Những năm gần đây, Phú Yên đã chú trọng đến công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tuy vậy, hiệu quả đạt được chưa cao. Vậy phải làm thế nào để công tác này đạt được kết quả như mong muốn?
Nếu làm tốt hơn công tác quảng bá, danh thắng Mũi Điện - điểm cực Đông Tổ quốc - chắc chắn sẽ thu hút nhiều khách hơn. - Ảnh: Dương Thanh Xuân
PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU DU LỊCH
Quảng bá du lịch là một khâu đặt biệt quan trọng trong kinh doanh du lịch, là con đường duy nhất nối bên bán (các cơ sở kinh doanh du lịch) với bên mua (khách du lịch). Sản phẩm du lịch phần lớn là không cụ thể, không tồn tại dưới dạng vật thể để khách có thể kiểm tra, xem xét mà chỉ có thể thông qua tuyên truyền, quảng bá bằng tài liệu, tranh ảnh, phương tiện truyền thông... Nói chung là người muốn mua (khách du lịch) chỉ thấy “sản phẩm du lịch mẫu” chứ không thấy được sản phẩm thật. Chẳng hạn, chúng ta chỉ có thể mang hình ảnh, tài liệu về gành Đá Đĩa hoặc vịnh Hạ Long và các thông tin về dịch vụ phụ trợ để đi giới thiệu, quảng bá chứ không thể mang cả gành Đá Đĩa hoặc vịnh Hạ Long để đi giới thiệu, chúng ta chỉ mang dịch vụ ca trù Huế đi biểu diễn ở nơi khác chứ không thể nào mang cả sản phẩm ca trù Huế trên sông Hương (gắn với phong cảnh sông Hương) đi giới thiệu…
Để quảng bá du lịch có hiệu quả, ngoài việc nắm rõ đặc trưng của thị trường du lịch, sản phẩm du lịch, điều quan trọng là phải xây dựng thương hiệu du lịch và khả năng duy trì và phát triển thương hiệu đó. Phải tính hết được các yếu tố phát sinh trong quá trình duy trì và phát triển thương hiệu. Thương hiệu du lịch gắn liền với uy tín và chất lượng phục vụ, và đây là vấn đề sống còn của thương hiệu du lịch.
Những năm gần đây, Chính phủ đã đề ra chương trình hành động quốc gia về du lịch, trong đó dành một phần lớn ngân sách Nhà nước cho việc tổ chức các sự kiện: Năm du lịch Điện Biên 2004, Năm du lịch Nghệ An 2005, Quảng Nam – Một điểm đến hai di sản năm 2006, Festival Huế, Festival biển Nha Trang, Festival Hoa Đà Lạt... tổ chức quảng bá du lịch ở nước ngoài, thành lập văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng mang tầm cỡ khu vực và thế giới... Một số đơn vị kinh doanh du lịch đã có bước đột phá mới trong xây dựng, quảng bá thương hiệu du lịch vào thị trường du lịch thế giới như: Saigon Tourist, khu du lịch đảo Tuần Châu – Hạ Long, khu du lịch Hòn Ngọc Việt – Nha Trang, khu nghỉ dưỡng Furama – Đà Nẵng, làng du lịch Mũi Né – Phan Thiết, các hãng lữ hành…
QUẢNG BÁ DU LỊCH PHÚ YÊN
Thực hiện Nghị quyết 03 NQ/TU ngày 5/11/2001 của Tỉnh uỷ Phú Yên về xây dựng và phát triển du lịch Phú Yên đến 2005 và 2010, tỉnh đã chú trọng đến công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch như: tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch tại TP.HCM; ký kết các văn bản hợp tác phát triển thương mại - du lịch với TP.HCM, Hà Nội, các tỉnh trong khu vực; tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế; Xây dựng website du lịch Phú Yên; phát hành các ấn phẩm du lịch như: đĩa CD-ROM về tiềm năng kinh tế, cơ hội đầu tư vào tỉnh Phú Yên, sách cẩm nang, tập gấp, bản đồ du lịch Phú Yên, phim tài liệu, đưa tin bài trên trang báo chuyên đề... Những hoạt động trên đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về du lịch, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát, xin lập dự án đầu tư, một số khách sạn mới được hình thành với quy mô chất lượng khá... Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao. Trong đó có nhiều nguyên nhân như: chưa có chương trình, giải pháp cụ thể trong xây dựng thương hiệu du lịch cho tỉnh và các doanh nghiệp; nguồn ngân sách của tỉnh hạn hẹp; thiếu nguồn nhân lực làm công tác quảng bá du lịch…
Gành Đá Đĩa (huyện Tuy An), một thắng cảnh thiên nhiên độc đáo của cả Việt
Để tiếp tục thực hiện chương trình “Đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư” có hiệu quả hơn trong thời gian đến, xin được nêu lên một số giải pháp:
Mục tiêu để xúc tiến, quảng bá: Đó là thu hút nhiều vốn trong và ngoài nước vào đầu tư kinh doanh du lịch, tăng lượng khách du lịch đến Phú Yên, tăng doanh thu du lịch và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng phục vụ.
Đối tượng để xúc tiến, quảng bá: Đó là các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các hãng lữ hành du lịch quốc tế, khách du lịch quốc tế và nội địa. Ở đây cần chú ý đến khách du lịch tiềm năng và khách du lịch hiện tại. Đối với khách du lịch nội địa, chúng ta cần chú ý đến nguồn khách du lịch từ TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên.
Nội dung xúc tiến, quảng bá phải đảm bảo tính tiêu biểu, tính chân thực, tính nghệ thuật và yếu tố chính trị: Đó là quảng bá về tài nguyên du lịch của tỉnh, về tiềm năng để phát triển du lịch, các sản phẩm du lịch đặt trưng của địa phương, về hoạt động của các đơn vị kinh doanh du lịch….
Theo điều tra, nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) thì gần đây lượng khách đi du lịch thông qua tuyên truyền, quảng bá tăng trong khi thông qua người khác giới thiệu lại giảm, điều này cho thấy vai trò của tuyên truyền, quảng bá rất lớn. Tổ chức này đề nghị mỗi năm ngành du lịch các quốc gia cần trích khoảng 1% trong thu nhập du lịch quốc tế để dùng vào việc tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch. Các hãng lữ hành lớn trên thế giới đã chi cho công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm du lịch chiếm từ 25 – 30% chi phí hoạt động và kết quả doanh thu du lịch hàng năm tăng lên đáng kể.
Đối với tỉnh, trước mắt nên lựa chọn điểm đặt trưng của tỉnh để tập trung xây dựng thương hiệu du lịch, chẳng hạng như: Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh – Nơi đón ánh bình minh sớm nhất trên dải đất liền Việt Nam, gành Đá Đĩa - thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú có một không hai của Việt Nam, di tích tàu Không số và huyền thoại con đường Hồ Chí Minh trên biển… Đối với các doanh nghiệp, nên chọn sản phẩm đặt trưng của cơ sở mình, gắn thương hiệu với sản phẩm đó để đầu tư xây dựng, quảng bá...
Hình thức xúc tiến, quảng bá: Tuỳ thuộc vào mục tiêu, đối tượng, nội dung, quy mô mà sử dụng các hình thức tuyên truyền, quảng bá khác nhau như xây dựng các ấn phẩm: Báo, tạp chí, sách, tờ rơi, tập gấp, tập bưu ảnh, đĩa hình..., thông qua các phương tiện truyền thông: Truyền thanh, truyền hình, Internet...; tổ chức hội nghị, hội thảo, họp báo, tổ chức các sự kiện, hội chợ, triển lãm tại địa phương hoặc tham gia ở nơi khác trong và ngoài nước...; mời các hãng lữ hành du lịch lớn đến để tham quan khảo sát sản phẩm du lịch của địa phương để xây dựng tour du lịch bán cho khách.
PHẠM VĂN BẢY