Thứ Tư, 09/10/2024 05:26 SA
Gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điều:
Ngân hàng Nhà nước vào cuộc
Thứ Sáu, 08/03/2013 14:00 CH

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa có văn bản phúc đáp Công văn 120/UBND-KT ngày 11/1/2013 của UBND tỉnh về việc đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hạt điều ở Phú Yên. Theo đó, các doanh nghiệp đủ điều kiện mà chưa được vay vốn ngân hàng cần có văn bản báo cáo NHNN để được xem xét, xử lý.

 

dieu130308.jpg

Cắt tách hạt điều ở Công ty TNHH Hòa Lâm (Phú Hòa) - Ảnh: L.HẢO

CỨU DOANH NGHIỆP, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

 

Những năm qua, sản xuất nhân hạt điều xuất khẩu là một trong những ngành hàng chủ lực của Phú Yên. Hàng năm, các doanh nghiệp ngành này giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế thế giới, lãi suất ngân hàng vẫn còn ở mức cao, thị trường đầu ra bị thu hẹp, giá cả giảm mạnh, hàng tồn kho còn nhiều... đã làm cho các doanh nghiệp ngành điều trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Mặc dù tỉnh đã có nhiều giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn, thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp ngành điều theo chủ trương chung của Chính phủ, nhưng các doanh nghiệp này vẫn chưa hết khó. Hiện một số đơn vị có nguy cơ phá sản, không có khả năng trả lương cho công nhân; số khác thu hẹp quy mô, sản xuất cầm chừng, làm cho hơn 5.000 lao động mất việc làm.

 

Theo UBND tỉnh, việc tháo gỡ khó khăn cho ngành điều không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là đảm bảo an sinh xã hội, nhất là giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn. Vì vậy, để giúp các doanh nghiệp sản xuất nhân hạt điều ở Phú Yên trụ vững trong thời điểm hiện nay, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho ngành điều, trong đó tập trung các giải pháp về tín dụng, chính sách hỗ trợ mua nguyên liệu, kéo dài thời gian nộp thuế, hỗ trợ xúc tiến thương mại... Đặc biệt, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhân hạt điều được hưởng các chính sách ưu đãi tín dụng tương tự như đối với cá ba sa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giúp các doanh nghiệp có điều kiện khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh. UBND tỉnh cũng đề nghị NHNN quan tâm chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại xem xét giải thế chấp, hạ lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ cũ tiếp tục cho vay mới; đồng thời nghiên cứu tăng hạn mức tín dụng, không chặn dòng tài chính... để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất hạt điều ở Phú Yên tiếp cận được nguồn vốn mới, phục hồi sản xuất kinh doanh, có kinh phí trả lương cho công nhân, trả nợ ngân hàng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

BÁO CÁO CỤ THỂ TỪNG TRƯỜNG HỢP KHÓ KHĂN

 

Theo phúc đáp của NHNN, để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất cho các doanh nghiệp, thời gian vừa qua, NHNN đã chỉ đạo tổ chức tín dụng tập trung đảm bảo nguồn vốn cho vay đối với các lĩnh vực được ưu tiên gồm nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; trong đó có các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hạt điều. Mặt khác, trong năm 2012, NHNN đã 5 lần liên tiếp điều chỉnh giảm lãi suất huy động tối đa làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay và quy định trần lãi suất cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn là 12%/năm (giảm 5-8% so với năm 2011). Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát đánh giá để cơ cấu và điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ đối với những khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có khả năng trả nợ để các doanh nghiệp có điều kiện cơ cấu lại sản xuất.

 

Hiện khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất chế biến và xuất khẩu hạt điều trên địa bàn Phú Yên cũng là khó khăn chung của ngành điều Việt Nam. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn cho ngành điều cần sự phối kết hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành có liên quan như Công thương, Tài chính, NN-PTNT… trong việc xúc tiến thương mại, giảm tồn kho cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới với lãi suất phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điều nói riêng. Nếu các doanh nghiệp ở Phú Yên đủ điều kiện mà chưa vay được vốn ngân hàng, thì cần có văn bản báo cáo NHNN từng trường hợp cụ thể để được xem xét, xử lý.

 

Theo UBND tỉnh, đến cuối năm 2012, tồn kho sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điều ở Phú Yên là 850 tấn, tương đương với 112,6 tỉ đồng; tồn kho nguyên liệu là 22.356 tấn, tương đương 575,7 tỉ đồng; tổng dư nợ hơn 771 tỉ đồng. Mặc dù, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại nợ vay và điều chỉnh toàn bộ dư nợ lãi suất bằng đồng Việt Nam xuống dưới 14%/năm, nhưng nợ xấu của các doanh nghiệp này vẫn ở mức 57,3 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek