Thứ Hai, 25/11/2024 19:35 CH
Khai thác cá ngừ đại dương:
Tăng trưởng mạnh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Thứ Sáu, 03/05/2013 08:11 SA

Trong số các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu, cá ngừ hiện là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt hơn 154 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này lại đáng lo ngại vì chất lượng cá ngừ đang bị giảm sút khiến giá bán giảm mạnh.

 

tau-xa-bo130403.jpg

Ngư dân Phú Yên chuyển các loại nhu yếu phẩm lên tàu để chuẩn bị cho chuyến biển xa bờ - Ảnh: PV

KHÓ KHĂN NHIỀU PHÍA

 

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, xuất khẩu cá ngừ đang tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đạt 57 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 37% tỉ trọng; tiếp đến là thị trường EU, đạt 32 triệu USD, tăng 37%, chiếm 21% tỉ trọng và thị trường khối ASEAN đạt 9,4 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm trước.

 

Các chuyên gia ngành Thủy sản cho biết, mặc dù, sản lượng khai thác cá ngừ được đánh giá là khả quan trong những tháng đầu năm, tuy nhiên chất lượng sản phẩm đang bị đe dọa do ngày càng có nhiều ngư dân sử dụng phương pháp dùng đèn cao áp để dẫn dụ cá (nhằm giảm chi phí và tăng năng suất) nhưng lại khiến cho chất lượng cá đánh bắt được thấp, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nguyên nhân chính dẫn đến giá cá ngừ giảm là do chất lượng cá thấp. Theo các chủ vựa thu mua cángừđại dương, cá ngừ đại dương khai thác bằng phương pháp mới không đảm bảo chất lượng nên không thể mua với giá cao. Trong khi đó, sản lượng cá tăng mạnh do khai thác được bằng phương pháp mới, khiến giá cá sẽ ngày càng giảm hơn nữa.

 

Ngư dân các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa ngày càng gặp khó khăn do không những giá cá giảm mạnh, mà còn bị các tư thương ép phẩm cấp cá. Một chủ tàu câu cá ngừ đại dương ở TP Nha Trang cho biết, cách đây vài ngày, tàu câu của ông cập bến với 3 tấn cá. Nhưng khi thu mua, tư thương cho rằng cá của tàu ông không đạt chất lượng, ép 1 tấn cá vào loại cá phẩm chất thấp, với giá từ 20.000-40.000 đồng/kg. Chủ tàu than thở, với cách thu mua như thế này thì chúng tôi làm sao có lãi.

 

Trong lúc giá thu mua cá ngừ thương phẩm giảm mạnh thì mới đây giá xăng dầu, đá lạnh và các loại nhu yếu phẩm khác tiếp tục tăng, đẩy chi phí chuyến biển lên cao. Theo tính toán của các chủ tàu, trước đây, khi giá dầu chưa tăng thì chi phí mỗi chuyến biển kéo dài 30 ngày ở mức 150 triệu đồng, còn nay, chi phí mỗi chuyến biển tăng thêm 20 triệu đồng. Như vậy với giá cá như hiện nay trung bình mỗi tàu đánh bắt từ 2-3 tấn, sau khi trừ tất cả chi phí, lao động trên tàu chỉchia được 2 đến 3 triệu đồng/người. Thậm chí, nhiều tàu còn thua lỗ.

 

CẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

 

Ông Vũ Ðình Ðáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam dự báo, sản lượng cá ngừ năm nay có thể đạt mức kỷ lục từ 17.000 đến 18.000 tấn. Ðể nâng cao chất lượng, trước mắt, hiệp hội kêu gọi ngư dân hạn chế đến mức thấp nhất phương pháp câu bằng đèn cao áp trong đánh bắt; đồng thời, khuyến cáo, đề nghị ngư dân tiếp tục phát triển nghề truyền thống.

 

Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Khắc Tân, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên, 1 trong 3 địa phương có sản lượng cá ngừ cao nhất cả nước khẳng định, ngành Thủy sản cần có quy định điều tiết để tránh tình trạng lạm dụng khai thác cá ngừ bằng ánh sáng nhằm đảm bảo khai thác cá ngừ đạt chất lượng, giá trị và bảo vệ được thương hiệu cá ngừ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

Bên cạnh đó, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT Phạm Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các chi cục khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương cần đưa ra một số kế hoạch, giải pháp nhằm khuyến khích ngư dân tập trung đánh bắt xa bờ, phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương lập ra các bản nhật ký khai thác. Thông qua nhật ký này sẽ hướng dẫn các ngư dân xác định được ngư trường có tiềm năng. Mặt khác, đây là cơ sở để các cơ quan chuyên môn dự báo, giúp ngư dân hướng đến việc khai thác đánh bắt xa bờ lâu dài; đồng thời, có chính sách hỗ trợ chi phí, tiết kiệm nhiên liệu, đảm bảo sản lượng đánh bắt đạt hiệu suất cao.

 

Trước tình hình khó khăn này, ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, ngành Nông nghiệp đang chỉ đạo các bộ phận liên quan đẩy mạnh việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ khai thác đối với các tàu thuyền tham gia đánh bắt ở vùng biển xa để hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khuyến khích bà con bám biển.

 

Nhiều chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, ngư dân vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, như giá dầu, giá đá tăng, rủi ro trên biển. Nếu cộng thêm giá hải sản nguyên liệu giảm do doanh nghiệp chịu thuế thì chắc chắn lượng tàu, thuyền bám biển sẽ ngày càng hao hụt. Do đó, Chính phủ cần có những ưu đãi hơn nữa với ngành nghề khai thác hải sản. Cụ thể, nên miễn thuế cho các ngành nghề kinh doanh phục vụ đánh bắt cá xa bờ thay vì áp dụng mức thuế ưu đãi 10%, bởi đây không chỉ là nghề làm ăn chịu rất nhiều rủi ro về tính mạng và tài sản mà còn là nghề đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền biển, đảo.

 

THÚY HIỀN - (TTXVN)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek