Tách ra từ xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) qua ba năm, xã Ea Ly đã tạo nên diện mạo mới. Một thị tứ miền núi đang hình thành ở “cửa ngõ” lên Tây Nguyên.
Trung tâm xã Ea Ly nằm trên tuyến ĐT 645 có dáng dấp của một thị tứ với những dãy nhà san sát, thi thoảng xuất hiện những ngôi cao tầng kiến trúc hiện đại cùng nhiều cửa hàng buôn bán, dịch vụ hoạt động nhộn nhịp. Qua chặng đường dài từ Ban Mê Thuột xuống, hay từ Tuy Hòa lên, các phương tiện giao thông thường chọn EaLy dừng chân.
Trung tâm xã EaLy – Ảnh: N.TRƯỜNG |
Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã EaLy cho biết: Hoạt động thương mại – dịch vụ ở địa phương đã đạt 3.260 triệu đồng, chiếm 13,4% giá trị sản xuất của cả xã. Từ khi tuyến ĐT 645 thông với Ban Mê Thuột (Đắc Lắc) lượng xe qua lại nơi đây rất lớn.
Trước khi huyện miền núi Sông Hinh được thành lập (1985), vùng đất rộng hơn 12.000 ha phía tây huyện thuộc 2 xã Ea Bar và Ea Ly chỉ có khoảng vài chục hộ người Ê đê bản địa sinh sống. Năm 1986, Nông trường cà phê Ea Bá được thành lập tại Ea Bar, mở đầu cuộc chinh phục vùng đất màu mỡ nơi đây. Phần đất tiếp giáp với Đắc Lắc thuộc xã Ea Ly ngày nay vẫn còn hoang hóa, mãi đến những năm sau đó, mới có dân di cư tự do từ miền núi phía Bắc tìm vào lập nghiệp, dần dần hình thành những làng xóm mới của đồng bào người Dao, Tày, Nùng. Dự án kinh tế mới Tân Lập ra đời năm 1993 đã tổ chức lại cuộc sống định canh định cư cho dân di cư. Trong vùng dự án, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu được xây dựng như giao thông nội vùng, trường học, giếng nước, trạm y tế… Thêm vào đó, các nguồn gốc thuộc các chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm đã giúp dân nhanh chóng hòa nhập với vùng đất mới. Hiện nay, Ea Ly có trường cấp II, III đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương. Phòng khám khu vực đặt tại xã có bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng viên trực thường xuyên.
Cầu Đắc Phú bắc qua sông K’rông Năng tạo sự thông thương thuận lợi giữa Phú Yên và Đắc Lắc càng thu hút người dân khắp nơi kéo nhau về vùng đất này. “Đất lành chim đậu” số hộ ăn nên làm ra ngày càng nhiều. Có không ít người Ea Ly từ hai bàn tay trắng đã trở nên khấm khá, tiêu biểu như Lương Văn Pếu, Hứa Văn Sláy ở thôn Tân Lập, Bàn Nguyên Thành ở thôn Tân Bình, Triệu Văn Lá ở thôn Tân Sơn… Thôn Tân Bình có 70 hộ người Dao sinh sống nên còn gọi là làng Dao chỉ còn 10 hộ nghèo. Khi trò chuyện, nhiều người bày tỏ lòng biết ơn Đảng và Nhà nước đã chăm lo giúp đỡ để họ có cuộc sống định canh định cư ngày càng ổn định trên quê mới.
Ea Ly là địa bàn có cây trồng đa dạng. Hiện vùng đất này đã có 80 ha lúa nước được tưới chắc bởi hai công trình thủy lợi, bên cạnh gần 1.000 ha cây thực phẩm đã tạo sản phẩm hàng hóa như mè, đậu các loại, dưa lấy hạt, các cây công nghiệp ngắn cũng phát triển mạnh gồm 254 ha bắp lai, 300 ha mía. Những năm gần đây, người dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích các cây công nghiệp dài ngày, đã trồng được 250 ha cao su, 50 ha cà phê chè, 52 ha điều, 19 ha cây gió bầu và 32 ha mặt nước nuôi cá. Đáng chú ý hơn nữa, năng suất các loại cây trồng ở đây khá cao như lúa đạt bình quân 6 tấn/ha/vụ, mía trên 60 tấn/ha, bắp trên 5 tấn/ha… Chăn nuôi đại gia súc cũng là thế mạnh nhờ có những đồng cỏ tự nhiên, đàn bò trong xã có thời điểm lên gần 4.500 con, bình quân mỗi hộ có 4 con bò. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Huỳnh Văn Hùng, thu nhập bình quân đầu người ở Ea Ly đã đạt trên 4 triệu đồng trong năm 2006.
Tuy vậy, Ea Ly đang đối phó với nhiều khó khăn do tình trạng dân di cư tự do vẫn không ngừng đổ về nơi đây. Khi xã Ea Ly được thành lập (tháng 10/2003) chỉ có hơn 3.000 dân thì nay đã lên đến 4.840 người, trong đó có 61,5% người dân tộc thiểu số. Hầu hết những người di cư đều người nghèo khổ nên việc tăng dân số cơ học càng góp phần gia tăng tỷ lệ hộ nghèo, đồng thời làm nảy sinh những bất cập xã hội khác. Đó là nguyên nhân mà Ea Ly chưa ra khỏi chương trình 135 của Chính phủ. Song Bí thư Đảng ủy xã Phạm Xuân Lai vẫn tỏ ra lạc quan về sự phát triển nơi vùng cao này. Anh báo tin vui, với vị trí thuận lợi của cửa ngõ lên Tây Nguyên và sản phẩm nông nghiệp phong phú trong vùng nên tỉnh đã cho triển khai xây dựng tại đây chợ nông sản đầu mối của khu vực trong năm nay. Bên cạnh đó, tuyến đường Đông Trường Sơn qua địa phận Phú Yên sẽ đi qua phía đông xã Ea Ly, dọc theo giữa hai xã Ea Lâm và Ea Bar. Khi con đường trọng yếu này hình thành, vùng đất cửa ngõ lên Tây Nguyên này chắc chắn sẽ chuyển động mạnh mẽ hơn nữa.
NGUYÊN TRƯỜNG