Sở Khoa học- công nghệ Phú Yên phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ trồng thử nghiệm cây sa nhân tím dưới tán rừng tự nhiên và tán rừng trồng tại cao nguyên Vân Hoà (huyện Sơn Hoà) trên diện tích 3 ha. Cây sa nhân tím được trồng theo 4 mô hình: trồng dưới tán rừng keo lá tràm, dưới tán rừng nghèo kiệt, dưới tán cà phê kinh doanh và dưới tán vườn nhà của các hộ nông dân.
Kết quả sau 8 tháng, cây sa nhân tím đạt tỉ lệ sống đến 98% trở lên. Điều bất ngờ là từ tháng thứ 8 đến tháng thứ 11, sa nhân tím trồng dưới tán rừng keo lá tràm và tán rừng nghèo kiệt đã ra hoa, đậu quả và cho năng suất khô từ 5 kg đến 13,2 kg/ha. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phương, chủ nhiệm đề tài này cho biết: đây là điểm rất mới về thời gian ra hoa, đậu quả của cây sa nhân tím trồng tại cao nguyên Vân Hoà vì nhiều tài liệu trong và ngoài nước đều cho rằng sau khi trồng từ 2-3 năm cây sa nhân tím mới ra hoa. Còn sau 2 năm trồng, cây sa nhân tím đạt năng suất quả khô 45,1kg/ha khi trồng dưới tán rừng keo và đạt 16,4 kg/ha khi trồng dưới tán rừng tự nhiên nghèo kiệt. Riêng đối với 2 mô hình sa nhân tím trồng dưới tán cà phê kinh doanh và dưới tán vườn nhà, cây sinh trưởng tốt nhưng sau hai năm vẫn chưa ra hoa, đậu quả.
Việc trồng sa nhân tím không tốn công đầu tư chăm sóc, dễ trồng và nhất là góp phần chống xói mòn đất do rễ cây sa nhân đan xen chằng chịt trong đất. Các kết quả phân tích cho thấy các chỉ số về độ chua của đất, mùn, đạm, lân, kali đều được cải thiện so với trước khi trồng. Nếu không che phủ được thì mỗi năm lượng đất mất đi khoảng 32 tấn trên diện tích 3 ha nói trên. Cây sa nhân cũng không tranh chấp đất với một số loại cây trồng khác mà chỉ tận dụng được đất dưới tán rừng và với một hecta sau 2 năm trồng đem lại thu nhập thêm 4 triệu đến 6 triệu đồng cho nông dân.
Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên đang đúc kết đề tài trên để phổ biến và nhân ra diện rộng đối với những tán rừng trồng keo lá tràm và rừng tự nhiên nghèo kiệt nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân ở cao nguyên Vân Hòa.
(TTXVN)