học. Thuốc trừ nhện phòng ngừa tốt trong việc xử lý hom giống bị nhện gây hại. Chú ý, mưa làm giảm quần thể nhện, vì vậy không cần thiết phải phun thuốc vào cuối mùa khô. Dầu và xà phòng trộn thuốc có thể sử dụng khi cần thiết. Chúng có hiệu quả với nhện đỏ và ít độc với người, sinh vật khác và môi trường. Tuy nhiên nếu dùng ở nồng độ cao (2%) dễ gây cháy lá và lùn cây. Nhện đỏ phát triển tính kháng với hầu hết các thuốc trừ nhện sau khi sử dụng một thời gian dài. Các thuốc trừ nhện không có tác dụng trên trứng, vì vậy phải phun thuốc với chu kỳ 5 ngày/lần trong mùa hè và 7 ngày/lần trong mùa đông.

 

Các biện pháp phòng trừ tổng hợp quản lý tốt quần thể nhện và những dịch hại khác trong ruộng sắn sẽ thành công khi các biện pháp canh tác được kết hợp luân phiên với dùng giống kháng nhện đỏ, biện pháp sinh học và áp dụng đúng đắn thuốc trừ nhện trong trường hợp thật cần thiết.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

MẠNH HOÀI NAM (thực hiện)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek