Đánh giá về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) VN, ông Alain Cary, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận xét: “VN thiếu đội ngũ nhân sự có trình độ cao để hội nhập thị trường thế giới. Nguồn nhân lực chưa đủ trình độ để đón trước trào lưu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế và mở rộng quy mô sản xuất”. Đó cũng là điểm yếu đầu tiên được ví như “gót chân Asin” của DN VN trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, khi bước vào cánh cửa WTO.
Kết quả điều tra hằng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh toàn cầu cũng cho thấy, VN luôn ở thứ hạng thấp về chỉ số trình độ công nghệ và đào tạo nguồn lực. Điều này cũng trùng hợp với thực tế ở hầu hết DN VN, nhân viên không được đào tạo bài bản, chỉ học bằng kinh nghiệm là chính. Nhất là với các DN vừa và nhỏ thường thiếu tiềm lực tài chính.
Hệ quả là nhiều khi DN phải trả giá khá đắt cho những sai lầm. Trong kinh doanh cũng thiếu điều kiện để lựa chọn những mặt hàng chất lượng cao, thiếu đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị... Một cuộc điều tra quy mô với sự tham gia của hơn 63.000 DN tại 30 tỉnh, thành do Cục Phát triển DN nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) tiến hành cho thấy, gần như 100% DN đều có nhu cầu đào tạo trên các lĩnh vực.
Trong đó có đến 33,64% số DN có nhu cầu đào tạo về tài chính, kế toán; 31,62% số DN có nhu cầu đào tạo về quản trị DN; 24,14% có nhu cầu đào tạo về phát triển thị trường; 20,17% có nhu cầu đào tạo về lập kế hoạch, chiến lược kinh doanh; 12,89% DN có các nhu cầu đào tạo về phát triển sản phẩm mới, kỹ năng đàm phán, ký hợp đồng... Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, cũng cảnh báo rằng, thời nay đi xúc tiến đầu tư, đừng khoe lao động rẻ, mà phải chứng minh được lao động VN có tay nghề kỹ thuật cao, có đào tạo để thích ứng với yêu cầu mới.
Một chuyên gia nhận xét, gần đây, nhiều DN VN đang tăng tốc đổi mới thiết bị, công nghệ. Nhưng họ mới chỉ tập trung đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, mà quên rằng con người mới là nhân tố quyết định năng suất lao động. Trong khi các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... nền kinh tế được định hướng từ lâu và mục tiêu lâu dài- đào tạo nguồn lực- được xem là một trong những vấn đề sống còn. Chính những điều này đã tạo ra sự cách biệt giữa trình độ quản lý của ta với các nước lân cận; cách biệt trình độ quản lý giữa DN trong và ngoài nước ...
Vấn đề đặt ra là cần sớm nâng tầm quản lý và đào tạo nguồn lực cho các DN, để khắc phục điểm yếu “gót chân Asin”. Theo các chuyên gia kinh tế, khi các đối thủ cạnh tranh đều tận dụng triệt để cùng một công thức 4P (product-sản phẩm, price-giá cả, place-hệ thống phân phối, promotion-quảng bá), thì con người -person- trở thành nhân tố cạnh tranh thứ 5 vô cùng quan trọng.
(VNEconomy)