Thứ Bảy, 05/10/2024 00:15 SA
Nhu cầu quản lý tổng hợp đới bờ
Thứ Năm, 30/05/2013 10:00 SA

Đới bờ rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội vì những nguồn tài nguyên hiếm có của nó. Với những vùng đất đồng bằng ven biển màu mỡ và các nguồn tài nguyên biển phong phú, cộng với khả năng tiếp cận thị trường quốc tế một cách dễ dàng, đới bờ đã và vẫn đang thu hút sự quan tâm của con người. Đới bờ là tụ điểm phát triển kinh tế của nhiều quốc gia, nơi tập trung rất nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, đồng thời cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi các hoạt động này. Trong tương lai, tầm quan trọng của đới bờ sẽ càng lớn hơn do số lượng người dân đến đó sinh sống càng nhiều hơn.

 

Đới bờ thực chất là một hệ thống nhiều nguồn tài nguyên. Nó cho không gian, cung cấp các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật cho hoạt động của con người và có chức năng điều hòa môi trường tự nhiên, cũng như nhân tạo. Đồng thời, vùng bờ cũng là một hệ thống nhiều đối tượng sử dụng. Con người sử dụng các nguồn tài nguyên cho sự sống (như nước và thức ăn), cho các hoạt động kinh tế (như không gian, các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật) và cho nghỉ ngơi, giải trí (các bãi cát vùng nước ven bờ).

 

Quá trình công nghiệp hóa phát triển thương mại và áp lực của sự gia tăng dân số liên tục ở nhiều nơi đã làm gia tăng việc khai thác bừa bãi đất đai và nguồn nước ven bờ, tăng xói mòn, lũ lụt, làm mất các vùng ngập nước, gây ô nhiễm môi trường. Tháng 6 năm 1992, Hội nghị về Môi trường và phát triển của Liên Hợp Quốc (UNCED) đã được tổ chức ở Rio de Janeiro, Braxin. Lần đầu tiên trong lịch sử, có một hội nghị lớn gắn trực tiếp, rõ ràng các vấn đề về môi trường với phát triển. UNCED được tổ chức để đáp ứng nhận thức ngày một tăng trên thế giới là không thể coi môi trường và phát triển là hai lĩnh vực chính sách tách biệt và phát triển bền vững chính là sự lồng ghép chúng. UNCED được hình thành từ năm 1987, khi Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới đưa ra báo cáo nổi tiếng “Tương lai chung của chúng ta” (WCED, 1987). Báo cáo này nhấn mạnh rằng phát triển kinh tế và môi trường liên quan mật thiết, không thể tách rời nhau. Các nguyên tắc và mục tiêu đưa ra trong báo cáo này, từ đó cho đến nay, được nhiều chính phủ tán thành.

 

Mục tiêu chung của UNCED là xây dựng các chiến lược và biện pháp nhằm đấu tranh chống suy thoái môi trường trong sự phát triển bền vững và lành mạnh đối với môi trường ở tất cả các nước. Hội nghị tập trung vào những lĩnh vực cụ thể sau: Bảo vệ bầu khí quyển bằng cách hạn chế sự thay đổi khí hậu, sự suy yếu tầng ôzôn và ô nhiễm không khí xuyên biên giới; bảo vệ và quản lý tài nguyên đất bằng cách đấu tranh chống nạn phá rừng, sa mạc hóa và hạn hán; bảo tồn đa dạng sinh học; thúc đẩy công nghệ sinh học, lành mạnh với môi trường; bảo vệ chất lượng và cung cấp nguồn nước ngọt; bảo vệ đại dương và tất cả các loài sinh vật biển, kể cả các biển kín, nửa kín và vùng ven bờ; bảo vệ, sử dụng hợp lý và phát triển các tài nguyên sinh vật; quản lý các chất thải, đặc biệt là chất thải độc hại và các chất độc hóa học, cấm vận chuyển trái phép các sản phẩm và chất thải độc hại và nguy hiểm giữa các quốc gia.

 

Quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB) cho đến nay được thừa nhận là quá trình thích hợp nhất để giải quyết các thách thức tại đới bờ trước mắt cũng như lâu dài. QLTHĐB tạo cơ hội cho các vùng ven biển hướng tới sự phát triển bền vững, cho phép tính đến các giá trị tài nguyên và lợi ích hiện nay và trong tương lai của đới bờ. Thông qua việc tính đến các lợi ích ngắn hạn và dài hạn, QLTHĐB có thể kích thích sự phát triển kinh tế tại đới bờ, phát triển tài nguyên và hạn chế sự suy thoái các hệ thống tự nhiên. QLTHĐB có thể cung cấp khung khổ cho các đáp ứng linh hoạt, nhằm đối phó với sự không chắc chắn của các dự báo về tương lai, kể cả về thay đổi khí hậu. Tóm lại, QLTHĐB có thể cung cấp cho các nước ven biển quy trình thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống.

 

Mục tiêu chính của bất cứ chương trình QLTHĐB nào về cơ bản là khuyến khích sự thay đổi cách ứng xử của con người để đạt mục tiêu mong muốn. Mục đích của việc quản lý là tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ và giá trị mong muốn, liên quan đến sản xuất, tiêu thụ hoặc bảo tồn. QLTHĐB có thể dự báo và đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Sự tham gia của công chúng vào việc xây dựng và thực thi QLTHĐB, do đó, là rất cần thiết.

 

Để thành công, QLTHĐB cần có các yếu tố sau: Lồng ghép các chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế, quản lý chất lượng môi trường và sử dụng đất; lồng ghép các chương trình thuộc các lĩnh vực khác nhau, như sản xuất thực phẩm (ngành nông nghiệp và nghề cá), năng lượng, giao thông vận tải, tài nguyên nước, xử lý chất thải và du lịch; lồng ghép tất cả các nhiệm vụ quản lý đới bờ, từ quy hoạch, phân tích, thực thi, điều hành, duy trì, giám sát và đánh giá, liên tục theo thời gian; thống nhất các trách nhiệm quản lý khác nhau của các cấp chính quyền: địa phương, khu vực, quốc gia, quốc tế và giữa các khu vực nhà nước và tư nhân; sử dụng chung các nguồn lực quản lý có sẵn, bao gồm nguồn nhân lực, tài chính, nguyên vật liệu và trang thiết bị; liên kết các ngành khoa học như sinh thái học, địa mạo học, sinh học biển, kinh tế học, kỹ thuật (công nghệ), chính trị và luật.

 

Sự thống nhất các hoạt động quản lý đới bờ rất cần thiết trong việc phòng chống sự suy thoái của các hệ sinh thái tại đó, (sự suy thoái này làm giảm giá trị kinh tế và gia tăng khả năng bị tổn thương của chúng đối với những tác động của sự thay đổi khí hậu). Mặc dù việc quản lý tổng hợp đòi hỏi sự phân tích và lập kế hoạch kỹ lưỡng hơn so với quản lý theo ngành, tổng chi phí của nó đến cuối cùng sẽ thấp hơn là tổng chi phí của các phương pháp quản lý theo từng ngành riêng rẽ. Ngoài ra, đẩy mạnh QLTHĐB ngay từ giai đoạn đầu sẽ tạo thuận lợi về tài chính cho lâu dài.

 

Những quyết định về quản lý lập kế hoạch cho việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên có thể đạt được thông qua sự xem xét hài hòa những phương án và nhu cầu phát triển khác nhau của khu vực. Đây chính là tính thống nhất của QLTHĐB. Do vậy, QLTHĐB cần được coi là một quá trình tiến triển, phù hợp với sự phát triển bền vững, mà theo định nghĩa, có phạm vi thời gian lâu dài.

 

(Còn nữa)

Theo Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek