Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên, việc mua bán trả góp thông qua các công ty tài chính rất phổ biến, được nhiều người tiêu dùng và nhà phân phối hàng hóa đón nhận. Tuy nhiên, lãi suất 5,67%/tháng (tương đương 68,04%/năm) là không thể chấp nhận được. Người tiêu dùng khi vay theo hình thức trả góp cần đọc kỹ tất cả các điều, khoản trong hợp đồng và cảnh giác với lãi suất cao.
Quầy giao dịch của Công ty PPF tại 04 Lê Lợi, TP Tuy Hòa - Ảnh: A.NGỌC
LÃI SUẤT CAO NGẤT NGƯỞNG
Đa số nhu cầu của người vay theo hình thức trả góp thuộc những trường hợp mua xe máy, máy tính để làm việc hoặc mua ti vi, tủ lạnh để nâng cao chất lượng cuộc sống… Hầu hết họ là người nghèo; khoản tiền vay không nhiều, khoảng vài chục triệu đồng trở lại, mục đích vay tiêu dùng rõ ràng nên rủi ro rất thấp. Bà Phùng Thị Kim Dung ở thôn Vĩnh Phú (xã Hòa An, Phú Hòa) mua một chiếc xe máy cho con đi làm, nhưng không đủ tiền nên chọn hình thức mua trả góp. “Quầy giao dịch nằm ngay trong cửa hàng bán xe, thủ tục vay nhanh gọn, chỉ cần sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân và kê khai một số tài sản khác để thế chấp. Sau khi ký đầy đủ các thủ tục vay thì tôi đem xe về nhà, nhưng giấy tờ xe do bên cho vay giữ, khi nào trả nợ vay đủ thì họ trả lại cho mình”, bà Dung nói.
Bà Dung cho biết, bà ký hợp đồng vay với Công ty TNHH một thành viên Tài chính PPF Việt Nam (Công ty PPF) vào ngày 21/1/2013, với lãi suất 5,67%/tháng (68,04%/năm), số tiền là 19,4 triệu đồng, thời hạn vay 12 tháng, vào ngày 21 hàng tháng phải trả 2,286 triệu đồng. Từ ngày vay đến nay chưa được 2 tháng, bà đã trả cho Công ty PPF 12 triệu đồng (ngày 18/2: 5 triệu đồng, ngày 20/2: 5 triệu đồng và ngày 5/3: 2 triệu đồng). Ngày 6/3, bà đến quầy giao dịch của Công ty PPF ở địa chỉ 04 Lê Lợi, TP Tuy Hòa để trả số tiền vay còn lại. Sau khi tính toán, bà Ngô Thị Hằng (nhân viên Công ty PPF) bảo bà phải trả số tiền còn lại là 13.582.520 đồng thì mới đủ điều kiện chấm dứt hợp đồng, nếu không đồng ý thì cứ trả theo hàng tháng. Tính ra, số tiền vay là 19,4 triệu đồng, nhưng chưa được 2 tháng mà phải trả lãi hơn 6,1 triệu đồng thì lãi suất này còn cao hơn nhiều lần so với vay nóng bên ngoài.
Nếu có sự hài hòa quyền lợi giữa người tiêu dùng - nhà sản xuất - người bán hàng - công ty tài chính sẽ thúc đẩy việc mua sắm của người dân, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Hiện nay, một số ngân hàng cho vay với lãi suất khoảng trên 15%/năm, đã cho là cao; trong khi một số công ty tài chính cho vay ngắn hạn nhưng với lãi suất trên 68%/năm là không thể chấp nhận được. Mức lãi suất quá cao mà các công ty tài chính áp dụng trong việc mua bán trả góp hiện nay đang trở thành lực cản của chủ trương khuyến khích tiêu dùng xã hội.
NGƯỜI VAY HÃY CẢNH GIÁC
Được biết, Công ty PPF là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động 50 năm kể từ năm 2008 ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Liên quan đến việc thực hiện lãi suất cho vay tiêu dùng và thu phí cho vay đối với khách hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các công ty tài chính 100% vốn nước ngoài phải thực hiện phương thức tính lãi, áp dụng lãi suất cho vay trong phương thức cho vay và trả góp mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản ban hành.
Các công ty tài chính 100% vốn nước ngoài phải thực hiện niêm yết công khai lãi suất thực tế cho vay và mức thu phí cho vay đối với khách hàng tại trụ sở chính và các điểm giới thiệu dịch vụ của công ty… Tuy nhiên, tại quầy giao dịch của Công ty PPF ở 04 Lê Lợi, TP Tuy Hòa có niêm yết mức lãi suất là 2,77%/tháng, nhưng thực tế cho vay với mức lãi suất 5,67%/tháng (tương đương 68,04%/năm). Mới đây, ngày 13/3, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phú Yên đã lập biên bản vi phạm đối với quầy giao dịch của Công ty PPF ở địa chỉ 04 Lê Lợi, TP Tuy Hòa về vấn đề niêm yết công khai lãi suất cho vay và lãi suất thực tế đang cho vay. Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Phú Yên, cho biết: “Đơn vị sẽ có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức thanh tra trên phạm vi toàn quốc đối với Công ty PPF và có hình thức xử lý nghiêm”.
Với loại hình vay trả góp của một số công ty tài chính, ngoài lãi suất cao ngất ngưởng thì một điều phi lý khác đó là đến tháng cuối cùng vẫn phải trả lãi suất bằng khoản vay ban đầu, đây chỉ như một hình thức cho vay nóng. Ông Lê Thanh Tại, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, khuyến cáo: “Các công ty tài chính và người tiêu dùng khi thực hiện hợp đồng mua hàng hóa trả góp cần phải tuân thủ quy định của pháp luật về mức lãi suất cho phép để đưa ra mức lãi suất hợp lý và hợp pháp, nhằm bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên. Người tiêu dùng khi đi vay theo hình thức trả góp cần đọc kỹ tất cả các điều, khoản trong hợp đồng và cảnh giác với lãi suất cao, nên chọn lãi suất theo dư nợ giảm dần, vì đây mới là lãi suất thực. Khi biết lãi suất thực thì sẽ dễ quyết định nên vay hay không vay”.
Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên Lê Thanh Tại cho biết: Hiện nay, mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là 9%/năm. Theo quy định tại Điều 476 của Bộ luật Dân sự, mức lãi suất cao nhất mà các bên được quyền thỏa thuận trong việc trả lãi vay tài sản là 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Trường hợp bên cho vay quy định mức lãi suất gấp 10 lần trở lên mức lãi suất cao nhất ở trên, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng theo quy định tại Điều 163 của Bộ luật Hình sự.
ANH NGỌC