Việc làm bán thời gian là một trong những việc làm đang thiếu lao động. Thế nhưng, khi người lao động có việc làm thì quyền lợi của họ chưa được bảo đảm.
Người lao động đang được nhân viên tư vấn tuyển dụng hướng dẫn thủ tục nhận việc - Ảnh: K.ANH
“SỐT” NHU CẦU LAO ĐỘNG
Không chỉ vào những dịp lễ, tết mà ngay cả ngày thường, nhu cầu thuê lao động bán thời gian khá nhiều nhưng người đăng ký làm việc thì khan hiếm; nhất là đối với những ngày này, khi mà các gia đình muốn trang hoàng lại nhà cửa để đón chào năm mới. Chị Lâm Thị Hồng Hoa, ở khu phố Ngô Quyền, phường 5 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Hơn 2 tháng nay, tôi đăng ký tìm người giúp việc gia đình tại các trung tâm giới thiệu việc làm và kể cả nhờ người quen tìm giúp nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được người. Tôi đã hết thời gian nghỉ thai sản, đang cần người trông trẻ và làm việc nhà; mức lương định trả là 3 triệu đồng/tháng. Hiện không chỉ vợ chồng tôi mà còn rất nhiều gia đình khác cũng cần người giúp việc nhưng không biết tìm người bằng cách nào”. Còn chị Nguyễn Thị Cát Tiên, ở phường 4 (TP Tuy Hòa) thì cho hay: “Tôi đang xây nhà, sẽ hoàn tất trong nay mai. Do đó, tôi muốn tìm người phụ quét dọn nhà cửa trong vài ngày nhưng khó quá. Trong khi công việc cơ quan cuối năm đang cần được giải quyết còn việc nhà thì chẳng biết thu xếp vào đâu”.
Hiện tại, lao động bán thời gian theo nhiều hình thức khác nhau như làm việc từ sáng đến tối, làm theo một lượng giờ nhất định trong ngày hoặc cả ngày lẫn đêm. Công việc thông thường như phục vụ bán hàng, bồi bàn, làm việc nhà, trông trẻ, làm vườn… Ông Hoàng Tự Đức, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Phú Yên cho biết: Những năm trước, có nhiều sinh viên hay người lao động nhàn rỗi đến đăng ký xin việc làm bán thời gian nhưng gần đây rất ít, có khi không có lao động nào. Nếu có người cần việc, trung tâm sẽ tiếp nhận hồ sơ và giới thiệu công việc phù hợp cho họ. Việc nhận việc khá đơn giản, không quá nhiều thủ tục rườm rà bởi hầu hết là lao động phổ thông. Nhưng vì không có lao động đăng ký theo hình thức này nên hiện nay đơn vị chỉ tuyển dụng người lao động làm việc tại các công ty, phân xưởng… trong và ngoài tỉnh hay ở nước ngoài.
CHƯA ĐƯỢC BẢO VỆ QUYỀN LỢI
Anh Hạ Trọng Sơn, cán bộ tư vấn tuyển dụng của Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên (Hội liên hiệp Thanh niên Phú Yên) cho biết: Mức lương của lao động tùy theo từng công việc, thời gian làm việc khác nhau. Lao động làm việc từ sáng đến chiều thì khoảng từ 1,8-2,5 triệu đồng/tháng; còn ở lại qua đêm thì từ 2,5-3 triệu đồng/tháng; làm việc theo giờ/ngày thì tùy thuộc vào thỏa thuận của hai bên trước khi nhận việc. Từ trước đến nay, trừ tiền lương được hưởng thì người lao động bán thời gian không được hưởng các loại bảo hiểm theo quy định như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn…
Trên thực tế, hợp đồng lao động dưới 3 tháng, công việc không ổn định thì thường không ràng buộc bởi mức lương tối thiểu, không được đóng các loại bảo hiểm như các chế độ của lao động thông thường. Em Nguyễn Thị H, 17 tuổi, ở phường 8 (TP Tuy Hòa) chia sẻ: Gia đình khó khăn, lại còn em nhỏ nên em phải bỏ học giữa chừng và đang giúp việc nhà cho một gia đình ở phường 3. Hàng tháng, em chỉ được nhận tiền lương là 1,5 triệu đồng; có khi cô chủ cho thêm vài trăm nghìn để tiêu vặt và không nhận khoản tiền nào khác.
Ông Nguyễn Văn Lãng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh cho biết: Việc làm có thu nhập, không vi phạm pháp luật là chính đáng. Mặc dù chỉ là việc làm bán thời gian nhưng cũng góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động của địa phương. Tại Phú Yên, đây là dịch vụ mới, chưa được quy định rõ ràng về chế độ hưởng lợi của lao động, nhất là với lao động hưởng lương theo ngày. Thêm vào đó, việc quản lý hình thức lao động này của các cơ quan chức năng là hết sức khó khăn; ngay cả đơn vị quản lý gần nhất như xã, phường cũng khó nắm bắt được cụ thể. Bởi người tuyển dụng và lao động đều không qua đăng ký nên việc quản lý không dễ. Người sử dụng lao động có quyền thuê lao động, có quyền hợp đồng miệng nhưng khi hợp đồng có “vấn đề” thì quyền lợi của người lao động không được bảo vệ, đặc biệt là đối với các lao động ở tuổi vị thành niên. Trong Luật Lao động (sửa đổi) năm 2012, các tổ chức, cá nhân tuyển dụng lao động, người lao động đều được quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền lợi. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải triển khai, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng luật này để người lao động hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình. Đồng thời, các đơn vị liên quan, chính quyền cơ sở phải tăng cường công tác quản lý lao động tại địa bàn, góp phần bảo đảm lợi ích người lao động nói chung và lao động bán thời gian nói riêng.
KHANG ANH