Những cánh đồng khô cằn sỏi đá, mỗi năm chỉ canh tác một vụ lúa bấp bênh, ăn nhờ nước trời, từ khi hồ chứa nước Kỳ Châu đưa vào sử dụng, cung cấp nước tưới thì diện tích lúa hai vụ của xã Đa Lộc tăng lên 80ha, năng suất hơn 60 tạ/ha/vụ. Người dân rất phấn khởi.
Bà Mang Thị Bích ở thôn 1, xã Đa Lộc phấn khởi phơi lúa vừa thu hoạch. - Ảnh: T.TIÊN
THIẾU ĂN TRIỀN MIÊN
Theo UBND xã Đa Lộc, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã 1.505ha, trong đó đất trồng lúa chỉ vài chục héc ta, nên bình quân mỗi người dân chỉ được khoảng nửa sào (250m2) đất ruộng để trồng lúa. Thế nhưng vì địa hình khó khăn, chủ yếu là ruộng bậc thang, không có nước tưới nên hầu hết diện tích này chỉ canh tác được một vụ trong năm, năng suất thấp.
Bà Mang Thị Bích ở thôn 1, xã Đa Lộc cho biết: Gia đình tôi chỉ có 3 sào lúa, vào khoảng tháng 5 là gieo lúa khô và trông chờ vào nước trời. Nếu gặp mưa thì tỉ lệ lúa nảy mầm cao, còn nếu không mưa thì mất giống. Còn bà Nguyễn Thị Ren ở cùng thôn với bà Bích cho hay, mỗi năm gia đình bà trồng được 2 sào lúa trong vụ đông xuân, năm nào thời tiết thuận lợi thì thu hoạch được khoảng 400kg. Với hoàn cảnh gia đình đông con, hầu như năm nào gia đình bà cũng thiếu ăn, phải mua thêm gạo.
Theo ông Nguyễn Văn Tiệm trưởng thôn 1, xã Đa Lộc, năm nào bà con trong thôn cũng gặp cảnh thiếu ăn, các hộ có hoàn cảnh khó khăn thì được Nhà nước hỗ trợ lương thực để đủ ăn giáp hạt, những hộ có điều kiện hơn thì phải mua thêm lúa gạo. Ông Phạm Thế Vụ, Phó chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: Diện tích đất canh tác lúa của xã không chỉ ít, mà còn phụ thuộc vào nước trời nên năng suất đạt thấp. Bình quân mỗi năm tổng sản lượng lúa thu hoạch của xã chỉ khoảng 50 tấn, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn 1 và thôn 6 bị thiếu ăn.
CÓ NƯỚC, NĂNG SUẤT LÚA TĂNG
Nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân và địa phương phát triển kinh tế, khắc phục những khó khăn về điều kiện tự nhiên, năm 2009, công trình hồ chứa nước Kỳ Châu được khởi công xây dựng trên địa bàn xã Đa Lộc, với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng do Ban Quản lý dự án Thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh làm chủ đầu tư. Hồ chứa nước này có diện tích lòng hồ 50ha, dung tích hữu ích hơn 3,52 triệu m3 nước, có khả năng phục vụ tưới cho 200ha lúa và 280ha mía, cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 4.000 dân, góp phần cải thiện môi trường sinh thái và kết hợp nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Hiện công trình đã cơ bản hoàn thành và tích nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Đoàn Văn Thái ở thôn 3, xã Đa Lộc vui mừng: Vụ lúa đông xuân vừa qua, mấy sào lúa của gia đình tôi có nước tưới, phát triển tốt, gié lúa nặng trĩu, năng suất tăng gấp rưỡi. Còn bà Mang Linh ở thôn 1 thì cho biết chưa khi nào bà vui như lúc này, vì lúa trong nhà chưa ăn hết đã tiếp tục có lúa vụ mới rồi. Cứ thế này thì sẽ không còn cảnh thiếu ăn như trước đây. Ông Phạm Đình Trí, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho hay: Vụ lúa đông xuân 2012-2013 vừa qua, mặc dù các hạng mục của hồ chứa nước Kỳ Châu chưa hoàn thiện nhưng địa phương cũng đã tranh thủ được nguồn nước của hồ Kỳ Châu để chống hạn cho khoảng 80ha lúa của xã. Nhờ vậy mà năng suất lúa đạt hơn 60 tạ/ha, tăng khoảng 30 tạ/ha so với các vụ trước. Điều đáng mừng hơn, khi chủ động được nguồn nước tưới, người dân trong xã có thể canh tác 2 vụ lúa nước/năm như các cánh đồng miền xuôi. Nước về không chỉ giúp cây lúa phát triển tốt, mà còn giúp bà con mở rộng diện tích mía, đậu, bắp… tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Dự kiến vụ hè thu này, xã sẽ nâng diện tích lúa lên 120ha, đồng thời phối hợp Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho bà con kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa nước để từng bước nâng cao sản lượng.
T.TIÊN - N.CHUNG