Theo Nghị định 104/2011/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu, các trường hợp kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng. Thực tế, việc áp dụng mức xử phạt này là không khả thi.
Một điểm bán xăng lẻ trên đường Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) - Ảnh: K.ANH
Hiện tình trạng kinh doanh xăng dầu không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vẫn hoạt động ở khắp địa bàn tỉnh. Từ thành phố đến nông thôn, người đi đường dễ dàng bắt gặp các điểm bán xăng dầu bằng cột bơm mini, thùng, can, chai… Nằm ở trung tâm TP Tuy Hòa, ngay trên các tuyến đường huyết mạch, khang trang của tỉnh như Hùng Vương, Nguyễn Huệ…, cách vài chục mét là có 1 điểm bán xăng. Tuy trạm xăng dầu cách đó không xa nhưng những điểm bán lẻ này vẫn có khách. Ông Huỳnh Văn Kiểm ở phường 7 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Ngày thường, tôi đều đổ xăng ở các trạm xăng trung tâm để bảo đảm chất lượng. Trong trường hợp bất khả kháng, xe hết xăng đột ngột, tôi mới mua lẻ; vì mua xăng ở những điểm bán này không những phải chịu giá cao mà còn không yên tâm về chất lượng, có khi ảnh hưởng đến độ bền của xe”.
Hiện có nhiều điểm xăng nhỏ lẻ mọc lên không có giấy phép kinh doanh, giá bán cao hơn mức quy định từ 2.500-3.000 đồng/lít. Xăng được đựng trong bình chứa tạm bợ không bảo đảm đúng tiêu chuẩn, dễ gây cháy nổ. Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 6 Nghị định 104/2011/NĐ-CP, các đối tượng vi phạm trong kinh doanh xăng dầu không qua đăng ký, không có giấy phép hành nghề sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, các điểm kinh doanh này phần lớn thuộc mô hình kinh doanh nhỏ lẻ của các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy, việc áp dụng mức xử phạt đối với các đối tượng trên vẫn còn nhiều bất cập. Bà Nguyễn Thị Miên, chủ một điểm bán lẻ xăng dầu ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) cho biết: “Vừa qua, chính quyền địa phương đã đến nhà để nhắc nhở và đề nghị tôi không được bán xăng lẻ. Tôi cũng biết mình vi phạm, có thể bị xử phạt nhưng nếu không bán thì không có thu nhập”. Bà Lê Thị Hải cũng ở phường Phú Đông, cho biết: “Khu vực chúng tôi đang sống không có trạm xăng nào, muốn đổ xăng người dân phải đi trên 3km. Khách hàng có nhu cầu mua xăng thì tôi bán. Nếu Nhà nước cấm, người già như tôi biết làm gì ra tiền”.
Theo ông Huỳnh Công Điềm, Phó giám đốc Sở Công thương, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kiểm soát hoạt động kinh doanh, thương mại ở Phú Yên, đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra về hoạt động mua bán lẻ xăng dầu ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Qua kiểm tra, các đối tượng vi phạm đều thuộc diện khó khăn nên rất khó xử phạt theo quy định. Sở Công thương đã nhắc nhở, nghiêm cấm việc mua bán khi không được phép kinh doanh; ngoài ra, đơn vị còn hướng dẫn cho các đối tượng này làm cam kết, nếu tiếp tục vi phạm thì sẽ tiến hành xử lý theo quy định. Tuy nhiên, việc triển khai xử phạt là không khả thi. Vừa qua, đơn vị đã đề nghị Bộ Công thương xem xét và sớm có hướng dẫn phù hợp với tình hình thực tế để hỗ trợ việc thanh tra, quản lý thị trường.
VÕ PHÊ