Để chuyển hóa tiềm năng và lợi thế kinh tế trong cạnh tranh khu vực và toàn cầu, trước hết cần phải có sự tiếp cận theo quy mô vùng, đầu tư có trọng điểm, hình thành những “cụm liên kết sản xuất”; đồng thời tạo sự đột phá về thể chế và kết cấu hạ tầng. Làm được điều này, duyên hải miền Trung sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Quang cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung - Ảnh: P.M
LỢI THẾ TỪ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Khu vực duyên hải miền Trung với 9 tỉnh/thành phố trải dài theo bờ biển 1.400km, là mặt tiền của đất nước hướng ra biển Đông, là cửa ngõ giao thương với các nước trong khu vực, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế biển.
Các tỉnh này sở hữu các bãi biển đẹp như Lăng Cô, Non Nước, Cửa Đại, Nha Trang, Mũi Né, các vịnh, bán đảo, đảo và quần đảo… là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch biển đảo, công nghiệp khai thác, chế biển thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài ra, trong vùng còn hội tụ 4 di sản văn hóa thế giới là điều kiện thuận lợi phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tài nguyên khoáng sản của vùng cũng rất phong phú như titan, vàng sa khoáng, sắt, nhôm, đá… Đặc biệt, ở đây còn có các mỏ sa khoáng với các nguyên tố hiếm, vật liệu xây dựng, các mỏ dầu và nguồn năng lượng gió.
Lợi thế về điều kiện tự nhiên, cùng chính sách đặc thù của các địa phương đã mang lại những kết quả nhất định trong thu hút đầu tư trong những năm trở lại đây. Theo thống kê, tổng vốn đầu tư của toàn vùng từ năm 2007 đến 2012 trên 605.000 tỉ đồng, tăng dần qua các năm, bình quân đạt gần 11%. Lũy kế đến năm 2012, toàn vùng đã thu hút được 709 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 25.250 triệu USD, chiếm 12,14% tổng vốn đăng ký của cả nước. Bên cạnh đó, chuỗi đô thị các khu vực kinh tế, khu công nghệ cao cũng được hình thành với cơ sở hạ tầng khá tốt, gần cảng biển, sân bay, có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng đưa vùng duyên hải miền Trung phát triển kinh tế năng động theo sự phát triển chung của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 12,5%/năm giai đoạn 2006-2011, GDP bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ, công nghiệp.
TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT VÙNG
Theo ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, kiêm Trưởng ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung, quá trình phát triển của vùng đã bộc lộ những khó khăn, bất cập cần phải xem xét giải quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là tỉ trọng ngành nông nghiệp của vùng còn cao, vốn đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, chưa đồng bộ là những bài toán đòi hỏi phải có lời giải đáp.
Nói về triển vọng cải thiện môi trường đầu tư vùng duyên hải miền Trung, tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm tư vấn Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung, cho rằng lợi thế về tự nhiên và lao động chỉ phát huy khi có nhân tố tác động mang tính đột phá. Việc phát huy lợi thế tự nhiên đòi hỏi các hoạt động kinh tế trong vùng phải đạt được độ tập trung nhất định để đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Đơn cử tại Quảng Nam có công nghiệp ô tô, Quảng Ngãi có lọc hóa dầu và thiết bị công nghiệp nặng, đóng vai trò dẫn dắt tại các khu kinh tế.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, liên kết là giải pháp tối ưu nhằm đưa vùng duyên hải miền Trung trở thành một không gian kinh tế thống nhất, phát huy lợi thế của từng địa phương, tạo ra sự phát triển hài hòa, bền vững vì lợi ích của từng địa phương và của toàn vùng, đồng thời hạn chế sự “cạnh tranh” bất hợp lý. Thứ trưởng Đặng Huy Đông đề nghị các địa phương trong vùng cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp theo quy hoạch; đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ các nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng; tiếp tục thu hút đầu tư các lĩnh vực có lợi thế đặc thù, như công nghiệp nặng, lọc hóa dầu, công nghiệp chế biến, lắp ráp, sản xuất ô tô, phát triển các loại hình du lịch đa dạng… Ngoài ra, các địa phương cũng cần ưu tiên nguồn vốn để phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ, cầu, cảng… nối liền với các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm giảm thời gian, chí phí vận chuyển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các khu kinh tế trọng điểm của vùng.
NAM - PHONG