Cây cao su trồng tại huyện miền núi Sông Hinh và Sơn Hòa được xem là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao cho nông dân. Trong chiến lược phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh sẽ mở rộng diện tích cao su nhằm góp phần sớm hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Khai thác mủ cao su ở Ea Bar (Sông Hinh) - Ảnh: T.HƯƠNG
DIỆN TÍCH TĂNG NHANH
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh: “Thời gian đến, tỉnh sẽ lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới với các nguồn vốn khác để phát triển diện tích cây cao su - trở thành cây trồng chủ lực ở các huyện miền núi nhằm mang lại thu nhập cao cho nông dân”.
Thống kê của Sở NN-PTNT, hiện diện tích trồng cao su trên địa bàn tỉnh là 3.590ha, tập trung tại huyện Sông Hinh và Sơn Hòa, tăng nhanh so với cách đây hơn 10 năm khi tỉnh Phú Yên đưa vào trồng thử nghiệm loại cây này trên 50ha tại xã Ea Trol (Sông Hinh) và xã Sơn Long (Sơn Hòa). Trong số diện tích này, hiện có 1.284ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt 1 tấn mủ/ha. Tại huyện Sông Hinh hiện có 2.800ha cao su, trong đó khoảng 1.010ha đã khai thác mủ, tập trung nhiều ở các xã Ea Bar, Ea Ly và các thôn Vĩnh Sơn, Chứ Sai (xã Ea Trol). Năm 2012, giá mủ cao su ở mức 20.000 đồng/kg, tính ra mỗi năm người trồng cao su với diện tích lớn có thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên.
Có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với cây cao su, nên trong đề án xây dựng nông thôn mới của các xã ở huyện Sông Hinh đều quy hoạch trồng cây cao su và dự kiến đến năm 2015 đạt ít nhất 5.000ha. Ea Ly là xã trồng cao su nhiều nhất tỉnh, với 320ha, trong đó 130ha đã cho mủ, với sản lượng năm 2012 khoảng 170 tấn. Ông Bàn Nguyên Thành - dân tộc Dao ở thôn Tân Bình cho biết: “Gia đình tôi trồng 5ha cao su, trong đó một nửa diện tích đã cho mủ gần 3,5 tấn”.
Cao nguyên Vân Hòa (Sơn Hòa) nằm ở độ cao hơn 400m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp, nhất là cây cao su. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có gần 800ha. Bà Trần Thị Điệp ở thôn Suối Phèn, xã Sơn Long trồng hơn 20ha cao su, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng. Còn ông Lê Đức Huệ ở thôn Hòa Bình, xã Sơn Định trồng hơn 10ha cao su và đang cho mủ, mỗi năm gia đình có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa cho biết: “Nông dân các xã phía bắc của huyện đã chú trọng đến việc trồng cây cao su và mang lại thu nhập cao. Trong đề án xây dựng nông thôn mới, huyện tập trung chuyển giao khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng để nông dân có điều kiện mở rộng diện tích cao su”.
GẮN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trong chiến lược phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2015, Phú Yên quy hoạch diện tích cao su gần 13.000ha từ đất rừng nghèo, đất rẫy, đất trống chưa sử dụng, trong đó hơn 7.000ha cao su tiểu điền do hộ gia đình trồng và còn lại là các doanh nghiệp đầu tư.
Năm 2012, trên địa bàn huyện Sông Hinh được hỗ trợ đầu tư 2 mô hình giảm nghèo bền vững bằng trồng cao su tại hai xã Ea Bia và Ea Bá (Sông Hinh) với tổng kinh phí 300 triệu đồng, hỗ trợ 100% cây giống. Qua 2 mô hình này, 30 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Ê Đê trồng được 30ha, đồng thời bà con được hướng dẫn kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến khai thác mủ. Ông Niê Blý, Chủ tịch UBND xã Ea Bia cho biết: “Chu kỳ cây cao su đến khi khai thác mủ từ 6 đến 8 năm, trong đó 3 năm đầu sẽ trồng xen canh cây ngắn ngày như: bắp, mè, đậu phụng, dưa hấu… Đến kỳ khai thác nếu năng suất đạt 1,5 tấn mủ/ha thì mỗi hộ tham gia dự án có thu nhập 30 triệu đồng/năm. Do đó, dự án trồng cây cao su theo hộ gia đình chắc chắn sẽ tạo điều kiện địa phương khai thác tiềm năng đất đai và nâng cao đời sống bà con dân tộc”.
Theo đề án xây dựng nông thôn mới của xã Ea Ly đến năm 2015 sẽ nâng diện tích cao su lên 500ha. Chủ tịch xã Ea Ly Nguyễn Phúc Thành, cho biết: “Cây cao su mang lại thu nhập cao cho nông dân, tuy nhiên hiện nay mủ cao su tiêu thụ ngoài tỉnh thông qua các tư thương, khiến chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận giảm. Chúng tôi đề nghị huyện sớm đưa nhà máy chế biến mủ sao su vào hoạt động và mua mủ theo giá thị trường để nông dân yên tâm sản xuất”. Nhiều nông dân trồng cao su cho biết, thời gian qua mặc dù mủ cao su được giá, nhưng họ vẫn thua thiệt vì tư thương ép giá. Cụ thể, năm 2012, giá mủ cao su tại Ea Ly ở mức 20.000 đồng/kg, cao hơn 9.500 đồng/kg so với năm 2011, nhưng vẫn thấp hơn giá mủ tại Đắk Lắk 5.000 đồng/kg. Với năng suất mủ đạt từ 1,2 - 1,5 tấn/ha thì mỗi hecta người trồng cao su ở Phú Yên bị giảm thu nhập khoảng 6 triệu đồng.
Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Trần Thanh Định, cho hay: “Tỉnh giao hơn 488ha đất trên địa bàn huyện cho Viện Nghiên cứu cây cao su Việt Nam thực hiện đề án Trạm thực nghiệm cao su và vườn cao su chất lượng cao; trong đó có dự án nhà máy chế biến mủ công suất 1.000 tấn/năm hiện đang triển khai xây dựng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, nguồn thu của người trồng cao su sẽ tăng”.
HOÀI NAM - THẾ LẬP