Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, người Phú Yên ưu tiên dùng hàng Phú Yên”, ngày càng có nhiều sản phẩm địa phương được bày bán tại siêu thị. Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh quảng bá sản phẩm truyền thống của địa phương ra thị trường.
Các đặc sản của địa phương được bán tại một siêu thị ở TP Tuy Hòa - Ảnh: N.XUÂN
NÂNG CAO UY TÍN SẢN PHẨM
Phú Yên có nhiều đặc sản nổi tiếng như các loại thủy, hải sản tươi sống; hải sản chế biến sẵn, bò một nắng, mực một nắng, bánh tráng, nước mắm, rượu Quán Đế, cà phê… trong đó có nhiều đặc sản nổi tiếng trong cả nước, được người tiêu dùng các nơi đánh giá cao. Hiện các sản phẩm này chủ yếu được phân phối theo phương thức truyền thống, tự phát theo kiểu mua đi, bán lại, mua đứt bán đoạn. Các đặc sản của Phú Yên vẫn chưa xây dựng được thương hiệu mạnh như một số sản phẩm của các địa phương khác; hàng hóa mặc dù có chất lượng nhưng vẫn chưa mang lại lợi nhuận và giá trị tương xứng cho người sản xuất.
Để nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, nhiều cơ sở sản xuất đã chú ý đến việc xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là đưa sản phẩm vào bày bán tại các trung tâm mua sắm hiện đại. Hàng hóa nơi đây luôn phải đáp ứng các nhu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, mẫu mã và cả các chính sách chăm sóc khách hàng. Do vậy, ngày càng có nhiều người tiêu dùng tin tưởng và chọn kênh phân phối này cho nhu cầu mua sắm hàng ngày của gia đình. Việc đưa hàng vào các trung tâm mua sắm sẽ giúp hàng địa phương được giới thiệu, quảng bá, nâng cao uy tín sản phẩm; tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Ông Phạm Văn Cảnh, chủ cơ sở nước mắm Tân Lập, phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) cho biết: Việc đưa được sản phẩm nước mắm Tân Lập vào bán tại siêu thị đã giúp cơ sở mở thêm kênh tiêu thụ mới, từng bước khẳng định chất lượng, uy tín đối với khách hàng. Đây là một lợi thế lớn của doanh nghiệp khi giao tiếp, quảng bá sản phẩm.
Hiện có 24 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh cung cấp hàng hóa cho Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, với hàng trăm loại hàng, trong đó chủ yếu là thực phẩm tươi sống và thực phẩm công nghệ, như đường KCP, cà phê Tùng, cà phê Hương Hương, bánh tráng Hòa Đa, rượu Quán Đế, nước mắm Tân Lập, khô bò Dậu, bò một nắng Hà Trung, hải sản Trang Thủy... Đối với những sản phẩm có doanh thu lớn và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng sẽ được siêu thị giới thiệu đến các siêu thị lân cận thuộc hệ thống Co.opMart hoặc đưa vào tiêu thụ trên toàn hệ thống trong cả nước.
CẦN SỰ PHỐI HỢP
Theo quy định của hệ thống Co.opMart, các sản phẩm địa phương muốn được vào bán tại siêu thị phải đáp ứng một số yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, hồ sơ công bố quy trình sản xuất, giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm, đăng ký kinh doanh… theo đúng quy trình của hệ thống để đảm bảo nguồn gốc và chất lượng hàng hóa. Trong khi đó, phần lớn các sản phẩm là đặc sản của địa phương đều được làm từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, ở khu vực nông thôn nên việc làm hồ sơ, thủ tục rất khó khăn nếu không nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các ngành chức năng. Ông Lê Đức Thành ở làng nghề bánh tráng Hòa Đa (Tuy An) chia sẻ: Năm trước, tôi tính đưa sản phẩm của mình vào siêu thị, nhưng thấy thủ tục phức tạp quá, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp; lại không được hướng dẫn cụ thể nên đành bỏ cuộc. Còn theo chị Nguyễn Thị Hà, chủ cơ sở bò một nắng hai sương Hà Trung (Sơn Hòa) thì để tăng cường quảng bá sản phẩm địa phương cần sự chung tay, hỗ trợ tích cực từ các ngành, các cấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở hoàn tất các thủ tục cần thiết. Có như vậy các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mới mạnh dạn đầu tư, phát triển sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lài, Phó giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa cho biết: Ngoài nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, hiện nhu cầu mua hàng đặc sản địa phương làm quà tặng rất lớn, nên chúng tôi muốn tập trung các đặc sản địa phương về siêu thị để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Do vậy, siêu thị luôn tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất ở địa phương đưa hàng hóa vào bày bán để làm phong phú hơn nguồn hàng địa phương.
Ông Huỳnh Công Điềm, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: Ngoài việc hỗ trợ làm bao bì sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, Sở Công thương vẫn chưa được bố trí kinh phí để hỗ trợ các cơ sở sản xuất làm các thủ tục đưa hàng hóa vào siêu thị. Do vậy, việc vận động đưa hàng vào siêu thị cũng như quảng bá cho các đặc sản của địa phương vẫn còn nhiều hạn chế.
NGÔ XUÂN