Niên vụ sắn 2012-2013 đang vào thời kỳ cuối vụ, nhiều nông dân ở huyện Sông Hinh phấn khởi bởi giá cả thu mua cao. Hơn nữa, những giống sắn mới phù hợp với thổ nhưỡng miền núi cho năng suất gấp đôi so với sắn thường.
Giống sắn cao sản của anh Bùi Văn Nhương ở thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông (Sông Hinh) có đặc điểm là mắt dày hơn sắn thường - Ảnh: V.THÙY
MỘT MÙA SẮN THẮNG LỢI
Từ đầu năm đến nay, giá thu mua sắn củ tươi tăng liên tục từ 1.900 đồng/kg lên 2.250 đồng/kg, nên người trồng sắn phấn khởi. Ông Phạm Văn Hải ở khu phố 8, thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh) trồng 3ha sắn khi thu hoạch năng suất đạt trên 18 tấn/ha. Theo ông Hải, năm nay gặp nắng hạn kéo dài, cộng với bệnh chổi rồng trên sắn nhưng năng suất vẫn tăng từ 1-2 tấn/ha (năng suất sắn bình quân của tỉnh là 16,5 tấn/ha). Với giá thu mua cao như hiện nay, trừ hết chi phí, mỗi hecta thu được trên 20 triệu đồng. Còn bà Nguyễn Thị Oanh ở khu phố 7, thị trấn Hai Riêng có 4 sào đất (1.000m2/sào) trồng sắn. Bà Oanh cho biết, nhà chỉ có ít đất nên cố gắng đầu tư, mua giống mới về trồng và chăm sóc tốt nên thu hoạch đạt sản lượng trên 16 tấn sắn tươi. Nhờ chăm sóc tốt, cây khỏe mạnh, nhiều người đã đến đặt mua cây giống, số tiền thu về từ bán cây giống cũng bằng hơn nửa tiền bán sắn củ.
Ông Phạm Tấn Phúc, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Vụ sắn 2012-2013, toàn huyện có khoảng 7.820ha sắn. Đến thời điểm này bà con nông dân đã thu hoạch được khoảng 85% diện tích. Mặc dù ở thời điểm giữa vụ, thời tiết khô hạn kéo dài, cộng với bệnh chổi rồng cục bộ xuất hiện ở một số cánh đồng làm ảnh hưởng đến một số diện tích. Tuy nhiên năng suất bình quân chung vẫn đạt cao, khoảng 16,5 tấn/ha. Với giá thu mua như hiện nay, mỗi hecta sắn đem lại lợi nhuận từ 18-20 triệu đồng. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư, chăm sóc tốt, năng suất từ 25-30 tấn/ha nên đã thắng lớn, bà con nông dân phấn khởi với mùa sắn bội thu.
MỞ RỘNG DIỆN TÍCH SẮN CAO SẢN
Trong thời gian vừa qua, huyện Sông Hinh cùng với Công ty cổ phần Tinh bột sắn FOCOCEV đưa về trồng một số giống mới như KM 98-5, KM 140, KM 149. Các giống sắn này bước đầu đã được bà con nông dân đón nhận vì cho năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Người đầu tiên mạnh dạn đưa về trồng là anh Bùi Văn Nhương, một cựu chiến binh thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông. Năm 2010, sau khi đi khảo sát những đồi sắn năng suất cao ở tỉnh Tây Ninh, anh Nhương quyết định đầu tư gần 2 lượng vàng, mua một xe tải lớn sắn cây về làm giống. Vụ đầu do chưa có kinh nghiệm nên năng suất không đạt yêu cầu. Nhưng những năm sau đó, năng suất trung bình 1ha sắn của anh đạt không dưới 35 tấn và anh Bùi Văn Nhương tiếp tục thuê đất, mở rộng diện tích lên đến gần 30ha, trồng toàn bộ giống sắn mới. Vụ sắn năm nay, anh đã thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Theo anh Nhương, giống sắn anh mua từ Tây Ninh về có cuống lá đỏ, thân thấp, mắt lá dày, củ to đều từ đầu đến cuối. Kinh nghiệm qua nhiều vụ, anh cho biết, giống mới này có cuống củ dài, nếu trồng sâu sẽ không nhổ hết củ. Bên cạnh đó, phải bố trí lịch trồng cho phù hợp để thời điểm thu hoạch thời tiết thường xuyên có mưa, tạo độ ẩm tối đa cho đất, tránh thất thoát khi thu hoạch sắn. Anh Nhương cũng cho biết thêm, ngoài giống sắn mua từ Tây Ninh, anh cũng trồng thử giống của nhà máy và đều cho năng suất cao hơn nhiều so với các giống sắn lâu nay.
Sơn Giang là xã phát triển mạnh cây sắn cao sản ở huyện Sông Hinh. Trong niên vụ sắn 2012-2013, xã đã đưa vào trồng thử nghiệm giống sắn KM 140 với diện tích 23ha đạt năng suất củ tươi bình quân 42 tấn/ha, gấp đôi so với giống KM 94 đang sản xuất đại trà. Ông Phạm Quốc Thông, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang cho biết: “Sắn cao sản đặc biệt phù hợp với đất pha cát. Một số hộ chăm sóc tốt, có tưới nước trong những thời điểm hạn hán, năng suất đạt đến 50 tấn/ha. Ngay sau khi có hiệu quả, UBND xã đã phổ biến rộng rãi cho bà con nhân dân trồng; và niên vụ sắn 2013-2014, có đến 1/4 số hộ dân ở đây chuyển sang trồng giống sắn cao sản”. Ông Phùng Văn Thọ ở xã Sơn Giang cho biết: “Thấy giống mới cho năng suất cao, năm nay tôi đã bỏ ra hơn 3 triệu đồng để mua giống mới về trồng hơn 1ha đất vườn, hy vọng năm tới, giá sắn củ ổn định để có thêm thu nhập cho gia đình”.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: “Trong niên vụ sắn 2013-2014, toàn huyện có khoảng 30% diện tích sản xuất sắn được trồng bằng giống cao sản, tập trung chủ yếu ở các xã như Sơn Giang, Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Ly và thị trấn Hai Riêng. Để đảm bảo năng suất ổn định đòi hỏi phải có chế độ thâm canh, chuẩn bị tốt từ khâu làm đất, bón phân, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là không sử dụng giống ở những diện tích đã bị nhiễm bệnh chổi rồng, nhện đỏ… Tuy nhiên, đối nghịch với năng suất cao là tốc độ nhanh bạc màu của đất, vì vậy bà con nông dân cần chú ý việc trồng luân canh, xen canh các cây trồng khác như đậu, dưa để cải tạo đất”.
VĂN THÙY