Thứ Ba, 01/10/2024 20:28 CH
Vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Vẫn là bài toán chưa có lời giải
Thứ Sáu, 19/01/2007 07:14 SA

Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đang ngày càng tỏ rõ sự năng động cũng như tính hiệu quả trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các doanh nghiệp hiện lượng vốn tự có của khối doanh nghiệp này chỉ mới đáp ứng được từ 20 -–30% yêu cầu. Và có một nghịch lý là các ngân hàng thương mại hiện nay luôn nỗ lực tìm kiếm khách hàng để giải ngân vốn cho vay, còn DNVVN thì lại lẩn quẩn chưa tìm được phương cách tốt nhất để tiếp cận với các nguồn vốn này.  

 

THỦ TỤC VAY: VẪN LÀ RÀO CẢN!

 

070119-ngan-hang.jpg

Ngân hàng công thương Phú Yên nơi luôn khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn - Ảnh: KIM SA

Theo số liệu mới nhất từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên, trong tổng số 900 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động trên địa bàn tỉnh thì DNVVN chiếm đến 96%. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, các DNVVN ngày càng tỏ rõ sự năng động, cũng như tính hiệu quả. Song, “thiếu vốn” luôn là căn bệnh trầm kha của các DNVVN, nhất là doanh nghiệp mới, doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô, đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, cửa hàng... để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện chưa có một cơ quan chức năng nào có thể thống kê được có bao nhiêu doanh nghiệp có khả năng tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước và ngân hàng, bao nhiêu doanh nghiệp khó tiếp cận và doanh nghiệp không thể tiếp cận được? Chỉ biết rằng khi chúng tôi đề cập đến vấn đề vốn thì nhiều doanh nghiệp đều than… “khát”!   

 

Nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục vay vốn tạo ra rào cản. Vì thế, doanh nghiệp và các ngân hàng chưa có “tiếng nói chung”. Một cán bộ ở Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Phú Yên cho biết: Một trong những yêu cầu của các ngân hàng, trong bộ hồ sơ vay vốn, doanh nghiệp cần thể hiện rõ tính minh bạch, nhất là chiến lược sản xuất kinh doanh. Vấn đề này, nhiều doanh nghiệp sợ bị “lộ” và như vậy tính rủi ro vay vốn đầu tư sẽ cao. Về phía ngân hàng, nếu phương án kinh doanh của doanh nghiệp không rõ ràng, thì không thể nào cho vay được. Một thực tế nữa là, phần lớn các DNVVN ở Phú Yên quản lý theo kiểu “gia đình” nên chưa quen với việc quản lý “sổ sách”. Điều này rất khó khăn để tiếp cận với các ngân hàng. Ông Lê Văn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Lê Phan (TP Tuy Hoà), cho biết: “Không thể phủ nhận, trình độ viết dự án của doanh nghiệp rất hạn chế, đây là khó khăn lớn nhất. Đã vậy, để có được nguồn vốn vay, phía ngân hàng còn đòi hỏi hàng loạt những điều kiện cần khác trong bộ hồ sơ”.

 

070119-giao-dich-NH.jpg

Lượng khách hàng là DNVVN giao dịch tại các NH tăng nhanh nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu – Ảnh: N.Q

 

Một trong những “điều kiện” đó chính là tài sản thế chấp. Ông Nguyễn Tự, Chủ doanh nghiệp xây dựng Phi Hưng (Đông Hoà) nói: “Nhiều doanh nghiệp đã lập xong phương án kinh doanh nhưng do số vốn cần vay vượt nhiều so với tài sản thế chấp, nên không thể vay đủ số vốn mà doanh nghiệp cần”.

 

Đến năm 2010, theo định hướng của Chính phủ, cả nước sẽ có 500.000 DNVVN. Đi cùng với con số này là một lượng vốn lớn cần được đáp ứng. Và nếu cái vòng lẩn quẩn này cứ tiếp diễn, DNVVN càng khó khăn hơn trong sân chơi mới – sân chơi WTO.

 

MUỐN TIẾP CẬN VỐN: PHẢI CÓ TÀI SẢN THẾ CHẤP

 

070119-che-bien-go.jpg

Do “khát” vốn đầu tư nên doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu Minh Sơn, KCN Đông Bắc Sông Cầu không thể mở rộng quy mô sản xuất  – Ảnh: Đ.NGUYÊN

Theo ước tính mới nhất của ngành thống kê, 80% lượng vốn cung ứng cho DNVVN từ kênh ngân hàng. Nhưng làm gì để các DNVVN tiếp cận được với nguồn vốn này? Ông Trần Hữu Định, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – phát triển nông thôn (Agribank) Phú Yên cho biết: “Để tiếp cận vốn từ các ngân hàng, trước hết các DNVVN cần có các năng lực pháp luật; có mục đích sản xuất, kinh doanh khi vay vốn; phương án kinh doanh khả thi; phải có khả năng tài chính và tài sản thế chấp. Đối với Agribank Phú Yên, tài sản thế chấp không là điều kiện cao nhất, nó chỉ là một phần không có không được. Tuy nhiên, bên cạnh doanh nghiệp phải có “vốn mồi”, ngân hàng hỗ trợ thêm vốn lưu động thì phương án kinh doanh khả khi và yếu tố con người trong quản lý thực hiện phương án là điều kiện rất quan trọng”. Ông Bùi Văn Hương – Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân An Phát nói: “Phương án kinh doanh giúp ta có cách nhìn căn bản, biến ý tưởng thành hiện thực. Đã có nhiều DN thất bại vì không xây dựng phương án kinh doanh hoặc xây dựng quá sơ sài, nặng tính chủ quan, thiếu thông tin thị trường. Phương án kinh doanh tốt, không chỉ giúp ta có thể vay vốn, mà còn huy động được vốn từ bạn bè và những người có ham muốn kinh doanh cùng hợp tác làm ăn thông qua hình thức góp vốn cổ phần”.

 

Hiện các Ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Cơ cấu tín dụng đầu tư khối DNVVN không ngừng tăng cả về tốc độ lẫn tỷ trọng đạt 2.768 tỷ đồng, chiếm 84% tổng dư nợ. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn của ngân hàng thì không thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển và thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn trong tình trạng “khát” vốn. Xem ra bài toán vốn cho DNVVN ở Phú Yên vẫn chưa có lời giải. 

Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế, vốn từ ngân hàng không phải là sự lựa chọn duy nhất. Các DNVVN, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập, còn có thể tiếp cận với các tổ chức tín dụng khác: như Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển, các công ty cho thuê tài chính... Bà Đỗ Thu Ngân, Giám đốc Công ty cho thuê tài chính, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, cho biết: “Thay vì phải vay vốn về để mua xe cộ, máy móc thiết bị... DNVVN có thể có các tài sản này để sử dụng, bằng cách thuê tài chính. DN sẽ giảm được thủ tục thế chấp tài sản, cũng như một số yêu cầu khắt khe khi vay vốn ngân hàng”. Hình thức thuê tài chính bao gồm bên cho thuê (công ty cho thuê tài chính) thông qua việc ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp (phương tiện, máy móc, thiết bị...) sẽ cho bên thuê (DNVVN). Vì thế, quyền sở hữu tài sản vẫn là bên cho thuê trong thời gian của hợp đồng; bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên thuê khi hết hợp đồng... Tuy nhiên, theo bà Ngân, hiện nay, các DNVVN Phú Yên rất hạn chế thông tin để có thể tiếp cận được với nguồn vốn này. Làm gì để các DNVVN có thể tiếp cận với các nguồn vốn này, kể cả các nguồn vốn trong nước? Vấn đề duy nhất mang tính chất sống còn đó là các DNVVN không ỷ lại mà cần trang bị khả năng tự vận động, khả năng tự ứng phó và nâng cao năng lực pháp luật trong giai đoạn phát triển mới.

 

NGUYỄN QUANG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek