Chủ Nhật, 06/10/2024 03:09 SA
Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm
Thứ Ba, 16/04/2013 07:36 SA

Cúm A/H5N1 xuất hiện trên đàn chim yến nuôi tại tỉnh Ninh Thuận đang là thách thức lớn đối với ngành thú y và người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch cúm lây nhiễm, phát tán rộng trong môi trường. Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết:

 

vit130416.jpg

Nuôi nhốt gia cầm, thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc môi trường góp phần hạn chế dịch bệnh lây nhiễm - Ảnh: T.TIÊN

Cục Thú y thuộc Bộ NN-PTNT vừa có văn bản yêu cầu Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố có nuôi chim yến rà soát toàn bộ các tổ chức, cá nhân có nuôi chim yến trên địa bàn; đề nghị chính quyền cấp huyện, xã tăng cường quản lý, giám sát, theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh trên đàn yến. Khi có chim yến mắc bệnh, chết ngành chức năng phải lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định nguyên nhân.

- Bệnh cúm gia cầm thể động lực cao (HPAI) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm type A thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Virus H5N1 có thể gây bệnh cho gia cầm, chim hoang dã và con người. Gia cầm nhiễm virus có thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 3 ngày trước khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. Khi gia cầm mắc bệnh có những biểu hiện lâm sàng: sốt cao, thở nhanh, chảy nước mắt, nước dãi ở mỏ, phù đầu ở mặt, xuất huyết ở vùng da không có lông, đặc biệt ở chân, đứng tụm một chỗ, khát nước, đi loạng choạng, run rẩy, nghẹo đầu, đi quay vòng, ăn ít hoặc bỏ ăn và chết nhanh, trên gia cầm đẻ trứng có hiện tượng giảm đẻ đột ngột…

 

Bệnh cúm gia cầm lây truyền qua không khí và phân bón, nhưng cũng có thể gây nhiễm trên thức ăn, nước, dụng cụ và quần áo. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy virus cúm gà có thể sống sót trong thức ăn đã được nấu chín.

 

* Trước tình hình chim yến nuôi tại tỉnh Ninh Thuận nhiễm cúm A/H5N1, ngành Thú y đã triển khai những biện pháp phòng chống như thế nào?

 

- Từ trước đến nay trên cả nước chưa từng xuất hiện dịch cúm gia cầm trên đàn chim yến. Việc phát hiện dịch cúm gia cầm trên đàn yến nuôi tại tỉnh Ninh Thuận đang đặt ra nhiều vấn đề cho ngành nông nghiệp, thú y và các địa phương đang phát triển nghề nuôi yến, trong đó có tỉnh Phú Yên.

 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 49 hộ nuôi chim yến, tập trung chủ yếu ở TP Tuy Hòa, huyện Tuy An và Phú Hòa... Từ trước đến nay tỉnh Phú Yên chưa từng xuất hiện dịch cúm gia cầm, nhưng không có gì bảo đảm sẽ không xảy ra dịch cúm trên đàn yến, bởi yến là loài chim hoang dã, tự kiếm ăn và tìm chỗ làm tổ, người nuôi không thể can thiệp được. Đồng thời hành trình bay mỗi ngày của chim yến, chúng ta cũng không thể xác định được. Vì vậy công tác phát hiện, bao vây, khoanh vùng khống chế dịch cúm gia cầm trên đàn yến gặp rất nhiều khó khăn.

 

Chi cục Thú y đã chỉ đạo các trạm thú y rà soát toàn bộ các tổ chức, cá nhân nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh để tham mưu, đề xuất với UBND các cấp có biện pháp giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên đàn chim yến để phát hiện sớm nếu có trường hợp yến bị nhiễm bệnh, chết. Hướng dẫn các hộ nuôi chim yến thường xuyên vệ sinh và tiêu độc khử trùng khu vực nuôi và nhà nuôi chim; yêu cầu người nuôi chim sử dụng bảo hộ cá nhân phù hợp khi chăm sóc chim yến và khai thác tổ chim; khi phát hiện chim yến bị chết, các cơ sở nuôi chim yến phải báo cho cơ quan thú y để kịp thời xử lý.

 

* Theo ông, các hộ chăn nuôi phải tuân thủ các biện pháp gì để phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm cho đàn vật nuôi và con người?

 

- Các hộ chăn nuôi gia cầm cần thực hiện các biện pháp an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi như con giống, thức ăn chăn nuôi từ những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng; thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi; hạn chế tiếp xúc những tác nhân bên ngoài có khả năng mang mầm bệnh vào khu vực chăn nuôi như gia súc, gia cầm thả rông, chim hoang, người chăn nuôi đến từ nơi có dịch. Các hộ chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ vắc xin cúm gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

 

* Trong trường hợp có dịch bệnh xảy ra, người chăn nuôi cần phải thực hiện những biện pháp gì?

 

- Đây là bệnh do virus gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy khi nghi ngờ đàn gia cầm có biểu hiện mắc cúm H5N1, người chăn nuôi báo cho trưởng thôn, khu phố, chính quyền hoặc cơ quan thú y của địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Không ăn tiết canh gia cầm, thịt và trứng gia cầm chưa nấu chín, đặc biệt không tiêu thụ thịt gia cầm bệnh, chết do bệnh. Chủ nuôi gia cầm cần thực hiện “5 không”: Không nuôi thả rông gia cầm; không mua, bán gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia cầm bị bệnh; không giấu dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi.

 

* Xin cảm ơn ông!

THỦY TIÊN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek