Ngư dân Phú Yên đang bước vào vụ đánh bắt cá ngừ đại dương năm 2007 với biết bao lo toan. Sự bất thuận của thời tiết, sự bấp bênh của giá cá ngừ đại dương…đã khiến ngư dân phải đối mặt với nhiều khó khăn, trắc trở.
MÙA BIỂN MỚI ĐẦY KHÓ KHĂN
Những ngày đầu ra khơi ngư dân phường 6 (TP Tuy Hòa) đã gặp khó khăn vì cửa sông Đà Rằng bị bồi lấp, nhiều tàu thuyền khó ra vào được – Ảnh: MINH KÝ
Tháng 1 đến tháng 3 hàng năm là thời gian chính vụ khai thác cá ngừ đại dương. Những năm trước, thời điểm này nhiều tàu thuyền đã khai thác được một, hai chuyến cá. Thế nhưng, hiện chỉ có hơn một nửa trong tổng số hơn 800 tàu đánh bắt xa bờ của Phú Yên ra khơi, hằng trăm tàu đánh bắt cá ngừ đại dương vẫn im ỉm nằm bến. Theo nhiều ngư dân, nguyên nhân chính là thời gian qua chi phí cho mỗi chuyến đi biển liên tục tăng cao, hiện trung bình mỗi chuyến đi biển đầu vụ ngư dân phải chi phí 70-80 triệu đồng, tăng 20-30 triệu đồng so với trước. Trong khi hiện nay, giá cá ngừ đại dương vẫn ở mức thấp, hiện chỉ dưới 60.000 đồng/kg, một số tàu vừa đi chuyến biển đầu tiên đã bị lỗ nặng.
Trong khi đó, thời tiết ngày càng “gây khó” cho ngư dân. Nhiều tàu ngay sau khi xuất bến đã gặp gió mùa đông bắc, buộc phải neo tàu ngoài khơi hoặc tìm nơi tránh trú. Do đó, thời gian cho mỗi chuyến biển phải kéo dài hơn so với trước đây, có chuyến kéo dài hơn tháng trời. Đó là chưa nói đến những tai nạn có thể xảy ra trên biển do thời tiết. Ông Lê Văn Lai- một thuyền trưởng của đội tàu phường 6 vừa tránh gió mùa đông bắc trở về- kể: “Chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo để đủ tiền cho chuyến biển. Thế nhưng, ngay sau khi ra biển lại gặp gió to. Dù vậy, chúng tôi cũng phải ra khơi bởi nếu trở về bờ thì không giữ được bạn để tiếp tục chuyến biển. Ba tàu vừa ra cửa được hai ngày hai đêm đành phải tấp vào đảo Bombay của Hoàng Sa tránh gió, đợi trời yên mới làm được…Dù có cố gắng mấy cũng khó thu hồi được vốn”. Đây là năm thứ ba liên tiếp, nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên đối mặt với muôn vàn khó khăn.
BẤT LỰC NHÌN TÀU NẰM BỜ
Khó khăn của vụ đánh bắt mới 2007 cũng là hệ lụy của từ những vụ đánh bắt trước. Trong vụ đánh bắt năm 2006, sản lượng cá ngừ đại dương của Phú Yên chỉ đạt 3.000 tấn, tương đương 60% sản lượng của năm 2005. Theo thống kê chưa đầy đủ, có đến 20% trong tổng số hơn 800 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương ở Phú Yên bị lỗ từ 50 triệu đến trên 100 triệu đồng. Đó là chưa tính đến các khoản nợ lãi vay nóng, vay nguội đang nhân lên từng ngày. Thực trạng này đã khiến hàng ngàn ngư dân làm công rơi vào cảnh khốn đốn, hàng trăm người phải tất tả ngược xuôi tìm việc làm khác để nuôi ga đình.
Vốn trong gia đình đã cạn kiệt, bây giờ nhiều chủ tàu chỉ còn biết trông chờ duy nhất vào vốn vay. Thế nhưng, họ không thể vay được ở ngân hàng do không trả được tiền lãi và gốc của các năm trước. Trong khi đó, năm nay các tư thương đã không còn cho các tàu ứng vật tư để đi biển. Ngư dân đành bất lực nhìn tàu nằm bờ trong xót xa. Ông Hồ Ngợi, ở phường 6, TP Tuy Hòa, một trong những người đầu tiên ở Phú Yên làm nghề cá ngừ đại dương và gắn bó với nghề này hơn 15 năm qua nhưng bây giờ gia đình ông đành chuyển sang nghề mành tôm với thu nhập chẳng bao nhiêu. Nhiều chủ nợ quá lớn, không thể chịu đựng mức lãi đang tăng lên từng ngày đành kêu bán tàu để trả nợ. Hiện đã có 7 chiếc tàu của ngư dân phường 6 đã bán cho ngư dân ở tỉnh khác. Hơn 10 tàu khác đang tiếp tục kêu bán nhưng chưa có người mua.
LÀM SAO GIẢM GÁNH NẶNG CHO NGƯ DÂN?
Để tháo gỡ một phần khó khăn cho bà con ngư dân, UBND phường 6 đã có văn bản đề nghị TP Tuy Hoà và UBND tỉnh Phú Yên can thiệp với ngành ngân hàng khoanh nợ cho ngư dân. Ngoài ra, địa phương này cũng đẩy mạnh việc làm sổ đỏ để ngư dân có điều kiện thế chấp vay vốn ngân hàng. Chính quyền phường 6 cũng tính đến việc vận động ngư dân hình thành những tập đoàn đánh bắt cá ngừ đại dương để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chí phí. Ông Phạm Hiểu, Chủ tịch UBND phường 6 cho biết: “Trước mắt UBND phường 6 tập hợp các tàu là anh em, dòng họ lại với nhau, vận động bà con đánh bắt theo kiểu tập đoàn để giảm chi phí. UBND phường cũng đề nghị với ngân hàng tạo điều kiện cho bà con được tiếp tục vay vốn để ra khơi”.
Với hàng loạt khó khăn đang đặt ra trong nghề khai thác xa bờ, nhất là nghề câu cá ngừ đại dương như hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những chương trình đầu tư nghiên cứu, tổ chức lại nghề đánh bắt cá ngừ đại dương để góp phần giảm gánh nặng cho ngư dân, cũng như để nghề đánh bắt xa bờ mang lại hiệu quả cao.
LÊ BIẾT