Thứ Bảy, 05/10/2024 22:24 CH
Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào đời sống
Thứ Năm, 18/04/2013 16:00 CH

Thông qua nhiều đợt tuyên truyền, vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, người tiêu dùng (NTD) đã có cách nhìn nhận tích cực, có niềm tin vào chất lượng của hàng Việt. Báo Phú Yên đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Đủ, Phó chủ tịch UBMTTQ tỉnh về vấn đề này.

 

Mien-nui.jpg

Người dân ngày càng quan tâm đến hàng Việt - Ảnh: KHANG ANH

* Công tác tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai tương đối thuận lợi trong nhiều năm qua. Xin ông cho biết những thành tựu đạt được sau các đợt tuyên truyền, vận động này?

 

- Bằng nhiều hình thức tổ chức đa dạng và phong phú, công tác tuyên truyền, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã được các sở, ban, ngành tiến hành hết sức hiệu quả; từ đó, hàng Việt ngày càng được đông đảo người dân hưởng ứng, có chỗ đứng nhất định trong lòng NTD. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung cuộc vận động vào kế hoạch, chương trình hành động trong năm, vận động phương tiện truyền thông cán bộ - công nhân viên chức tham gia mua sắm hàng Việt; thông qua các phương tiện truyền thông... để tuyên truyền cho người tiêu dùng sử dụng hàng Việt. Đặc biệt, phương pháp tuyên truyền trực quan như tờ rơi, khẩu hiệu... để quảng bá hàng Việt được thực hiện ở các điểm hội chợ, chợ đầu mối ở trung tâm các huyện, thị, thành phố hoặc qua các đợt bán hàng về vùng nông thôn... Vừa được giới thiệu hàng Việt, NTD còn được hướng dẫn về cách tự bảo vệ chính mình. Về mặt này, Sở Công thương đã tổ chức 3 lần hội thảo, tọa đàm để tập huấn cho 260 cán bộ, chủ doanh nghiệp về thương mại điện tử, nghiệp vụ quản lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và khai thác hiệu quả lợi thế của doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Để nâng cao giá trị hàng Việt, UBND tỉnh đã công bố các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sản xuất và hàng ngoại nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các loại sản phẩm, hàng hóa liên quan trực tiếp đến đời sống con người như lương thực, thực phẩm; triển khai các biện pháp ngăn chặn không để hàng giả, kém chất lượng đưa ra thị trường; xử lý những vụ vi phạm bản quyền, hàng giả và kém chất lượng, việc chấp hành pháp luật về giá, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

 

* Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì quá trình thực hiện cuộc vận động không thể tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Vậy những khó khăn đó là gì, thưa ông?

 

- Trong năm 2012, các doanh nghiệp trong tỉnh gặp khó khăn do lãi suất ngân hàng tương đối cao, các ngân hàng thắt chặt nguồn vay dành cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng giá bán ra của sản phẩm thì tương đối thấp. Do sức mua của thị trường trong nước giảm sút, nhiều doanh nghiệp đã bán hàng hóa dưới giá thành gây nên sự bế tắc nhất định cho nhà sản xuất. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn chưa thật sự thu hút các doanh nghiệp tham gia. Nguyên nhân chính là do cơ chế hỗ trợ chưa khích lệ sự quan tâm của các doanh nghiệp; kế hoạch triển khai của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc ở các huyện, thị và các đoàn thể… chưa đồng bộ.

 

* Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thật sự có ý nghĩa và ngày càng đi vào đời sống của người dân trong giai đoạn tiếp theo, đơn vị đã đề ra những giải pháp, chiến lược gì, thưa ông?

 

- Để tiếp tục thực hiện cuộc vận động của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc này, mới đây Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đã có kế hoạch triển khai cuộc vận động năm 2013 tập trung một số giải pháp tiếp theo nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng đến mọi đối tượng, để NTD nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ, Việt Nam. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và NTD; tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng, nhất là ở các vùng nông thôn của tỉnh. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, tổ chức kinh tế - xã hội cần nhận thức được ý nghĩa của cuộc vận động, phát huy mạnh mẽ hơn nữa lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam trên thị trường, tạo uy tín, niềm tin trong người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu Việt, văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Mặt khác, các cơ quan quản lý phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng, kết nối giữa nhà sản xuất với nhà phân phối, nhà bán lẻ tại địa phương; góp phần thực hiện những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

KHANG ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek