Ngoài hàng loạt khó khăn như chi phí cao, ngư trường không ổn định… những chủ tàu đánh bắt cá ngừ đại dương ở Phú Yên luôn canh cánh một nỗi lo: bị ép giá.
Do chưa có kỹ thuật sơ chế và thông tin về giá cả nên ngư dân Phú Yên luôn bị ép giá trong tiêu thụ cá ngừ đại dương – Ảnh: Ly Kha
CÁC ĐẦU NẬU CHI PHỐI GIÁ CÁ
Theo một số chủ tàu, trung bình chi phí cho mỗi chuyến đi biển hiện nay là 50 triệu đồng, nếu tính cả mồi câu (mực) thì phải 70 triệu đồng. Trong khi đó, giá cá không hề tăng so với năm ngoái. Ông Đỗ Năm, chủ tàu PY 92160 TS ở phường 6 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Chuyến biển vừa rồi, tôi bán cá tại bến này với giá 75.000đồng/kg. Trong khi đó, tại Bình Định các thương lái mua với giá 95.000 đồng và giá cá tại Khánh Hòa là 105.000 đồng. Lâu nay, giá cá ngừ đại dương ở Tuy Hòa luôn thấp hơn các tỉnh lân cận. Song nếu đem cá đi bán ngoài tỉnh cũng chẳng được vì các đầu nậu đã liên kết, thống nhất giá cả rồi”.
Bà Nguyễn Thị Thúy Ái, chủ tàu PY 90260 TS cho biết thêm: “Phần lớn các chủ tàu đều phải ứng tiền trước từ các đầu nậu để lo phí tổn. Cá vô bờ, không bán cho họ thì bán cho ai? Những người không ứng tiền trước cũng vẫn cứ theo giá đó mà bán, không thể khác được”.
Chủ tàu Lê Khắc Tâm ở phường 6 bức xúc: “Thường vào đầu mùa, các đầu nậu mua cá với giá cao, có khi 100.000 đồng/kg. Các tàu đang ở ngoài khơi dù chưa đánh bắt được nhiều cũng vội vã chạy vào. Đến khi cá vô bờ nhiều thì các đầu nậu hạ giá ngay, thậm chí chỉ còn 50.000đồng/kg. Do bị lỗ, các tàu nằm bờ nên các đầu nậu lại tăng giá mua lên 60.000 – 65.000đồng/kg. Thương lái mua cá ngừ đại dương toàn là những người ở xa đến còn các cơ quan chức năng địa phương không hề can thiệp vào”.
Tâm trạng của những chủ tàu đánh bắt cá ngừ là luôn phập phồng âu lo. Nếu không ra khơi thì lấy đâu ra tiền trả lãi vay? Còn ra khơi mà nguồn cá cũng như giá cả đều “u u minh minh” như vậy thì không chỉ lỗ công, lỗ tổn mà những chuyến đi sau sẽ không tìm đâu ra bạn đi biển.
NGƯ DÂN KHÔNG LÀM CHỦ CHẤT LƯỢNG CÁ
Cách bảo quản cá ngừ đại dương hiện nay của ngư dân Phú Yên còn rất lạc hậu. Cá được ướp lạnh bằng đá xay, câu được con nào thì moi bỏ mang và ruột gan. Rửa sạch và cho cá nằm sấp, lấp đá lại. Do đá để lâu (15 – 30 ngày) nên chất lượng không tốt, dẫn đến cá ướp cũng không đạt chất lượng. Khi bán, số cá này dễ bị loại ra hoặc mua với giá thấp hơn nhiều.
Ông Đỗ Năm kể: “Chúng tôi nhìn thấy các tàu nước ngoài được trang bị phương tiện hiện đại mà phát ham. Tàu của họ có máy đông lạnh hiện đại, cá đưa vào được treo đứng lên, vì thế chất lượng rất tốt. Giá cá từ các tàu này cao gấp 3 – 4 lần so với của chúng ta. Riêng bộ phận làm lạnh, mỗi tàu họ đã đầu tư hơn 400 triệu đồng. Ngư dân Phú Yên làm sao có đủ tiền đầu tư như họ?
Ông Đào Thiên Tấn, Giám đốc DNTN Tấn Thành (TP Tuy Hòa) cho biết: “Khi bán cá người ta bảo cá hư nhưng hư như thế nào người dân cũng chẳng biết vì nhìn bên ngoài chúng hoàn toàn giống nhau. Về mặt chất lượng cũng như giá cả, lâu nay chưa có ai tư vấn giúp cho ngư dân. Nhà nước nên sớm có sự can thiệp để đảm bảo quyền lợi cho ngư dân”.
LIÊN KẾT ĐỂ “HÓA GIẢI” KHÓ KHĂN
Giám đốc Văn phòng Hàng rào kỹ thuật trong thương mại Việt Nam (TBT) Lê Quốc Bảo cho rằng: “Để giảm bớt những khó khăn của ngư dân trong tiêu thụ cá ngừ đại dương, chúng ta cần có sự liên kết. Các ngư dân tập hợp lại để thành lập hội đánh bắt, chế biến và bán cá ngừ nhằm đảm bảo lợi nhuận cao nhất trong hoạt động này. Hiệp hội này sẽ đề ra những quy chế cụ thể, lúc nào thì nên bán, con cá nào nên bắt và con nào không nên. Ngoài ra hiệp hội cần phối hợp với các doanh nghiệp đánh bắt cá hiện đại để có thể bán cá ngay cho người Việt
Minh Châu