Năm 2012, ngành chức năng phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh các mặt hàng nông lâm thủy sản có những sản phẩm không đạt chất lượng… Để người dân có đầy đủ thông tin, không dẫn đến hiểu lầm và gây hoang mang, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những cơ sở vi phạm, đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Thanh tra Sở NN-PTNT Phú Yên kiểm tra tại một cơ sở sản xuất và kinh doanh phân bón ở huyện Đông Hòa - Ảnh: A.NGỌC
NHIỀU SẢN PHẨM KHÔNG ĐẠT CHẤT LƯỢNG
Trong năm 2012, các địa phương trên cả nước đã tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản. Qua kiểm tra 7.177 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp đã phát hiện 910 cơ sở vi phạm; lấy 1.706 mẫu đưa đi phân tích thì có 289 mẫu vi phạm chất lượng so với mức công bố. Kiểm tra 12.086 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, có 961 cơ sở vi phạm; 36 mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật và 364 mẫu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và nitrate vượt ngưỡng giới hạn cho phép…
Riêng ở Phú Yên, năm 2012, cơ quan chức năng đã kiểm tra 88 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thuốc BVTV, phân bón, giống cây trồng lâm nghiệp, kết quả có 5 cơ sở xếp loại A (tốt), 83 cơ sở xếp loại B (đạt). Kiểm tra, đánh giá phân loại đối với 52 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản; kết quả 46 cơ sở xếp loại B (đạt), 6 cơ sở xếp loại C (chưa đạt). Kiểm tra 49 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và phân bón; có 10 cơ sở vi phạm và xử lý bằng hình thức phạt tiền với số tiền hơn 220 triệu đồng… Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết: “Năm 2013, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông lâm thủy sản và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Đồng thời sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở vi phạm, những sản phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…”.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA
Theo Bộ NN-PTNT, nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế là nhận thức của một số cán bộ quản lý và một bộ phận người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng chưa đúng mức dẫn đến chưa quan tâm, chủ động, tích cực triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Hệ thống pháp lý chưa đồng bộ, một số văn bản chưa phù hợp với thực tiễn, việc triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn chậm. Bộ máy quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đã hình thành được bộ khung nhưng còn thiếu nhân lực, phương tiện, cơ chế vận hành, phối hợp còn nhiều bất cập. Một số cơ quan thuộc các bộ, ngành trung ương và địa phương chưa quan tâm đúng mức, chỉ đạo chưa đồng bộ và quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này…
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2013, được ngành Nông nghiệp xác định là năm mà công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, ngành tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại trong toàn quốc đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở yếu kém thực hiện các quy định, phấn đấu giảm 10% cơ sở loại C so với năm 2012. Đồng thời, ngành tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng sản xuất nông sản, thủy sản an toàn; quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm; tăng cường, chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ nông dân áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP-GMP/HACCP); triển khai xây dựng mô hình điểm chuỗi sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn đại diện cho các vùng sinh thái và tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm phổ biến nhân rộng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm; chủ động phát hiện và xử lý sự cố mất an toàn thực phẩm, kịp thời cung cấp thông tin minh bạch, chính xác về kết quả điều tra, khắc phục sự cố cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang.
ANH NGỌC