Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 13 dự án thủy điện và vị trí tiềm năng thủy điện. Trong đó, có 3 dự án đi vào vận hành phát điện với tổng công suất 354MW, góp phần cung cấp sản lượng điện cho đất nước. Tuy nhiên, hiện nay đời sống của người dân vùng dự án gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo chiếm khá cao, nhiều địa phương thiếu đất sản xuất, nạn phá rừng làm rẫy gia tăng… Trong khi đó, các chủ đầu tư dự án thủy điện không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với người dân vùng dự án thủy điện.
Công trình nước sinh hoạt được Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ đầu tư, xây dựng hiện đang xuống cấp, nước giếng không dùng được - Ảnh: A.NGỌC
NHIỀU HỘ KHÔNG CÓ ĐẤT SẢN XUẤT
Theo Sở TN-MT, để thực hiện xây dựng 5 thủy điện (thủy điện Sông Hinh, thủy điện Sông Ba Hạ, thủy điện Krông H’Năng, thủy điện La Hiêng 2 và thủy điện Đá Đen) UBND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định thu hồi hơn 9.475ha đất. Trong đó, đất trồng lúa hơn 107ha, đất trồng màu, cây hằng năm, cây lâu năm hơn 360ha, đất rừng hơn 3.545ha, đất sông suối hơn 1.670ha và các loại đất khác khoảng 3.790ha. Dự án thủy điện Sông Ba Hạ do Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 4/2004 và đi vào hoạt động từ tháng 11/2009 nhưng đến nay vẫn còn nhiều tồn tại. Theo UBND huyện Sơn Hòa, công trình trạm bơm điện Buôn Lé, xã Krông Pa đến nay chỉ mới hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ cho 16 hộ dân (khoảng 2,7ha đất), còn lại gần 37ha của 43 hộ dân vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong để san ủi trả lại đất tái định canh cho các hộ bị mất đất do thủy điện. Ông Kpă Y Luân, Trưởng buôn Xây Dựng, xã Suối Trai (Sơn Hòa), cho biết: “Khu tái định cư buôn Xây Dựng khang trang hơn so với nơi ở cũ nhưng cái bụng thì đói hơn. Hiện nay, buôn Xây Dựng có 144 hộ nhưng chỉ có 73 hộ có ruộng lúa nước (khoảng 1.000-2.000m2/hộ), còn lại không có đất sản xuất nên bà con phá rừng đặc dụng Krông Trai để làm rẫy. Trước đây, nhà nào cũng có vài chục con bò, có nhà đến vài trăm con, nhưng hiện nay trong buôn còn ít hộ nuôi bò vì không còn đất để chăn nuôi”.
Sau khi các dự án thủy điện hoàn thành, đa số bà con đồng bào dân tộc thiểu số bị mất đất nông nghiệp nên thiếu đất sản xuất, chưa được đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp. Theo UBND huyện Sông Hinh, trên địa bàn huyện có 565 hộ bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện phải di dời đến các khu tái định cư, nhưng hiện nay có đến 514 hộ nghèo. Ông Ksor Y Tin, Trưởng phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, cho biết: “Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, mất đất sản xuất là mất tất cả, vì bản thân tôi cũng là người đồng bào dân tộc thiểu số nên tôi rất hiểu điều này. Thế nhưng, việc chuyển đổi nghề đối với bà con vùng bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện đến nay vẫn chưa thực hiện. Các công ty thủy điện không quan tâm đến các chính sách đầu tư, hỗ trợ sau thủy điện mà chỉ quan tâm đến việc kinh doanh làm lợi cho công ty”. Ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: “Ngoài việc đời sống người dân vùng dự án bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện đang gặp khó khăn, các nhà máy thủy điện không tuân thủ đúng cam kết trong việc vận hành điều tiết lũ vào mùa mưa và duy trì dòng chảy phục vụ sản xuất nông nghiệp vào mùa khô. Riêng địa bàn huyện Sơn Hòa, trong những năm gần đây phải chuyển đổi một số diện tích làm lúa nước trước đây để trồng các loại cây màu khác vì không có nước tưới”.
CÒN NHIỀU TỒN TẠI, SAI PHẠM
Đầu năm 2013, Thanh tra Bộ TN-MT đã thanh tra một số dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên, qua đó đã phát hiện nhiều sai phạm ở một số dự án thủy điện này. Khi triển khai dự án thủy điện Sông Ba Hạ, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi hơn 3.178ha đất thuộc 2 huyện Sơn Hòa và Sông Hinh. Theo quy định, sau khi thủy điện hoàn thành Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ phải trồng bù hơn 204ha rừng đã mất để phục hồi môi trường. Thế nhưng nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đi vào hoạt động từ tháng 11/2009 nhưng đến cuối năm 2012 công ty mới triển khai trồng hơn 15ha rừng phục hồi môi trường. Cũng từng ấy năm hoạt động, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ khai thác nước mặt để phát điện nhưng không có giấy phép khai thác tài nguyên nước theo quy định. Ngoài ra, lãnh đạo nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ không tuân thủy quy định duy trì dòng chảy tối thiểu, làm cho đoạn sông từ sau đập tràn xả lũ tới nhà máy (khoảng 4km) trở thành dòng sông chết…
Đối với dự án thủy điện Krông H’Năng đã vận hành phát điện từ tháng 9/2010 nhưng đến nay Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba vẫn chưa trồng bù đủ diện tích đất rừng đã mất theo quy định (mới trồng được 5/175ha đất rừng thay thế). Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba chưa thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định và chưa có giấy phép khai thác tài nguyên nước mặt để phát điện. Nhà máy thủy điện Krông H’Năng cũng không duy trì dòng chảy tối thiểu, khiến đoạn sông từ sau đập tràn xả lũ tới suối Hố Nai (khoảng 500m) trở thành dòng sông chết. Công ty chưa trình phương án phòng chống lụt, bão cho vùng hạ du do xả lũ hồ chứa để UBND 2 tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên phê duyệt theo quy định.
Dự án thủy điện La Hiêng 2 do Công ty cổ phần VRG Phú Yên làm chủ đầu tư, khởi công tháng 9/2009 và dự kiến đến tháng 6/2013 sẽ phát điện. Thế nhưng đến nay diện tích đất khu phụ trợ đang sử dụng đã hết thời hạn thuê đất nhưng Công ty cổ phần VRG Phú Yên chưa hoàn chỉnh hồ sơ xin gia hạn và chưa được thuê đất đối với diện tích xây dựng hạng mục đường dây trung áp và trạm biến áp theo quy định. Đoàn thanh tra Bộ TN-MT đã phát hiện chất thải rắn phát sinh ở khu vực đầu mối thủy điện và khu vực nhà máy, lòng suối La Hiêng và chất thải nguy hại chưa được thu gom, xử lý theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Công ty cổ phần VRG Phú Yên chưa lập hồ sơ, báo cáo về chất thải nguy hại phát sinh trong hoạt động phát điện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Công ty cũng chưa lập hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước mặt để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chưa tổ chức thu thập số liệu theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định.
CẦN KHẨN TRƯƠNG KHẮC PHỤC
Bộ TN-MT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc các chủ đầu tư dự án thủy điện thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn trong quá trình thực hiện dự án và khắc phục những tồn tại đã được đoàn thanh tra phát hiện. Sau khi có kết luận thanh tra của Bộ TN-MT về việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn đối với các dự án thủy điện tại tỉnh Phú Yên, UBND tỉnh đã chỉ đạo: Giao Sở TN-MT đôn đốc các chủ đầu tư dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn trong quá trình thực hiện dự án và khắc phục những tồn tại có liên quan đã được đoàn thanh tra Bộ TN-MT kết luận ngày 18/1/2013. Tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất đã giao cho dự án thủy điện để xử lý theo các quy định của pháp luật, đôn đốc các chủ dự án hoàn chỉnh hồ sơ thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật. Phối hợp với các sở Công thương, NN-PTNT thường xuyên kiểm tra, giám sát các dự án thủy điện bảo đảm dòng chảy tối thiểu như cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt để đảm bảo môi trường sinh thái và sản xuất, sinh hoạt của vùng hạ du. Giao Sở NN-PTNT căn cứ quy hoạch 3 loại rừng được rà soát theo Chỉ thị 03 ngày 5/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ để yêu cầu các chủ dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện trồng mới rừng để bù diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng thực hiện các dự án thủy điện. Chỉ đạo hoạt động của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đảm bảo các khoản thu và chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 ngày 24/9/2010 của Chính phủ. Giao Sở Công thương tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ những dự án hiệu quả kinh tế thấp, có nguy cơ gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường sinh thái.
ANH NGỌC