Xăng dầu đột ngột tăng giá, khiến doanh nghiệp và người dân không khỏi lo lắng do sức cầu đang yếu, trong khi giá đầu vào tăng.
Khách hàng mua xăng tại một đại lý trên quốc lộ 25 - Ảnh: M.DUYÊN
Từ khi có thông báo tăng giá xăng dầu từ tối 28/3, nhiều người tỏ ra bất bình với quyết định này của liên bộ Tài chính và Công thương, vì không chỉ tác động xấu đến người tiêu dùng mà cả các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải.
Với mức giá xăng dầu như hiện nay, các doanh nghiệp vận tải trong tỉnh phải tính toán đến việc tăng giá dịch vụ. Tuy nhiên, đây là vấn đề không đơn giản chút nào, vì hiện nay việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vận tải rất gay gắt. Ông Tô Kỳ Hỷ, Giám đốc điều hành Bến xe Thuận Thảo cho biết: “Xăng dầu tăng giá, chúng tôi cũng phải tăng giá cước taxi từ km thứ 2 đến km thứ 31 thêm 1.000 đồng/km để bù vào chi phí”. Còn ông Hồ Trư, Chủ DNTN Du lịch và Vận tải Cúc Tư bức xúc: “Đầu năm 2013, Chính phủ áp phí bảo trì đường bộ, mỗi tháng doanh nghiệp phải tốn thêm một khoản tiền để đóng phí, nhưng vẫn không tăng giá vận tải. Hoạt động kinh doanh vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn thêm”. “Nếu tăng giá vé thì khách hàng sẽ quay lưng lại với doanh nghiệp, còn nếu không tăng giá thì sẽ lỗ nặng. Việc tăng giá xăng dầu trong thời điểm này là không hợp lý”, ông Trư cho biết thêm.
Trong khi đó, ngư dân Võ Hội ở phường 6 (TP Tuy Hòa) than phiền: “Mỗi chuyến biển chúng tôi phải tốn ít nhất 5.000 lít dầu. Việc dầu diesel tăng 350 đồng/lít thì đẩy chi phí chuyến biển tăng thêm gần 2 triệu đồng, đó là chưa kể các mặt hàng cần thiết khác phục vụ chuyến biển. Trong khi nguồn cá và giá cá ngày càng giảm, chúng tôi cầm chắc thua lỗ”.
NGÔ XUÂN
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, quan điểm điều hành của Chính phủ và liên bộ Tài chính - Công thương là luôn xác định và cân nhắc các lợi ích và hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước, doanh nghiệp. Khi đề xuất bất kỳ phương án nào về điều hành giá xăng dầu cũng tính toán rất kỹ đến lợi ích của người dân.