Sáng 27/3, Bộ KH-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và chủ trì hội nghị.
Nhà máy đường Sơn Hòa của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam là dự án FDI có hiệu quả tại Phú Yên. Trong ảnh: Sản xuất đường RE tại Nhà máy đường Sơn Hòa - Ảnh: N.TRƯỜNG
Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết, tính đến hết tháng 2/2013, Việt Nam đã thu hút được 14.550 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 211 tỉ USD, vốn thực hiện đạt gần 100 tỉ USD. Trong những năm qua, FDI đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp vào GDP tăng dần theo từng năm và đạt khoảng 19% vào năm 2011, bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế (hiện chiếm 25% tổng vốn đầu tư xã hội); làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu (chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012); đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách (14,2 tỉ USD trong giai đoạn 2001-2010, riêng năm 2012 đóng góp khoảng 3,7 tỉ USD).
Bộ KH-ĐT đánh giá, FDI đã có tác động tích cực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành trong nền kinh tế cũng như cơ cấu nội bộ từng ngành theo hướng CNH, HĐH. FDI góp phần thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ cả về máy móc, thiết bị, tri thức và kinh nghiệm quản lý, từ đó có ảnh hưởng nhất định trong việc cải thiện trình độ công nghệ trong nước; góp phần tạo việc làm (hiện nay khu vực đầu tư nước ngoài tạo việc làm cho hơn 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3-4 triệu lao động gián tiếp), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động. FDI cũng góp phần trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp; thúc đẩy quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước; đổi mới thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về FDI.
Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực FDI còn có những hạn chế, tồn tại như hiệu quả tổng thể nguồn vốn đầu tư chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam và khả năng tham gia chuỗi giá trị thấp, định hướng thu hút FDI theo ngành, đối tác còn hạn chế; mục tiêu thu hút công nghệ, chuyển giao công nghệ chưa đạt yêu cầu; hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI sang khu vực khác của nền kinh tế còn hạn chế; một số dự án chất lượng chưa cao, quy mô dự án nhỏ, tỉ lệ giải ngân thấp so với yêu cầu…
Từ thực tiễn, kết quả 25 năm thu hút FDI, Bộ KH-ĐT đã đưa ra 6 bài học kinh nghiệm đó là: hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án FDI đang hoạt động tại Việt Nam là phương thức có hiệu quả nhất trong việc xúc tiến đầu tư; xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích liên quan đến FDI, gồm lợi ích của quốc gia, nhà đầu tư, người lao động và lợi ích của cộng đồng dân cư; thường xuyên cải thiện môi trường đầu tư nhằm bảo đảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, phát huy tối đa lợi thế của Việt Nam; chú trọng nâng cao năng lực phản ứng chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp; nâng cao chất lượng FDI thay vì chú trọng số lượng, hướng tới phát triển bền vững phải trở thành xu thế chủ đạo trong hoạt động FDI.
Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao những thành tựu và các bộ, ngành, địa phương đạt được trong thu hút FDI trong 25 năm qua. Thủ tướng cũng cảm ơn các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư và gắn bó với Việt Nam suốt những năm qua.
Để phát huy những thành tựu, khắc phục những nhược điểm trong thu hút FDI trong 25 năm qua nhằm tạo môi trường đầu tư tốt hơn nữa, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cần: Một là, rà soát, tập trung thu hút FDI vào các dự án có quy mô lớn, đặc biệt là các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Hai là, rà soát, bổ sung các quy định về: tiêu chí công nghệ cao (ưu tiên công nghệ thông tin và công nghệ sinh học); dự án công nghiệp hỗ trợ; bổ sung thể chế, quy chế ưu đãi đầu tư vào thị trường vốn, thị trường tài chính; quy định rõ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ba là, tập trung rà soát, nâng cao chất lượng quy hoạch; công khai quy hoạch; tăng cường quản lý nhà nước vào giám sát quy hoạch. Bốn là, hoạt động xúc tiến đầu tư phải có trọng tâm trọng điểm, có sự điều phối trong cả nước; tránh chồng chéo, khắc phục cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút FDI giữa các địa phương, không phù hợp với quy định của pháp luật. Năm là, hoàn thiện cơ chế phân cấp nhằm phát huy chủ động của địa phương, tạo sự quản lý hiệu quả của cơ quan nhà nước và tạo điều kiện để nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả cao trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phải phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương; nâng cao tính chủ động, tính tự chịu trách nhiệm của địa phương trong thu hút và sử dụng vốn FDI.
N.TRƯỜNG (tổng hợp TTXVN, VOV)