Sáng 18/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức lễ công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2012 với chủ đề “Tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên chặng đường đổi mới”.
Ảnh minh họa: Internet
Là một hoạt động thường kỳ diễn ra hàng năm, lễ công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2012 còn là hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đánh giá vai trò của VCCI trong công tác tham vấn chính sách nói chung, cũng như đánh giá sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong chặng đường 10 năm phát triển (2002-2011), đặc biệt là trong năm 2012.
Tại lễ công bố, TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, chủ biên báo cáo đã tóm tắt những nội dung chính trong Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2012.
Theo đó, trong năm 2012, số doanh nghiệp tại Việt Nam đăng ký mới giảm cả về số lượng và tổng số vốn, trong khi đó, số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động lại tăng lên. Tính đến hết ngày 31/12/2012, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thành lập mới ước đạt khoảng 69.847 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký ước đạt khoảng 467.265 tỉ đồng.
Trong khi đó, con số doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động lại tăng lên đến khoảng 54.261 doanh nghiệp (tăng gần 6,3% so với năm 2011). Số doanh nghiệp giải thể là 9.355 doanh nghiệp, tăng 22,9%; doanh nghiệp ngừng hoạt động là 44.906 doanh nghiệp. Ngành có tỉ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng mạnh thuộc về tài chính ngân hàng và kinh doanh bất động sản.
Nêu rõ sự kém nhạy bén trong cách tiếp cận thị trường đã khiến hàng loạt các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, TS Phạm Thị Thu Hằng cho biết, đã có trên 28% số doanh nghiệp được hỏi đã nêu lý do chính là vấn đề hàng tồn kho lớn trong thời gian qua đã tác động đến sự sống còn của các doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2012 khi chọn ra 6 ngành tiêu biểu để phân tích bao gồm: Chế biến thủy sản, sản xuất đồ uống, sản xuất cấu kiện kim loại, bán lẻ thực phẩm đồ uống, quảng cáo, giới thiệu xúc tiến thương mại đã cho thấy, đặc điểm chung của 6 ngành này là đều có sự tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp, về lao động, về tài sản và về doanh thu với các mức độ khác nhau. Những doanh nghiệp trong các ngành này có xu hướng ngày càng thu hẹp quy mô lao động nhưng tăng trưởng quy mô vốn.
Về vấn đề môi trường kinh doanh năm 2012, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam được xếp hạng 99/185 quốc gia về môi trường kinh doanh, dường như không đổi so với mức 98/185 của năm 2011.
Trong số các chỉ tiêu, cấp phép xây dựng là tiêu chí được cải thiện nhiều nhất (từ vị trí 67 của năm 2011 xuống vị trí 27 trong năm 2012). Nhìn chung, sau 10 năm môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đang ở mức dưới trung bình so với các nước trong khu vực và thế giới.
Theo VOV