Thực hiện Chỉ thị số 22 của UBND tỉnh, HTX sản xuất gạch, ngói Hiệp Thành (HTX Hiệp Thành) cùng hơn 100 lò gạch thủ công nằm dọc quốc lộ 29 thuộc xã Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) đã thống nhất di dời và sử dụng lò công nghiệp vào sản xuất gạch, ngói. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ về vốn và các chính sách ưu đãi thì HTX Hiệp Thành không thể di dời và tiếp tục hoạt động.
Lao động của HTX Hiệp Thành đang cắt nguội ngói - Ảnh: M.DUYÊN
Ông Trần Thái Bảo, Chủ nhiệm HTX Hiệp Thành cho biết, sản phẩm gạch, ngói Hiệp Thành có màu đỏ dịu, không thấm nước, chịu nhiệt tốt, phù hợp cho xây dựng nhà ở hộ gia đình. Sau nhiều năm tìm kiếm mở rộng thị trường, gạch, ngói của HTX Hiệp Thành không chỉ có mặt tại các đại lý trên địa bàn huyện Đông Hòa mà đã mở rộng đến một số huyện lân cận như Sông Hinh, Tây Hòa… Thế nhưng khi có chủ trương loại bỏ dần lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, có hại cho sức khỏe người dân, HTX thống nhất trình UBND huyện Đông Hòa phương án di dời vào cuối năm 2013. Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với HTX là vốn. Không tính các chi phí khác, chỉ riêng việc đầu tư xây dựng một lò gạch công nghiệp đạt chuẩn lên tới 1-1,5 tỉ đồng.
HTX Hiệp Thành hiện có hơn 50 lao động, chia làm 4 tổ sản xuất, trong đó lao động chính 20 người, lao động thời vụ hơn 30 người. Năm 2012, HTX sản xuất gần 90.000 viên ngói; 160.000 viên gạch, doanh thu đạt gần 200 triệu đồng. Lao động được trả lương bình quân 2-2,5 triệu đồng/tháng. Lao động thời vụ trả khoán công nhật với giá 60.000-70.000 đồng/ngày công. Với doanh thu này, HTX chỉ đủ trả lương công nhân và trang trải các chi phí khác mà không có tích lũy để tái đầu tư mở rộng sản xuất. “Để xây được lò sản xuất gạch công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường, HTX đã tìm cách vay vốn ngân hàng, nhưng do không có tài sản thế chấp nên ngân hàng từ chối. Không có lò gạch theo tiêu chuẩn thì không thể tiếp tục sản xuất…”, ông Trần Thái Bảo cho biết.
Ông Trần Phú Sơn, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) cho biết, năm 2013 UBND huyện kết hợp với UBND xã thực hiện giải tỏa các lò gạch thủ công dọc quốc lộ 29 theo Chỉ thị 22 của UBND tỉnh, nhằm chấm dứt tình trạng khai thác đất ruộng không theo quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường. UBND xã có đề án giải quyết việc làm cho số lao động thất nghiệp tạm thời khi các lò gạch không còn hoạt động, như dạy nghề thủ công, đồng thời tìm việc làm thông qua các hội chợ tuyển dụng lao động. Riêng với HTX Hiệp Thành sẽ định hướng chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh.
BẠCH VÂN