Trong Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam đến năm 2020, đoạn đi qua 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có chiều dài hơn 400km. Các địa phương này đã và đang huy động nhiều nguồn lực xây dựng tuyến giao thông trọng điểm này, nhằm khai thác hiệu quả lợi thế, tài nguyên các vùng ven biển, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh.
Trục giao thông ven biển Nam TP Tuy Hòa - cảng Vũng Rô đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để tạo động lực thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên - Ảnh: N.TRƯỜNG
Kể từ khi quốc lộ 1D (Quy Nhơn - Sông Cầu) được đưa vào sử dụng năm 2001 đã mở ra vận hội mới cho người dân vùng bán đảo thuộc các xã, phường ven biển giáp ranh 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định. Tuyến đường này thực sự trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đất giáp ranh giữa hai tỉnh. Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hải, TX Sông Cầu cho biết, khi chưa có tuyến đường 1D, cả xã như nằm trong sa mạc cát với trên 50% hộ nghèo, học sinh bỏ học đi biển khá nhiều. Đến đầu năm 2013, số hộ nghèo chỉ còn 8,93% trong tổng số 2.282 hộ, hộ khá giàu ngày càng tăng, bộ mặt của xã đã thực sự đổi thay. Là xã điểm xây dựng nông thôn mới, Xuân Hải phấn đấu đến cuối năm 2013 đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới.
Khi các dự án giao thông ven biển được mở ra, cũng là lúc tiềm năng du lịch ven biển tại các đầm, vịnh, bãi biển miền Trung bắt đầu được đánh thức. Đặc biệt, tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu đã đem lại cơ hội phát triển cho hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Suốt chiều dài vùng ven biển Phú Yên đã và đang trở thành những khu, điểm du lịch nổi tiếng như các khu du lịch sinh thái Bãi Bàng, Bãi Xép, Bãi Rạng, Bãi Bàu... Theo ông Phan Đình Phùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh, những năm gần đây du lịch Phú Yên phát triển khá, riêng từ đầu năm 2013 đến nay đã tiếp đón 135.000 lượt khách đến Phú Yên, trong đó có 17.300 lượt khách quốc tế, với tổng doanh thu đạt gần 140 tỉ đồng (tăng hơn 15%) so với cùng kỳ năm trước.
Xác định giao thông ven biển là động lực đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh, trên cơ sở trục đường động lực ven biển nối 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các địa phương đang tập trung mọi nguồn lực triển khai xây dựng hoàn thiện tuyến giao thông này nhằm khai thác tiềm năng vùng ven biển của mỗi tỉnh. Đối với Phú Yên, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng và làm mới gần 133km đường với tổng kinh phí 2.382 tỉ đồng. Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT cho biết, mặc dù còn khó khăn nhưng tỉnh cũng đã tranh thủ các nguồn vốn, huy động nhiều nguồn lực để xây dựng trục đường động lực ven biển với kinh phí hàng nghìn tỉ đồng. Theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015), trong năm 2013 sẽ hoàn thành tuyến đường trục dọc ven biển, đoạn từ nam cầu Hùng Vương đến Vũng Rô; đến năm 2016, tiếp tục hoàn thành mới 16km đường từ xã An Ninh Đông vượt sông Bình Bá, đấu nối với quốc lộ 1 tại km1293+400.
Cầu An Hải (Tuy An) được đưa vào sử dụng, mở ra cơ hội phát triển cho các xã phía đông của huyện - Ảnh: P.NAM
Tuyến đường bộ ven biển được hình thành trên cơ sở tận dụng tối đa các tuyến đường hiện có kết hợp với đầu tư xây dựng mới, tạo kết nối thuận lợi với mạng lưới giao thông, phù hợp với các quy hoạch khác trong vùng và khu vực. Ngoài ra, tuyến đường bộ ven biển còn có thể kết hợp với các hệ thống đê biển và đường phòng thủ ven biển, tạo thuận lợi trong xử lý tình huống ứng phó với thiên tai và tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh trong khu vực.
Giai đoạn I của tuyến đường bộ ven biển (từ nay đến năm 2020), sẽ tập trung xây dựng các đoạn, tuyến tại các vùng kinh tế trọng điểm và 15 khu kinh tế ven biển thuộc Đề án Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020, trong đó có các Khu kinh tế Nam Phú Yên, Nhơn Hội (Bình Định), Vân Phong (Khánh Hòa).
Có thể khẳng định rằng, các tỉnh duyên hải miền Trung có lợi thế bờ biển dài, đẹp, nhiều danh thắng và quỹ đất nhiều tiềm năng. Những con đường ven biển được mở ra, vừa bảo đảm giao thông thông suốt cả một vùng rộng lớn ven biển, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch của các địa phương. Hiện nay, song song với việc triển khai xây dựng các tuyến đường bộ ven biển theo quy hoạch, các tỉnh duyên hải miền Trung cũng đang tính đến việc quy hoạch và quản lý quy hoạch các vùng đất mới do các tuyến đường ven biển mở ra; đồng thời sắp xếp, bố trí quy hoạch lại các khu dân cư, đô thị mới ven biển, nhằm khai thác triệt để tiềm năng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
PHƯƠNG NAM