Thứ Năm, 10/10/2024 01:19 SA
Làng nghề chế biến nước mắm và cá cơm Hòa An (TX Sông Cầu):
Cần đầu tư để phát triển bền vững
Thứ Ba, 26/02/2013 14:30 CH

Làng nghề chế biến nước mắm và cá cơm Hòa An, xã Xuân Hòa (TX Sông Cầu) được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận từ đầu năm 2009. Tuy nhiên, đến nay quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, còn xảy ra ô nhiễm môi trường…

 

Cacom130226.jpg

Phơi cá cơm tại làng nghề chế biến nước mắm và cá cơm Hòa An (xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu) - Ảnh: A.NGỌC

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

 

Thôn Hòa An, xã Xuân Hòa (TX Sông Cầu) hiện có khoảng 450 hộ với 2.700 người sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. Với lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương nên nghề chế biến nước mắm và cá cơm khô đã hình thành và đi vào sản xuất ổn định hơn 20 năm qua, giải quyết được việc làm cho một lực lượng lớn lao động trong và ngoài xã có thu nhập ổn định.

 

Đầu năm 2009, làng nghề chế biến nước mắm và cá cơm Hòa An được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận làng nghề. Tuy nhiên, đến nay quy mô sản xuất của làng nghề vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình tự bỏ vốn và tổ chức sản xuất, sau đó tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Theo UBND xã Xuân Hòa, tại thôn Hòa An có khoảng 80 cơ sở chế biến cá cơm khô và nước mắm, mỗi cơ sở thu hút hàng chục lao động. Đa phần các chủlò trụng cá có số vốn nhỏ, thuê mướn lao động tại chỗ, vì đây là nghề làm theo mùa vụ nên không dám đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Công nghệ trụng cá còn thô sơ, chưa có máy móc hiện đại nên sản phẩm chưa đạt yêu cầu đối với thị trường thế giới. Mặc dù trữ lượng nguồn cá cơm đánh bắt được ở địa phương là rất lớn, sản phẩm cá cơm khô được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, nhưng do kỹ thuật bảo quản, hấp trụng chưa tốt nên tỉ lệ cá đạt tiêu chuẩn không cao. Ông Trương Quyết Hiển, một trong những chủ lò trụng cá ở thôn Hòa An, cho biết: “Lò trụng cá của gia đình tôi hàng ngày có khoảng 20 người làm việc. Vì làm theo mùa vụ nên có ngày chế biến 3-4 tấn cá, nhưng có tháng chơi không. Công việc trụng cá ở đây chủ yếu theo truyền thống, chúng tôi cũng không đủ vốn để đầu tư công nghệ hiện đại. Chính vì vậy mà sản phẩm của làng nghề hiện nay làm ra có giá thấp hơn một số địa phương khác”.

 

Theo UBND xã Xuân Hòa, việc tỉnh công nhận làng nghề là tạo điều kiện tốt cho làng nghề phát triển ổn định theo hướng bền vững, đồng thời các hộ sản xuất ở đây có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm hiện nay của làng nghề chưa cao, các hộ sản xuất chưa liên kết với nhau, mạnh ai nấy làm nên không tạo được thương hiệu riêng cho sản phẩm của làng nghề.

 

CẦN ĐẦU TƯ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

 

Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, sau khi được công nhận làng nghề nước mắm và chế biến cá cơm Hòa An, UBND tỉnh đã phân bổ 700 triệu đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của làng nghề. Địa phương đã quy hoạch khu vực làng nghề, đầu tư xây dựng sân phơi rộng khoảng 2.000m2 trên diện tích đất được quy hoạch là 5.000m2 và bàn giao đưa vào sử dụng từ cuối năm 2011. Tuy nhiên, đến nay sân phơi này vẫn chưa hoạt động hết công suất, mới chỉ có 2 cơ sở đăng ký tham gia phơi cá tại sân, nguyên nhân là do đầu tư chưa đồng bộ. Theo Phòng TN-MT TX Sông Cầu, trong năm qua hoạt động sản xuất chế biến cá cơm khô không đạt kết quả cao nên hiện nay chỉ còn khoảng 25 cơ sở hoạt động thường xuyên và khoảng 50 cơ sở hoạt động không thường xuyên. Vấn đề quản lý đối với các cơ sở sản xuất này chưa được chặt chẽ, đến nay chỉ có một cơ sở đăng ký kinh doanh; chưa có cơ sở, hộ sản xuất nào đăng ký bản cam kết hoặc đề án bảo vệ môi trường. Tại khu vực làng nghề, không khí bị ô nhiễm do mùi tanh hôi của nguyên liệu cá trong các công đoạn sản xuất và quá trình dùng củi đốt lò phát sinh nhiều khí thải. Môi trường nước bị ô nhiễm do chất thải hữu cơ từ công đoạn làm sạch và hấp cá. Các cơ sở, hộ sản xuất không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, tất cả được xả trực tiếp ra biển nên trong nước thải nồng độ các chất hữu cơ cao…

 

Theo ông Phạm Văn Cầu, Phó trưởng phòng TN-MT TX Sông Cầu, để phát triển bền vững làng nghề, các ngành chức năng và địa phương cần tăng cường quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường để tránh tình trạng gây ô nhiễm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Phòng TN-MT đã kiến nghị UBND TX Sông Cầu chỉ đạo UBND xã Xuân Hòa rà soát, thống kê và quản lý chặt chẽ các cơ sở, hộ sản xuất và chế biến cá cơm, cam kết bảo vệ môi trường, buộc các cơ sở, hộ sản xuất này xây dựng hệ thống nước thải, không thải nước thải, chất thải chưa xử lý ra môi trường. Phòng Tài chính kế hoạch thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc quản lý nhà nước về hoạt động đăng ký kinh doanh. Phòng Kinh tế nghiên cứu áp dụng công nghệ mới đưa vào sản xuất tại làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các cơ sở, hộ sản xuất cá cơm tại khu vực làng nghề thôn Hòa An cần đăng ký kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống chất thải, không xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài…

 

A.NGỌC - H.ÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek