Nhiều nông dân ở huyện Sông Hinh, Tây Hòa đang phấn khởi vì mía bán được giá, được Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa áp dụng các chính sách ưu đãi.
Xe tải vận chuyển mía về Nhà máy đường Tuy Hòa, vụ ép mía 2013 - Ảnh: H.NAM
THU NHẬP CAO TỪ CÂY MÍA
Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa khởi động vụ ép mía niên vụ 2012-2013 từ ngày 7/1, với giá thu mua 900.000 đồng/tấn mía sạch 10 chữ đường tại ruộng. Bên cạnh đó, công ty còn áp dụng chính sách khuyến khích đối với mía có chữ đường từ 11 đến dưới 12 chữ đường được cộng thêm vào đơn giá thanh toán 50.000 đồng/tấn mía sạch, còn mía có từ 12 chữ đường trở lên được cộng thêm 80.000 đồng/tấn.
Những ngày qua, tuy trời mưa nhưng vẫn có hàng chục xe tải vận chuyển mía về nhà máy của Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa. Vừa bán mía xong, ông Phan Quốc Phong ở xã Hòa Phong (Tây Hòa) cho hay: “Vụ mía này gia đình tôi bán hơn 100 tấn mía R759 với giá 900.000 đồng/tấn, thu hơn 90 triệu đồng”. Theo ông Phong, vụ mía năm nay, nếu thu hoạch mía sạch, dưới 2% tạp chất thì được công ty cộng thêm 20.000 đồng/tấn cho mía 10 chữ đường.
Thống kê của Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa, từ khi khởi động vụ mía đến ngày 20/1, công ty thu mua 13.950 tấn mía, trong đó có 13.188 tấn mía sạch, tập trung ở huyện Tây Hòa và Sông Hinh. Số tiền nông dân được hưởng lợi từ bán mía sạch cho công ty gần 26 triệu đồng.
Với giá mía như hiện nay, cộng với những chính sách khuyến khích, nhiều người trồng mía thu về hàng trăm triệu đồng, cá biệt có người thu về tiền tỉ. Ông Nguyễn Xuân Hiệu ở xã Ea Ly (Sông Hinh), trồng 1,6ha mía, nhờ đầu tư chăm sóc tốt nên năng suất mía đạt gần 100 tấn/ha. Theo ông Hiệu, với giá mía như hiện nay, ông thu gần 1,5 tỉ đồng, chưa trừ chi phí.
Trang trại mía của ông Nguyễn Văn Mỹ ở xã Ea Ly rộng 2,6ha cũng đang được thu hoạch. Ông Mỹ cho hay, với diện tích mía này sau khi trừ chi phí, ông có thể thu về hơn 1 tỉ đồng.
ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG
Hiện tại Nhà máy đường Tuy Hòa hoạt động với công suất 2.350 tấn/ngày, dự kiến trong thời gian tới nhà máy sẽ nâng công suất lên 2.500 tấn/ngày. Việc nâng công suất nhà máy cũng sẽ nâng diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu mía từ 6.000ha lên 10.000ha, trong đó huyện Sông Hinh 8.000ha và huyện Tây Hòa 2.000ha. Thời gian qua, Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa cũng đã triển khai các chính sách ưu đãi đến người trồng mía. Ngoài việc đầu tư mía giống, phân bón, hợp đồng bao tiêu sản phẩm... công ty còn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ việc trồng và vận chuyển mía về nhà máy. Mới đây, công ty đầu tư hơn 200 triệu đồng nâng cấp đường vào ruộng mía khu vực Gò Duối, xã Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa), để xe vào tận ruộng vận chuyển mía. Niên vụ trước, công ty cũng đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng san lấp mặt đường của các tuyến đường đi vào vùng nguyên liệu mía của mình.
Theo nhiều nông dân, khó khăn nhất hiện nay là trên một cánh đồng trồng mía rộng lớn không có đường nội đồng. Người xuống giống trước, người thì trồng sau, khi những ruộng mía giữa đồng chín trước phải chờ những ruộng mía gần đường thu hoạch thì mới thu hoạch theo, làm ảnh hưởng đến chất lượng mía. Ngoài ra, xe vận chuyển mía cũng gặp nhiều trở ngại do đường bị sình lún khi có mưa, dẫn đến tiến độ thu hoạch bị chậm.
Ông Lê Tấn Đàm, Phó giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa cho biết: “Công ty đang từng bước nâng công suất ép mía của nhà máy, bảo đảm tiêu thụ hết mía và mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Bên cạnh đó, công ty còn đẩy mạnh chính sách đầu tư giống, giao thông, thủy lợi, đưa khoa học kỹ thuật vào đồng mía; có chính sách thu mua mía ngay từ đầu vụ để nông dân yên tâm sản xuất.
MẠNH HOÀI NAM