Trong số 4 nông trường cà phê trên địa bàn Phú Yên, hiện chỉ còn Nông trường cà phê Ea Bá được giữ lại và chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đơn vị đang hoạt động có hiệu quả và khẳng định thế đứng của cây cà phê chè (Arabica) trên vùng đất phía tây Sông Hinh.
Chăm sóc cà phê chuẩn bị cho vụ mới - Ảnh: N.T |
Nông trường cà phê Ea Bá được thành lập cùng lúc với huyện Sông Hinh (1986). Lúc đó, nông trường chỉ biết đến cây cà phê vối. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng khí hậu của phía đông Trường Sơn, thời điểm cây cà phê ở đây ra hoa thường gặp mưa nên tỷ lệ đậu trái không cao, do vậy năng suất bình quân chưa đến 1 tấn nhân/ha, chỉ bằng một nửa so với cà phê trồng ở Tây Nguyên. Gần 300 ha cây cà phê của nông trường vào thời kỳ kinh doanh cũng là lúc cà phê gặp “khủng hoảng thừa”, giá cà phê nhân chỉ còn 7 - 8.000 đồng/kg, mới bằng một nửa giá thành sản xuất. Nông trường liên tục bị thua lỗ và đứng bên bờ vực phá sản, còn đời sống của công nhân cực kỳ khó khăn, đã có không ít người ngậm ngùi ra đi.
Giữa lúc khó khăn đó, những người chủ nông trường vẫn không chịu bỏ cuộc. Họ tìm đến cây cà phê chè. 1,5 ha trồng thử nghiệm cho kết quả rất khả quan, năng suất đạt gần 2,5 tấn nhân/ha, gấp 3 lần so với cà phê vối. Điều quan trọng hơn là cây cà phê chè khắc phục được nhược điểm của cây cà phê vối, không đòi hỏi nước tưới nhiều vàø vẫn ra hoa, kết trái bình thường trong mùa mưa, hơn nữa giá cà phê chè lại cao, từ 1,5 đến 2 lần. Nhận thấy cây cà phê chè phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây và có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nông trường đã mạnh dạn lập dự án báo cáo Tổng Công ty xin đầu tư trồng cà phê chè thay cho cà phê vối. Giám đốc Lê Văn Trung nhớ lại: Lúc lập dự án, chúng tôi chỉ đề ra kế hoạch trồng 150 ha, nhưng nhờ thực hiện chủ trương giao đất cho hộ công nhân, huy động thêm các nguồn khác nên trong giai đoạn 1996- 2000, nông trường đã có 300 ha cây trồng mới này. Đến năm 2002, hiệu quả của cà phê chè đã được khẳng định, chúng tôi thanh lý toàn bộ diện tích cà phê vối thay vào đó bằng cà phê chè.
Nhà máy chế biến cà phê của Công ty cà phê Ea Bá - Ảnh: N.T |
Đáng mừng hơn, khi nông trường có sản phẩm hàng hoá từ cây trồng mới, cũng là lúc được Tổng công ty Cà phê Việt Nam đầu tư 3,5 tỷ đồng xây nhà máy chế biến cà phê hiện đại, theo công nghệ chế biến ướt của Bra-xin. Nhờ được chế biến tại chỗ bằng máy móc, cà phê tăng giá lên gấp đôi so với chế biến thủ công. Năng suất cà phê chè của nông trường đạt bình quân 2,2 tấn nhân/ha, qua chế biến đạt giá trị 60 triệu đồng/ha/năm, hơn hẳn các loại cây trồng khác. Điều này càng có tác động tích cực thúc đẩy việc phát triển cây cà phê chè tiểu điền trong dân cư quanh vùng. Hiện tại ở khu vực tây Sông Hinh, bên cạnh 500 ha của nông trường, trong đó có 312,4 ha kinh doanh, nhân dân cũng trồng được gần 250 ha cà phê chè. Những năm gần đây, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nông trường tăng lên rõ rệt, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2006 vừa qua, đơn vị đã chế biến và tiêu thụ 700,9 tấn cà phê nhân, tăng 75%, tổng doanh thu đạt gần 20,4 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2005; nộp ngân sách 517 triệu đồng, vượt 72% kế hoạch; thu nhập của người lao động đạt bình quân 1,5 triệu đồng/tháng.
Phải mất gần 10 năm, cây cà phê mới tìm lại thế đứng trên vùng đất tây Sông Hinh. Vào lô cà phê đã quá trưa nhưng chúng tôi vẫn bắt gặp nhiều công nhân mãi mê cắt ngọn, tỉa cành chuẩn bị cho cà phê ra hoa vụ mới. Anh Nguyễn Quốc Bảo quê ở Hoà Xuân Tây (Đông Hoà), một trong những công nhân có mặt ở nông trường từ những ngày đầu thành lập, làm công nhân cơ khí nay đã nghỉ hưu. Anh cho biết: Tôi nhận khoán thêm 0,5 ha cà phê, 2 vụ vừa qua đã thu hoạch được 12,5 tấn tươi, thu được 45 triệu đồng. Theo anh Bảo, từ khi người lao động trong nông trường tham gia trồng cây cà phê chè thì cuộc sống bắt đầu thay đổi. So với nhân dân trong vùng, đời sống của công nhân nông trường hôm nay khá lên rất nhiều. Giám đốc Lê Văn Trung cho biết: Toàn nông trường có hơn 460 hộ, bình quân mỗi hộ có 2 ha đất sản xuất, trong đó có 1,4 ha cà phê và 1.000 đến 1.500 m2 lúa nước. Chính nhờ ổn định được lương thực tại chỗ mà bà con vượt qua thời kỳ khó khăn trước đây, cùng đưa nông trường phát triển. Còn bây giờ, họ yên tâm làm giàu với cây cà phê chè.
Theo phương án tổng thể sắp xếp đổi mới và phát triển của Tổng công ty Cà phê Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 49/2006/QĐ-TTg, Nông trường cà phê Ea Bá là một trong 20 đơn vị được giữ lại, tiếp tục củng cố phát triển và thực hiện cổ phần hoá trong giai đoạn 2006- 2010. Nông trường đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức và bắt đầu hoạt động theo mô hình doanh nghiệp từ ngày 1/1/2007 với tên Công ty cà phê Ea Bá. Gám đốc Lê Văn Trung nói về hướng đi của Công ty trong những năm tới: Bên cạnh ổn định diện tích 500 ha cà phê chè và nâng công suất nhà máy chế biến cà phê lên 150 tấn/ngày, sản xuất phân hữu cơ vi sinh lên 1.000 tấn/năm, cung cấp cho cây cà phê, Công ty sẽ chuyển đổi diện tích còn lại để trồng 300 ha cao su, đối tượng cây trồng đã khẳng định ưu thế và đang phát triển mạnh trong khu vực. Công ty tiến tới thành lập cơ sở chế biến mủ cao su, đồng thời mở rộng các hoạt động kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp, xăng dầu… phấn đấu năm 2010 đạt doanh thu 41,5 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với hiện nay.
NGUYÊN TRƯỜNG