Dịch bệnh trên tôm diễn ra phức tạp từ nhiều năm nay, gây thiệt hại lớn đối với người nuôi, trong đó có bệnh hoại tử gan tụy. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chuyên môn vẫn chưa tìm ra phác đồ điều trị loại bệnh này. Thêm vào đó, hiện có đến 75% tôm giống nhập về từ các tỉnh, khó kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh ở mức cao.
Người nuôi tôm ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (Đông Hòa) kéo bán tôm non vì dịch bệnh - Ảnh: A.NGỌC
CHƯA TÌM RA PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ CHỨNG HOẠI TỬ GAN TỤY
Thời gian qua, nghề nuôi tôm nước lợ đã mang lại thu nhập cao cho người dân, tuy nhiên sự gia tăng mức độ thâm canh cùng với diễn biến bất lợi của thời tiết đã dẫn đến dịch bệnh trên tôm ngày càng phức tạp. Theo Sở NN-PTNT, diễn biến bệnh tôm không theo quy luật như những năm trước đây, là do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, khiến con tôm mắc bệnh đốm trắng, đầu vàng, đỏ thân và gan tụy bị hoại tử ở mức cao; tôm nuôi từ 15 đến 40 ngày tuổi bị chết đột ngột mà không rõ nguyên nhân.
Năm 2012, diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh khoảng 2.200ha, nhưng đã có hơn 900ha bị bệnh. Hiện nay, bệnh trên con tôm vẫn diễn biến phức tạp, đã có gần 60ha trong tổng số 745ha tôm nuôi từ 1 đến 1,5 tháng tuổi bị bệnh, với các chứng hoại tử gan tụy và đốm trắng. Ông Đỗ Tấn Thành, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa cho biết: “Hạ lưu sông Bàn Thạch (Đông Hòa) là vùng nuôi tôm nước lợ lớn nhất của tỉnh, những năm gần đây tình hình dịch bệnh tôm diễn biến phức tạp, nhất là từ năm 2011, tôm nuôi xuất hiện thêm loại bệnh mới với biểu hiện bị hoại tử gan tụy. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chuyên môn vẫn chưa tìm ra phác đồ điều trị hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm nuôi, gây khó khăn cho việc xây dựng khung lịch thời vụ cũng như chưa có biện pháp phòng trị bệnh hiệu quả”.
75% TÔM GIỐNG NGOÀI TỈNH
Hiện trên địa bàn tỉnh có 74 cơ sở sản xuất giống thủy sản, trong đó 48 cơ sở sản xuất giống tôm với công suất khoảng 700 triệu con giống/năm, đáp ứng 25% nhu cầu tôm nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh. Số lượng tôm giống còn thiếu (khoảng 75%) phải nhập từ các tỉnh khác, nên rất khó kiểm soát chất lượng con giống khi nhập về. Người nuôi chủ yếu lựa chọn những cơ sở sản xuất tôm giống có uy tín trên thị trường, chứ không thể biết được nguồn giống tôm mình mua có sạch bệnh hay không. Khâu kiểm dịch, kiểm tra chất lượng tôm còn nhiều bất cập, giống không rõ nguồn gốc xuất xứ được đưa tới vùng nuôi khá phổ biến, nguy cơ dịch bệnh ở tôm ở mức cao. Nhiều vùng nuôi tôm, người nuôi không tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn và thả tôm nuôi với mật độ quá dày. Phần lớn hộ nuôi tự ý xả nước thải bị ô nhiễm ra môi trường xung quanh, trong khi một số cửa biển, cửa sông bị bồi lấp nặng, dẫn đến hạn chế trao đổi, lưu thông nguồn nước tự nhiên với ao hồ.
Ông Trần Ngọc Phúc nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa), cho biết: “Chúng tôi không thể phân biệt được đâu là tôm giống sạch bệnh, mà chỉ lựa chọn mua tại những trại tôm giống có uy tín lâu nay, mặc dù giá đắt hơn gấp 3, 4 lần. Nếu chọn mua tôm giống chất lượng tốt thì góp phần vào vụ nuôi thành công, còn mua phải con giống kém chất lượng thì chịu lỗ vốn”.
CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM
Theo Sở NN-PTNT, ngoài ảnh hưởng thời tiết, người nuôi không tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, thì dịch bệnh trên con tôm ở vụ nuôi năm 2012 cũng ảnh hưởng lớn đến vụ nuôi năm 2013. Để thực hiện kế hoạch nuôi trồng thủy sản năm 2013 đạt khoảng 2.800ha, sản lượng hơn 10.000 tấn, Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị các địa phương vận động người dân nuôi tôm theo đúng quy hoạch, tuân thủ lịch thời vụ, cải tạo kỹ ao hồ, chọn thời điểm thả giống thích hợp cho từng vùng nuôi, tuyệt đối không được xả thải bùn đáy ao và mầm bệnh ra kênh rạch khi chưa được xử lý. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kỹ thuật nuôi mới, hướng dẫn các biện pháp phòng trị bệnh trên tôm nuôi hiệu quả, đa dạng hóa đối tượng nuôi, hình thức nuôi…
Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết: Sở đang rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung quy hoạch nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2001-2010 và định hướng đến năm 2020 trong quý II/2013. Ngoài ra, sở cũng có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT hướng dẫn phác đồ phòng và trị bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi; hỗ trợ khoảng 10 tấn hóa chất clorine từ Quỹ Dự trữ quốc gia để tỉnh chủ động phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi; xem xét hỗ trợ khoảng 36 tỉ đồng từ nguồn vốn của Chương trình giống quốc gia để xây dựng trạm thực nghiệm giống thủy sản nước mặn cấp tỉnh, đáp ứng nhu cầu cho nuôi tôm thương phẩm trong tỉnh. Kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư đối với các hộ nuôi tôm bị dịch bệnh nhưng chưa đủ điều kiện công bố dịch để người nuôi có điều kiện tái đầu tư và yên tâm sản xuất.
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại các vùng nuôi tôm trong tỉnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Huy Điền đề nghị lãnh đạo Sở NN-PTNT Phú Yên tăng cường giám sát, kiểm tra, cử cán bộ bám sát địa bàn những vùng nuôi trọng điểm tại địa phương, phản ánh kịp thời tình hình nuôi trồng thủy sản để có biện pháp chỉ đạo nhanh chóng, hiệu quả. Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, tiếp tục nghiên cứu các loài, dòng vi khuẩn gây hại trên tôm nuôi; tăng cường công tác quan trắc và cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh…
ANH NGỌC